Không có loại phụ gia nào an toàn tuyệt đối

10/04/2019 - 11:00

PNO - Trước thông tin chính quyền thành phố Osaka (Nhật Bản) ra lệnh thu hồi toàn bộ lô hàng hơn 18.000 chai tương ớt Chin-su (Masan Việt Nam), người tiêu dùng hiện vẫn chưa có được lời giải thích thỏa đáng từ nhà sản xuất.

Trên các diễn đàn, cộng đồng mạng tỏ ra lo lắng về khả năng a-xít benzoic và các benzoat có trong thành phần chất bảo quản tương ớt Chin-su khi gặp vitamin C có trong thực phẩm và thức uống sẽ tạo phản ứng, sinh ra benzene - hợp chất mà các nhà khoa học xác nhận có khả năng gây ung thư.

Tuy nhiên, trên thế giới, việc nghiên cứu và thực nghiệm kết hợp giữa a-xít benzoic với vitamin C tạo ra benzene chưa cho ra kết luận cụ thể và duy nhất nào, vì cần xét trong điều kiện kết hợp như thế nào, lượng benzene sinh ra là bao nhiêu. 

Khong co loai phu gia  nao an toan tuyet doi
 

Khi xét thành phần có trong một số loại tương ớt được dùng phổ biến ở Việt Nam như tương ớt Chin-su, tương ớt Cholimex, tương ớt cô đặc thứ thiệt Hồng Đức, lượng ớt lần lượt chiếm tỷ lệ là 11%, 25% và 50%. Lượng chất bảo quản được dùng căn cứ vào tỷ lệ trong tổng khối lượng chung của hỗn hợp. Khi xét thành phần trong từng chai tương ớt như thế, tương ớt Chin-su là loại có nhiều phụ gia khác nhau nhất. Chin-su có dùng chất ponceau 4R (124) để tạo màu đỏ nhưng chỉ ghi vắn tắt trên bao bì là chất tạo màu 124. 

Chin-su có dùng thêm ponceau 4R (124) để tạo màu đỏ, trong khi Mỹ và Na Uy đã cấm chất này và xem đây là chất hóa học có khả năng gây ung thư. Một nghiên cứu đăng trên Toxicological Sciences - tạp chí chuyên về khoa học chất độc - năm 2001 đã chỉ ra mối liên hệ giữa phẩm màu này với các khối u ở động vật. Đồng thời, nhóm nghiên cứu kêu gọi các nhà khoa học tiến hành thêm các nghiên cứu. Năm 2006, Cơ quan Tiêu chuẩn thực phẩm của Anh (FSA) đã có bài đánh giá, loại phẩm màu trên có thể gây tác động lên não, ảnh hưởng đến quá trình phát triển của trẻ. Ponceau 4R (124) dễ tìm thấy trong xúc xích, nước giải khát đóng hộp, kẹo, thạch, kem. Thực tế, nhiều nghiên cứu trên thế giới chỉ ra rằng, cần hạn chế dùng phụ gia màu tổng hợp vì những rủi ro tiềm ẩn mà thực nghiệm khoa học chưa đủ nhiều để chứng minh cụ thể tác hại của chúng. 

Phần lớn người tiêu dùng tin rằng, các loại phụ gia không quá nguy hiểm. Với nhà sản xuất, việc sử dụng phụ gia, hóa chất trong sản xuất, chế biến thực phẩm là biện pháp hữu hiệu giúp tăng số lượng sản phẩm, giảm nguồn nguyên liệu nguyên chất để hạ giá thành, giúp bảo quản thực phẩm và đảm bảo cho vẻ ngoài ổn định của thực phẩm. Thực tế, không có loại phụ gia nào an toàn tuyệt đối vì dù an toàn mà dùng quá liều cũng gây nguy hại. Theo các nghiên cứu, hóa chất độc hại khi di chuyển vào cơ thể, nếu không được đào thải ra ngoài qua đường nước tiểu hay đường mồ hôi, sẽ tích tụ khi di chuyển trong máu và dừng lại ở một bộ phận nào đó. Khi đạt ngưỡng, chúng sẽ gây tác động làm tổn thương gen tế bào, từ đó gây rối loạn, làm sai lệch quá trình nhân đôi của gen, khởi đầu của một số chứng ung thư.

Tháng 10/2018, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) công bố danh sách 7 phụ gia thực phẩm không được tiếp tục dùng vì có nguy cơ gây ung thư. Các thí nghiệm thực hiện trước đó đều chứng minh, những phụ gia thực phẩm này gây ung thư cho các con vật. Danh sách 7 loại phụ gia này gồm: hợp chất benzophenone, ethyl acrylate, methyl eugenol, myrcene, pulegone, pyridine và styrene. Trên thị trường, hầu hết các công ty không còn sử dụng styrene nhưng 6 loại còn lại vẫn còn được dùng. FDA cho phép các công ty 24 tháng để tìm chất khác thay thế làm phụ gia thực phẩm. 

Việc xác định một chất nào đó là an toàn hay không an toàn cũng có thể thay đổi. Như năm 1964, FDA từng công bố những phụ gia trên an toàn, là chất được cho phép dùng trong sản xuất kẹo, kem, thức uống và các thực phẩm khác. 

ANH THÔNG 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI