Khúc tháng 4 quá vãng

29/04/2017 - 17:22

PNO - Với những người lính, tháng Tư trở thành một ký ức không thể phai mờ khi đoàn quân giải phóng cắm cờ trên Dinh Độc Lập ngày 30/4. Và qua thời gian, càng lùi xa, họ càng nhớ về ngày đó, tháng Tư đó thật da diết.

Từ hơn bốn thập kỷ qua, tháng Tư ở Việt Nam đã trở thành thiêng liêng như tháng Tám. Tháng Tám là tháng cả dân tộc đứng lên đập tan xiềng xích nô lệ, thăng hoa thành đất nước tự do năm 1945. Còn tháng Tư lại là tháng mà vào năm 1975, đất nước liền một dải sau nhiều năm chia cắt. 

Với những người lính, tháng Tư trở thành một ký ức không thể phai mờ khi đoàn quân giải phóng cắm cờ trên Dinh Độc Lập ngày 30/4. Và qua thời gian, càng lùi xa, họ càng nhớ về ngày đó, tháng Tư đó thật da diết.

Khuc thang 4 qua vang
Dinh Thống Nhất, nơi lá cờ được cắm vào ngày 30/4 - biểu hiện của việc thống nhất đất nước

Với riêng tôi, điều đó đã từng trở thành một chương mang tên “Nhật ký 30/4/1975” trong Trường ca Năm tháng và chiều cao, rồi lại chảy ra trong một bài thơ ngắn Vào một trưa ngày cuối cùng tháng Tư:

                        Vào một trưa ngày cuối cùng tháng Tư

                        Những người lính bỗng chung nhau một tuổi

                        Trẻ già gương mặt đều sạm khói

                        Nắng hắt lên màu những tấc đường qua...

Bởi vậy, tôi luôn đồng cảm với những ai viết về thời khắc này. Nghe ca khúc Khúc tráng ca tháng Tư của người lính già của Trọng Đài phổ thơ Nguyễn Sỹ Đại, tôi cảm thấy như họ đang đi vào quá vãng của chính mình bằng bước chân của sự chia sẻ, niềm mến thương. Đọc riêng bài thơ, đã thấy điều đó hiện lên rất rõ:

                        Có một người lính già

                        Lòng không yên khi tháng tư về

                        Ông đi tìm bạn bè

                        Ông đi cùng sơn khê

                        Nghe vọng về âm vang trận đánh

Cũng là Sơn Khê, cũng là rừng núi, nếu với lớp trẻ hôm nay thì việc tìm đến chỉ là đi “phượt”, đi tìm cảnh trí lạ của non xanh, nước biếc. Còn đối với người lính già, trong đó có tôi, ở đấy họ tìm thấy âm vang trận đánh ngày xưa, để nhận ra “thấy quá khứ chưa bao giờ tắt”. Mạch thơ tiếp tục tự sự, nhưng đã bắt đầu nhen lên triết lý:

                         Có một người lính già

                        Suốt cuộc đời vì nhân dân

                        Mang trái tim quân hành

                        Mang xôn xao đại ngàn

                        Nghe mọi miền âm vang tiếng sóng

Vâng! Đã có một thế hệ như thế. Sẵn sàng dấn thân. Sẵn sàng dâng hiến. Câu thơ thật thấm thía “Mang trái tim quân hành”. Họ trở thành lạ lẫm với thế hệ hôm nay. Cuộc sống của họ là sự chung sống với quá vãng, với “xôn xao đại ngàn”, với “âm vang tiếng sóng”. Họ đã hiện về qua xúc cảm của nhà thơ. Và nhà thơ đã tạc nên họ bằng ngôn ngữ:

                        Người lính già bước rung sơn hà

                        Mắt nhìn sao bao la

                        Lòng thiết tha cỏ hoa cuộc sống

                        Người lính già bao năm trăng treo đầu ngọn súng

                        Tháng Tư về núi dựng một thời trai

Hình tượng “đầu súng trăng treo” đi từ thơ Chính Hữu xuyên qua thuở trường chinh chống Pháp, xuyên qua thời chống Mỹ ta nhớ để soi vào núi mà nhớ một thời trai.

Bài thơ không chỉ nhận được sự đồng cảm của bạn đọc mà còn nhận được cả sự đồng cảm của nhạc sĩ. Trọng Đài chắc không thể ghìm thổn thức khi đọc bài thơ của Nguyễn Sỹ Đại nên đã hát lên những dòng thơ thành giai điệu chất ngất qua giọng hát đầy biểu hiện của Tùng Dương.

Khuc thang 4 qua vang
Khúc tráng ca tháng Tư của người lính già chất ngất qua giọng hát của Tùng Dương

Chỉ với lối phát triển mô phỏng pha chút biến đổi, dường như Trọng Đài đã chắp cánh cho bài thơ bay lên những chân trời xa bằng năng lượng của âm nhạc. Càng nghe giai điệu, người ta càng thấy bài thơ thật sâu sắc bởi những ẩn dụ “bước rung sơn hà”, “núi dựng một thời trai”.

Trong khi nhiều người đã lãng quên quá vãng, Khúc tráng ca tháng tư của người lính già đã vang lên như một sự thức tỉnh tận đáy lương tri, khiến nhiều người phải ngẫm nghĩ lại, phải tự sám hối tận đáy lòng mình. Đó là sự thành công của tác phẩm, là sức mạnh của thi ca và âm nhạc. Với tư cách một người lính già, xin cảm ơn hai tác giả đã nhắc nhở trong tôi một tháng Tư không thể nào quên.

Nguyễn Thụy Kha

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI