Kinh tế thế giới dần phục hồi sau đại dịch

22/07/2021 - 06:09

PNO - Sau hơn một năm “thất thủ” trước COVID-19, nền kinh tế thế giới bắt đầu có những tín hiệu khả quan trở lại. Dù vậy, khả năng phục hồi khá chênh lệch giữa từng quốc gia, khi mà đại dịch tiếp tục lan rộng tại nhiều khu vực do biến chủng Delta.

Phục hồi không đồng đều

Báo cáo Ngành sản xuất thế giới mới nhất của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO) cho thấy, tốc độ phục hồi kinh tế khác nhau đáng kể giữa các khu vực và quốc gia. Trong đó, Trung Quốc phục hồi nhanh nhất với tốc độ tăng trưởng lên đến 38,2% trong quý đầu năm 2021, một phần do cơ sở so sánh của năm 2020 khá thấp. Mặt khác, các nền kinh tế công nghiệp hóa phải đối mặt với một làn sóng lây nhiễm khác vào mùa thu năm 2020, buộc họ áp dụng trở lại các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt hơn.

Báo cáo của UNIDO cũng cho thấy, nhóm lĩnh vực công nghệ cao phục hồi với tốc độ nhanh hơn, trong khi các ngành công nghệ thấp có tốc độ tăng trưởng kém hơn so với cùng kỳ năm trước.

Nhờ nhanh chóng triển khai tiêm chủng và hạn chế lây nhiễm, một số quốc gia đã khôi phục tổng sản phẩm nội địa GDP về mức trước đại dịch - ẢNH: CNN
Nhờ nhanh chóng triển khai tiêm chủng và hạn chế lây nhiễm, một số quốc gia đã khôi phục tổng sản phẩm nội địa GDP về mức trước đại dịch - Ảnh: CNN

Trong khi đó, báo cáo triển vọng kinh tế của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã ghi nhận tổng sản phẩm nội địa (GDP) bình quân đầu người trở lại trạng thái trước đại dịch. Khi xem xét 46 quốc gia, tổ chức này cho rằng hầu hết nền kinh tế toàn cầu sẽ đạt mức trước đại dịch vào năm 2022.

OECD dự báo sản lượng toàn cầu sẽ tăng 5,8% vào năm 2021. Sự cải thiện dự kiến được thúc đẩy bởi các hành động nhanh chóng của mỗi quốc gia, như dự luật kích thích tài chính của Mỹ và sự thành công của việc triển khai vắc xin. Trung Quốc trở lại mức GDP bình quân đầu người trước đại dịch hồi nửa cuối năm 2020. Cột mốc này tại Hàn Quốc, Nga và Mỹ dự kiến đến chậm hơn, vào khoảng giữa năm 2021.

Tại Diễn đàn Kinh tế Brussels hồi tháng Sáu, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, cho biết: “Chúng tôi dự báo nền kinh tế của khối sẽ tăng trưởng 4,2% trong năm nay và 4,4% vào năm 2022. Điều này nghĩa là trong 18 tháng tới, 27 quốc gia thành viên sẽ hồi phục sau cơn khủng hoảng”.

Liên minh châu Âu đã thúc đẩy mạnh mẽ việc hỗ trợ tài chính để ngăn chặn những tác động kéo dài do đại dịch. Quyết định đó, cùng với việc mua chung các loại vắc xin phòng COVID-19, là những yếu tố chính đằng sau sự phục hồi.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), nền kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ tăng trưởng trong năm nay với tốc độ 5,6%; nhanh hơn gấp đôi so với năm 2019. Điều đáng lo nhất liên quan đến hơn 20 quốc gia có thu nhập thấp như Afghanistan, Cộng hòa Trung Phi, Haiti… khi dự kiến mức tăng trưởng hằng năm chỉ 2,9% trong năm 2021.

Với các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, đại dịch dường như quay ngược thời gian, xóa đi mức tăng thu nhập bình quân đầu người trong một thập niên và làm giảm vĩnh viễn tốc độ tăng trưởng tiềm năng. Dự báo, 100 triệu người trên thế giới sẽ tái nghèo vào cuối năm 2021.

Hướng đi cho châu Á - Thái Bình Dương 

Trong nhiều thập niên, khu vực Đông Á và Thái Bình Dương duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ngay trong năm 2020, một số quốc gia trong khu vực đã trở thành hình mẫu về phòng, chống COVID-19. Nhưng giờ đây, khi triển vọng phục hồi sau đại dịch toàn cầu khởi sắc, khu vực này lại đang chật vật với số ca nhiễm tăng cao.

Theo bà Victoria Kwakwa, Phó chủ tịch khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của WB, có ba cơ hội để các quốc gia trong khu vực hợp tác nhằm chấm dứt đại dịch và khôi phục nền kinh tế.

Thứ nhất, các nước có thể cùng nhau sản xuất và triển khai vắc xin với sự hợp tác từ những quốc gia tiên tiến hơn.

Thứ hai là sự hợp tác phục hồi kinh tế, chẳng hạn mở lại du lịch với các yêu cầu về tiêm chủng và xét nghiệm; những nền kinh tế phục hồi và thiếu lao động có thể đưa lao động trở lại từ nước láng giềng đi kèm với những biện pháp về sức khỏe và an toàn.

Cuối cùng là tăng cường hội nhập khu vực thông qua cải cách, mở ra cơ hội ở các lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ được bảo hộ cho các quốc gia khác.

Nhiều chuyên gia cũng nhấn mạnh sự phát triển của Trung Quốc dựa vào quyết sách càng kiểm soát đại dịch nhanh chóng, nền kinh tế càng mau chóng phục hồi là rất đáng quan tâm. Từ việc quyết liệt chống dịch bằng cách ly hàng triệu người cho đến việc chính phủ đổ tiền vào các dự án cơ sở hạ tầng, gia hạn các khoản vay và giảm thuế để hỗ trợ kinh doanh, cung cấp đất, cho vay và trợ cấp cho các nhà máy mới để sản xuất vắc xin, cùng với việc rút gọn thời hạn phê duyệt.

Mặt khác, Trung Quốc cũng tận dụng thị trường rộng lớn gần 1,4 tỷ dân để ổn định kinh tế theo hướng tự cung tự cấp, kích cầu nội địa. 

Theo báo cáo từ Ngân hàng Credit Suisse tại Thụy Sĩ, có khoảng 5,2 triệu người trở thành triệu phú trong đại dịch. Tổ chức Liên minh vắc xin vì con người cũng cho biết, có ít nhất chín người đã trở thành tỷ phú mới kể từ khi bắt đầu đại dịch với tổng tài sản ròng là 19,3 tỷ USD.

Đáng chú ý, 5/9 người này là thành viên sáng lập của các hãng sản xuất vắc xin nổi tiếng, bao gồm Moderna, BioNTech và CanSino Biologics. Các tỷ phú vắc xin được tạo ra nhờ cổ phiếu của các công ty dược phẩm tăng giá nhanh chóng.

Tấn Vĩ

(theo Quartz, WB, Washington Post, Euronews, UNIDO, New York Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI