Kinh hoàng những định kiến khắc nghiệt giết chết cuộc đời người phụ nữ trên thế giới

02/01/2022 - 15:44

PNO - Chèn ép phụ nữ không những làm tổn thương họ mà nam giới cũng bị ảnh hưởng.

 

Nữ sinh ở một nước Hồi giáo (Ảnh đăng trong bài của báo The Economist)
Nữ sinh ở một nước Hồi giáo - Ảnh: The Economist

Tộc trưởng Hazim Muhammad al-Manshad phán: “Phụ nữ lái xe sẽ bị giết”. Ông nói câu này mà không một chút mảy may động lòng. Kiểu đối xử đó là quy tắc bất thành văn của bộ tộc al-Ghazi của Hazim ở miền Nam Iraq. Lý do khá “đơn giản”: khi lái xe, phụ nữ có thể gặp một người đàn ông, và “danh dự của cô ấy bị xâm hại”. Vì vậy, nam giới trong gia đình sẽ giết cô ấy bằng dao hoặc đạn và chôn xác trong một cồn cát.

Hazim đối xử với khách phương xa rất vui vẻ và trọng thị nhưng những quy định đối với phụ nữ trong bộ tộc lại tàn bạo, và một mục đích của sự tàn bạo đó là để nam giới kiểm soát phụ nữ. Con gái phải chấp nhận lấy chồng là người do cha chọn. Nếu cô ấy qua lại với một người đàn ông khác, nam giới trong họ của cô ấy chắc chắn phải giết cả hai người.

Phụ nữ là phải ở trong nhà. Phóng viên của The Economist đến tìm hiểu ở ba bộ tộc người Shia ở miền Nam Iraq vào tháng 6/2021, vào tận trong làng của họ. Nam phóng viên này không thấy ngoài đường một phụ nữ đã dậy thì nào.

Vấn nạn này làm cho những xã hội đó bất ổn và nghèo khổ. Đây là nhận định của ba phụ nữ: Valerie Hudson (Đại học Texas) & Donna Lee Bowen và Perpetua Lynne Nielsen (Đại học Brigham Young).

Tuy một số thành phố của Iraq đã khá tự do theo tiêu chuẩn Trung Đông, nhưng ở phần lớn các vùng nông thôn, nam giới nắm hết xã hội. Tất cả những người đứng đầu đều là nam giới. Ở nhà, phụ nữ phải vâng lời chồng, cha hoặc anh em trai. Họ không được có mặt tại các cuộc họp bộ tộc. Trong suốt lịch sử của những xã hội đó, vai trò của phụ nữ dường như không tồn tại.

Nếu kết hôn với người ngoài bộ tộc, phụ nữ phải “tòng phu” theo chồng. Và chế độ phụ hệ vẫn còn phổ biến ở nhiều nước châu Á, châu Phi và Trung Đông. Tài sản và vai trò chủ gia đình hay lãnh đạo xã hội chỉ dành cho nam giới. Sinh con trai thì phụ nữ mới được thừa nhận, và xã hội tồn tại nhiều quy định nghiêm ngặt để ép phụ nữ phải giữ gìn trinh tiết.

Trong nghiên cứu có tên “Trật tự đầu tiên: Giới tính định hình cách quản lý và an ninh quốc gia trên toàn thế giới”, ba phụ nữ nói trên (Hudson, Bowen và Nielsen) đã xếp hạng 176 quốc gia trên thang điểm từ 0 đến 16 cho vấn đề họ gọi là hội chứng trọng nam khinh nữ. Nghiên cứu này bao gồm những nội dung như đối xử bất bình đẳng đối với phụ nữ trong luật gia đình và quyền sở hữu tài sản, tảo hôn đối với trẻ em gái, hôn nhân phụ hệ, chế độ đa thê, làm dâu, chuộng con trai, bạo lực đối với phụ nữ và thái độ của xã hội đối với trọng nam khinh nữ.

Theo ba nữ học giả, những nước giàu đã tiến bộ; Úc, Thụy Điển và Thụy Sĩ thuộc hàng tốt nhất có thể. Iraq có điểm số 15 tệ hại, bằng với Nigeria, Yemen và Afghanistan (trước chế độ Taliban). Nam Sudan còn tệ hơn nữa. Điểm kém không chỉ giới hạn ở các nước nghèo cũng không giới hạn ở các nước Hồi giáo (Ấn Độ và hầu hết các nước cận Sahara ở châu Phi cũng kém). Nhìn chung, ba tác giả ước tính còn 120 nước vẫn đang bị ảnh hưởng bởi trọng nam khinh nữ.

Có một thực tế ở Iraq: cảnh sát không muốn can thiệp vào các vụ giết người trong các bộ tộc. Lý do là trong những vụ như vậy, thủ phạm thường có vũ khí. Nếu thủ phạm bị chết vì kháng cự cảnh sát, những người thân là nam giới của thủ phạm sẽ cảm thấy có bổn phận là phải giết người cảnh sát để trả thù. Vì vậy, cảnh sát không muốn đụng độ với họ và để các bộ tộc tự giải quyết với nhau.

Thêm một vấn đề khác ở Iraq là ưu tiên quan hệ họ hàng trong công việc có thể gây bất công xã hội hay tham nhũng vì nạn “một người làm quan, cả họ được nhờ”. Ví dụ: khi một người có được công việc tại một bộ, người ấy thích kéo họ hàng thân thuộc vào làm chung hoặc ưu tiên các hợp đồng cho họ hàng của mình thay vì phục vụ xã hội.

Phân biệt giới tính: Từ nhà mà ra

Nghiệt ngã là con gái hay phụ nữ phải đối mặt với định kiến xã hội ngay từ khi còn trong bụng mẹ vì nhiều gia đình chỉ thích con trai, có thể phá thai nếu là con gái. Hủ tục này vẫn còn phổ biến ở Trung Quốc, Ấn Độ và khu vực Kavkaz thời hậu Xô Viết. Theo một ước tính, nạn phá thai nếu là thai nhi nữ đã từ chối cuộc sống của ít nhất 130 triệu bé gái trong dân số thế giới.

Điều đó có nghĩa nhiều đàn ông phải chịu cảnh độc thân; và những đàn ông độc thân sống với trạng thái thất vọng có thể rất nguy hiểm. Nghiên cứu về vấn đề nam nhiều nữ ít, Lena Edlund thuộc Đại học Columbia và các đồng tác giả của cô phát hiện rằng ở Trung Quốc, khi chênh lệch giữa nam và nữ tăng 1% những tội phạm về bạo lực và về tài sản lại tăng 3,7%. Những khu vực ở Ấn Độ có nhiều nam dư thừa cũng gây nhiều bạo lực đối với phụ nữ hơn. Bất ổn ở Kashmir có nguồn gốc chính trị, nhưng cần lưu ý thêm là đây là một trong những bang có tỷ lệ nam nhiều nữ ít cao nhất ở Ấn Độ.

Phụ nữ luôn sẵn sàng gánh vác công việc (Ảnh đăng trong bài của báo The Economist)
Phụ nữ luôn sẵn sàng gánh vác công việc - Ảnh: The Economist

Đa thê cũng là tình trạng bất công cho nữ giới và dẫn đến bất ổn xã hội. Ở những nơi bất ổn nhất thì tình hình đa thê trầm trọng hơn những nơi khác. Ví dụ tại những nước thường có chiến tranh như Mali, Burkina Faso và Nam Sudan (châu Phi), hơn một phần ba số đàn ông đã lập gia đình là người đa thê. Nếu những đàn ông giàu nhất (10% trong tổng số) có 4 vợ thì những người nam nghèo nhất (30% trong tổng số) sẽ không thể lấy được vợ. Đây là động cơ để nhóm thứ hai giết những người nhiều vợ.

Thêm một vấn đề nữa là của hồi môn (số tiền hay tài sản bên nhà trai phải đưa cho nhà gái để cưới vợ). Nói ngắn gọn, đó là giá phải trả để có con dâu. Vấn đề này gây ra nạn tảo hôn ở bé gái vì chi phí bỏ ra so với những gì con dâu phải phục vụ bên chồng là nhỏ hơn so với khi con gái lớn hơn. Ở Uganda (châu Phi), 34% phụ nữ kết hôn trước 18 tuổi và 7% trước tuổi 15. Kết hôn sớm đồng nghĩa với việc trẻ em gái dễ bỏ học hơn và ít có khả năng chịu đựng được người chồng bạo hành.

Bạo lực gia đình cũng có gốc từ trong gia đình. Nếu con trai nhìn thấy bố chèn ép mẹ, chúng cũng sẽ bắt nạt vợ tương lai của mình. Từ gia đình, nó lan ra xã hội. Bà Valerie Hudson (Đại học Texas) cho rằng khi phụ nữ bị đàn áp trong nhà của họ, cả xã hội cũng dễ bị tổn thương hơn bởi tệ nạn này.

Nếu con trai nhìn thấy bố bắt nạt mẹ mình, chúng sẽ học cách bắt nạt vợ tương lai của mình. Bà Hudson lập luận rằng nếu phụ nữ phải chịu chế độ chuyên quyền và khủng bố trong nhà của họ, thì xã hội cũng dễ bị tổn thương hơn bởi những tệ nạn này.

Gam màu lạc quan

Tuy nhiên, có lý do để tin rằng hậu quả từ những vấn đề trên sẽ giảm trên phạm vi toàn cầu. Việc chọn lọc thai nhi đã ngày càng giảm. Chênh lệch giữa số trẻ nam và nữ sinh được sinh ra ở Trung Quốc và Ấn Độ đã qua đỉnh điểm và đang giảm dần. Ở Hàn Quốc, Gruzia và Tunisia – những quốc gia từng có tỷ lệ chênh lệch giới tính cao – hiện nay đã giảm trở lại gần như tỷ lệ tự nhiên. Và trong những bậc cha mẹ, họ yêu thương con gái và con trai như nhau, nếu không muốn nói là bé gái được yêu nhiều hơn ở mức độ nào đó. Ở phương Tây, tư tưởng trọng nam khinh nữ không rõ ràng như ở những nước và khu vực kém phát triển hay phương Đông nói chung, và phương Đông cũng cố gắng học tập điểm tiến bộ này của phương Tây.

Nguyễn Tường Thụy (lược dịch từ The Economist )

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI