“Khởi nghiệp xanh” góp phần lan tỏa tình yêu môi trường

05/04/2024 - 06:14

PNO - Chọn khởi nghiệp bằng cách sản xuất các sản phẩm “xanh”, 2 chị em Liêu Ngọc Minh Tuyến và Liêu Ngọc Tuyền đang gửi đi thông điệp sống xanh và kêu gọi bảo vệ môi trường.

Năm 2020, sau một thời gian phụ chị gái quản lý xưởng sản xuất bao bì, chị Liêu Ngọc Tuyền - 44 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, TPHCM - tích lũy được một số vốn và quyết định khởi nghiệp với mặt hàng mây tre đan. Chị đặt tên thương hiệu cho sản phẩm là Tamygreen và dành rất nhiều tâm ý để khởi sự kinh doanh mặt hàng này.

Chị kể, việc khởi nghiệp của chị xuất phát từ đam mê, không có kỹ năng và không rành nghề nên gặp nhiều khó khăn. Khó khăn trước hết là tìm kiếm, thẩm định chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào. Giải được nó, chị lại tiếp tục mày mò lên ý tưởng cho sản phẩm, đặc biệt là dòng sản phẩm túi xách.

Chị Liêu Ngọc Minh Tuyến đang giới thiệu sản phẩm thân thiện với môi trường do mình làm ra
Chị Liêu Ngọc Minh Tuyến đang giới thiệu sản phẩm thân thiện với môi trường do mình làm ra

Mỗi chiếc túi sau khi hoàn thành công đoạn đan lát, chị tỉ mỉ may thêm ruột túi, khóa kéo, trang trí phụ kiện, kết hạt, thêu ruy băng… để mỗi sản phẩm đều độc, lạ, thời trang. Để tìm kiếm khách hàng, chị tham gia nhiều hội chợ, triển lãm kết hợp với bán online.

Trải qua 4 năm theo đuổi đam mê, đến nay chị Tuyền đã mở được 1 cửa hàng trưng bày. Dẫu vậy, chặng đường phía trước vẫn còn nhiều gập ghềnh. Chị nói: “Vì là hàng thủ công nên số lượng không nhiều, chỉ có thể phục vụ bán lẻ và kinh doanh online. Đến bây giờ, tôi vẫn chỉ làm vì đam mê chứ chưa thể tính đến lợi nhuận. Hy vọng, thời gian tới công việc sẽ phát triển tốt hơn”.

Chị Liêu Ngọc Minh Tuyến - 52 tuổi, chị gái của chị Tuyền - là người có 25 năm kinh nghiệm trong ngành sản xuất bao bì. Hiện tại, chị đang phát triển 2 dòng sản phẩm chính là túi sinh học tự hủy và túi nhựa tái chế. Dòng túi sinh học tự hủy được chị Tuyến nghiên cứu và cho ra đời khoảng 5 năm nay, từ tinh bột sắn, ngô.

Nhưng quá trình nghiên cứu, cho ra đời cũng lắm gian nan. Trong quá trình thử nghiệm, chị Tuyến cho chạy thử trên dây chuyền sản xuất cũ và đúc rút kinh nghiệm sau mỗi lần để điều chỉnh, cải tiến máy móc. Phải mất 1 năm, chị mới thành công.

Chị Liêu Ngọc Tuyền khởi nghiệp với dòng sản phẩm bằng mây tre lá, thân thiện với môi trường
Chị Liêu Ngọc Tuyền khởi nghiệp với dòng sản phẩm bằng mây tre lá, thân thiện với môi trường

“Tuy nhiên, sản phẩm khi ra đời không được thị trường đón nhận, vì giá thành cao. Hiện tại, tuy đã được nhiều người biết, quan tâm, nhưng vẫn không thể cạnh tranh với các loại túi ni lông thông thường” - chị Tuyến cho biết.

Sau khi thành công với dòng túi sinh học tự hủy, gần 1 năm nay chị Tuyến lại tiếp tục nghiên cứu và sản xuất dòng túi nhựa tái chế. Chị giải thích cho “đứa con tinh thần” mới của mình: “Thấy túi ni lông bị vứt bỏ, tôi thấy xót cho môi trường. Vậy là tôi thu mua túi ni lông đã qua sử dụng để tái chế. Túi cũ thu về được phân loại, làm sạch, tạo hạt để tái sản xuất”.

Chị Tuyến cho rằng: “Túi nhựa tái chế có kết cấu giống túi nhựa thông thường, giá thành cũng tương đương. Điều quan trọng là chúng ta có thể tận dụng lại túi ni lông đã qua sử dụng để tạo vòng đời mới cho chúng, góp phần giảm đáng kể lượng rác ni lông thải ra môi trường”.

Hạn chế dùng túi ni lông để bảo vệ môi trường

Ngày 30/3 vừa qua, sản phẩm của 2 chị em Liêu Ngọc Minh Tuyến và Liêu Ngọc Tuyền được chọn trưng bày tại “Phiên chợ xanh” do Hội LHPN huyện Hóc Môn tổ chức. Những sản phẩm thân thiện với môi trường do 2 chị em họ tạo ra được nhiều người yêu thích.

Phó giáo sư, tiến sĩ Lê Hùng Anh - Phó chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam tại TPHCM - cho biết: “Túi sinh học tự hủy khi thải ra môi trường có thể tự hủy thành các chất hữu cơ, có thể làm phân bón, chất dinh dưỡng cho cây trồng. Còn túi ni lông thông thường khi phân hủy sẽ trở thành vi nhựa, tồn tại trong môi trường hàng chục năm, thậm chí là vài trăm năm. Đây sẽ là nguồn ô nhiễm lâu dài cho nhiều thế hệ tiếp theo”.

Mỗi ngày, TPHCM có khoảng 50 triệu túi ni lông được thải ra, nhưng chỉ thu gom được khoảng 50%, còn lại là rơi vãi ra môi trường hoặc người dân tự xử lý. Điều này dẫn đến ô nhiễm môi trường, nguồn nước, không khí và cả thực phẩm. Đặc biệt, túi ni lông khi đốt sẽ thải ra khí độc hại, cho nên chúng ta đang vô tình đầu độc chính mình, gia đình và cả những người xung quanh. Các chất độc hại này có thể tồn tại hàng chục năm trong không khí, đọng lại trên lá cây và chúng ta đang hít thở chúng vào trong cơ thể.

Theo phó giáo sư, tiến sĩ Lê Hùng Anh, điều quan trọng bây giờ là phải tiếp tục tuyên truyền về tác hại của túi ni lông để người dân hiểu, hạn chế sử dụng và dần thay đổi thành thói quen. Bên cạnh đó, ông Lê Hùng Anh cũng hy vọng, trong tương lai Chính phủ có thể đánh thuế môi trường đối với các dòng túi ni lông thông thường để rộng đường cho các dòng túi sinh học, túi thân thiện với môi trường, góp phần bảo vệ môi trường.


Thiên Ân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI