Không thể thu bạc lẻ trên “đất vàng”

09/05/2024 - 06:21

PNO - Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM, năm 2023, diện tích trồng rau ở TPHCM là 21.750ha, sản lượng ước đạt 627.053 tấn. Tổng diện tích canh tác rau, củ, quả ứng dụng công nghệ cao là 460,4ha (tương đương diện tích gieo, trồng là 3.220ha), sản lượng khoảng 90.160 tấn. Hiện có 5 đơn vị sản xuất rau, củ, quả được chứng nhận sản phẩm hữu cơ với tổng diện tích 6,81ha, sản lượng 400-500 tấn/năm.

Bên cạnh những số liệu khá tươi sáng trong báo cáo là bức tranh có phần ảm đạm hơn. Ở một số vùng trồng rau, xã viên lần lượt rời hợp tác xã (HTX) hoặc chỉ sản xuất cầm chừng. Một số HTX đang gặp khó vì không tìm được đầu ra cho sản phẩm. Đây là hệ quả của sự đầu tư thiếu bài bản, thiếu liên kết và chậm đổi mới trong sản xuất.

TPHCM có trên 10 triệu dân, chưa tính số người vãng lai. Đây là thị trường tiêu thụ rau lớn nhất cả nước. Rau được sản xuất ở TPHCM có lợi thế cạnh tranh hơn các vùng khác do không tốn phí vận chuyển, không bị hao hụt sau thu hoạch. Nhưng trên thực tế, rau quả được sản xuất ở TPHCM lại đang lép vế, không cạnh tranh lại rau quả từ nơi khác đổ về.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Để phát triển nông nghiệp nói chung và phát triển nghề trồng rau nói riêng, TPHCM cần phải quy hoạch, định hình vùng sản xuất. Lâu nay, nông nghiệp TPHCM phát triển kiểu “da beo”, nơi này trồng 500m2 lúa, nơi kia trồng 100m2 rau. Việc phát triển manh mún đang gây khó khăn cho việc đầu tư công nghệ, thu gom sản phẩm nông nghiệp và hỗ trợ tiêu thụ. Nếu không làm tốt việc quy hoạch, định hình sản xuất thì nông nghiệp sẽ không thể phát triển.

TPHCM là đô thị năng động, phát triển nhanh nhất cả nước nên đất sản xuất ở thành phố này được ví von là “đất vàng”. Nếu làm nông nghiệp mà lợi nhuận không tương xứng với giá trị đất thì chắc chắn nông dân sẽ bỏ nghề, chuyển mục đích sử dụng đất. Theo ước tính của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM, năm 2023, mô hình trồng rau ăn lá thông dụng ở thành phố cho lợi nhuận khoảng 805 triệu đồng/ha/năm, mô hình trồng rau, củ, quả thông dụng cho lợi nhuận khoảng 365 triệu đồng/ha/năm. Việc trồng rau, củ, quả ở TPHCM được đánh giá là có hiệu quả kinh tế nhưng theo tôi, hiệu quả kinh tế này chưa tương xứng với giá trị đất. Đây cũng là lý do một bộ phận không nhỏ nông dân không trụ được với nghề trồng rau mà phải bán đất, chuyển mục đích đất. Những vườn rau dần trở thành những khu nhà trọ cho thuê.

Do đó, bài toán đặt ra cho chính quyền thành phố là phải làm sao để trồng rau cho lợi nhuận cao. Trồng rau trên “đất vàng” thì không thể thu bạc lẻ. Qua tìm hiểu các giải pháp công nghệ, tôi thấy giải pháp trồng rau thủy canh ở TPHCM là phù hợp. Phương pháp này có ưu điểm là không tốn nhiều diện tích đất như cách trồng truyền thống. Với rau ăn lá, chỉ cần canh tác khoảng 1 tháng là đã có thể thu hoạch. Ngoài ra, phương pháp này có ưu điểm là đầu tư 1 lần nhưng canh tác và thu hoạch được nhiều năm. Khi đã định hình được vùng chuyên canh rau, ngành nông nghiệp nên hướng dẫn cho nông dân canh tác theo phương pháp này.

Chính quyền thành phố cũng cần có chính sách thu hút nhân lực trẻ tham gia vào hoạt động nông nghiệp. Hiện nay, lực lượng sản xuất nông nghiệp ở TPHCM chủ yếu là nông dân lớn tuổi. Với lực lượng này, ngành chức năng sẽ khó ứng dụng việc sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào nông nghiệp.

Để thu hút được người trẻ làm nông nghiệp, trước tiên cần làm cho họ thấy được lợi ích kinh tế từ nghề này. Khi mang lại hiệu quả kinh tế cao, ngành nông nghiệp sẽ tự động thu hút được giới trẻ tham gia. Tiếp đó, cần tăng cường các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về nông nghiệp công nghệ cao cho thanh niên nông thôn; khuyến khích, hỗ trợ vốn vay cho thanh niên nông thôn khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Khi đó, TPHCM sẽ có một đội ngũ “nông dân 4.0” hùng hậu, với phương thức sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị.

Võ Ngọc Đẹp - nguyên Phó giám đốcTrung tâm Khuyến nông TPHCM
Sơn Vinh (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI