Không quá khó để dẹp biến tướng đòi nợ thuê

31/03/2023 - 06:34

PNO - Gọi điện, nhắn tin “khủng bố” người thân, người có quen biết, đồng nghiệp, bạn bè của con nợ bất kể ngày đêm là chiêu thức mà các đối tượng đòi nợ thuê áp dụng.

 

Nhiều người đòi nợ thuê khủng bố người vay bằng cách viết sơn lên tường
Nhiều người đòi nợ thuê khủng bố người vay bằng cách viết sơn lên tường

Cách đây hơn 3 năm, Quốc hội đã ban hành Luật Đầu tư (sửa đổi, có hiệu lực từ năm 2021), đưa ngành nghề “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh. Thế nhưng, ngay sau đó, nhiều công ty đòi nợ thuê đã “biến hình” thành công ty mua bán nợ và cách thức đòi nợ thuê kiểu “khủng bố” vẫn tiếp diễn.

Không những vậy, nhiều công ty đòi nợ thuê còn núp bóng công ty luật với hoạt động trợ giúp pháp lý. Tuy nhiên, nhân viên ở đây là những thanh thiếu niên trẻ tuổi, có người chưa học hết lớp Mười hai. Họ không am hiểu pháp luật nhưng được huấn luyện theo kịch bản đòi nợ được xây dựng rất bài bản, công phu.

Sau khi được giao hồ sơ vay nợ, các đối tượng sẽ thu thập thông tin của người vay và cả người thân, bạn bè của họ. Ban đầu, các đối tượng này nhắn tin, gọi điện thoại đòi nợ bình thường, tiếp đến là chửi bới, đe dọa. Khi những cách này không đạt hiệu quả như mong muốn, các đối tượng phát tán các thông tin, hình ảnh sai sự thật để xúc phạm, bôi nhọ danh dự của người vay và cả người thân, bạn bè. Các đối tượng còn tạt sơn, tạt chất bẩn vào nhà, dọa giết hoặc đánh đập con nợ.

Việc mua bán nợ là giao dịch dân sự, không bị cấm. Nó là hình thức chuyển nhượng khoản nợ từ cá nhân này sang cá nhân khác, doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác, tổ chức này sang tổ chức khác. 
Theo quy định của pháp luật hiện hành, bên mua nợ chỉ được ra thông báo đòi nợ và yêu cầu trả nợ, nếu người mắc nợ không trả thì khởi kiện ra tòa án. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều công ty núp bóng công ty luật vẫn đòi nợ bằng cách khủng bố, đe dọa, vu khống, xúc phạm danh dự.

Thực tế trên cho thấy, vẫn còn những lỗ hổng trong cơ chế quản lý đối với các công ty sau khi mua bán nợ. Cần có quy định để quản lý chặt chẽ hơn hoạt động này để không bị biến tướng thành đòi nợ thuê.

Ngoài ra, cơ quan quản lý nhà nước cũng cần có biện pháp quản lý, xử lý những doanh nghiệp hoạt động không đúng ngành nghề đã đăng ký. Việc quản lý lỏng lẻo đã dẫn đến tình trạng lợi dụng danh nghĩa công ty luật để đe dọa, khủng bố và thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật để đòi nợ, cưỡng đoạt tài sản.

Việc các đối tượng dễ dàng, liên tục “khủng bố” người khác qua điện thoại cũng cho thấy kẽ hở trong việc quản lý thuê bao di động. Khi triệt phá các công ty có hành vi đòi nợ thuê, trong số tang vật, công an thường thu giữ được mỗi nơi hàng trăm, thậm chí hàng ngàn sim điện thoại. Do đó, việc cấm tuyệt đối sim “rác” cũng là một biện pháp hữu hiệu để dẹp nạn đòi nợ thuê.

Bên cạnh đó, cũng cần đặt câu hỏi tại sao những tổ chức, cá nhân cho vay không thực hiện các quy định của luật pháp để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Thứ nhất, đó là những tổ chức, cá nhân cho vay trái quy định nhà nước. Thứ hai, nếu tổ chức cho vay hợp pháp thì việc khởi kiện người vay ra tòa là một quá trình nhiêu khê.

Vì vậy, vấn đề không kém phần quan trọng là các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng cần có giải pháp quyết liệt đối với những tổ chức, cá nhân vay nợ nhưng chây ì không trả hoặc bỏ trốn; ngăn chặn triệt để các hình thức cho vay bất hợp pháp. Các tổ chức xã hội có quỹ hỗ trợ hợp pháp tăng cường các hình thức cho vay hỗ trợ các tổ chức, cá nhân cần vốn để phát triển sản xuất, làm kinh tế gia đình… 

 Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI