Khoảng trống pháp lý trong việc bảo vệ di sản tư liệu

11/08/2022 - 05:28

PNO - Di sản tư liệu là loại hình thuộc di sản văn hóa nhưng hiện chưa được quy định bởi bất kỳ luật nào trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Trong khi nhiều quốc gia trên thế giới đã quy định di sản tư liệu trong Luật Di sản văn hóa hoặc Luật Lưu trữ như Úc, Pháp, Canada, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan…

Thiếu luật

Trong quá trình xây dựng Luật Lưu trữ, vấn đề đưa di sản tư liệu (DSTL) vào dự thảo luật đã được đặt ra. Hiện việc quản lý DSTL đang có nhiều khoảng trống.

Mộc bản triều Nguyễn được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới vào ngày 31/7/2009 và trở thành Di sản tư liệu thế giới đầu tiên của Việt Nam - Ảnh: T.H
Mộc bản triều Nguyễn được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới vào ngày 31/7/2009 và trở thành Di sản tư liệu thế giới đầu tiên của Việt Nam - Ảnh: T.H

Ngay cả Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước cũng chưa được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về DSTL. Luật Lưu trữ số 01/2011/QH13 ngày 11/11/2011 chỉ có khoản 2 điều 26 liên quan đến thẩm quyền của cơ quan lưu trữ và tài liệu lưu trữ một cách chung chung là: “Tài liệu lưu trữ quý, hiếm không phân biệt hình thức sở hữu được đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về lưu trữ ở Trung ương và cấp tỉnh, được lựa chọn để đăng ký vào chương trình, danh hiệu của khu vực và thế giới”.

Trước tình trạng nhiều tài liệu đã biến mất hoặc đang trong tình trạng bị đe dọa do chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh hoặc không thể tiếp cận do sự phát triển nhanh chóng của công nghệ…, năm 1992, UNESCO đã khởi xướng Chương trình Ký ức thế giới. Mục đích là bảo vệ DSTL, tạo điều kiện tiếp cận và quảng bá di sản, nâng cao nhận thức của công chúng về tầm quan trọng cũng như sự cần thiết phải bảo tồn DSTL của nhân loại. Dù Việt Nam đã tham gia chương trình này từ năm 2007, nhưng đến nay vẫn chưa có hành lang pháp lý để bảo vệ và phát huy giá trị DSTL.

Hiện nước ta đã có bảy DSTL được Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO ghi danh. Trong đó, có ba DSTL thế giới (Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn, Bia tiến sĩ Văn Miếu Quốc Tử Giám) và bốn DSTL khu vực châu Á - Thái Bình Dương (Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, Văn thơ trên kiến trúc cung đình Huế, Mộc bản trường học Phúc Giang, Hoàng hoa sứ trình đồ).

Di sản tư liệu góp phần xác định vị thế quốc gia

Mới đây, tờ trình Đề nghị xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa DSTL như một vấn đề phát sinh trong thực tiễn cần được bổ sung mới vào luật. Theo đó, sẽ có quy định cụ thể về khái niệm loại hình, thuật ngữ, tiêu chí nhận diện, các hoạt động kiểm kê, lập hồ sơ khoa học, quy trình, thủ tục, thẩm quyền quyết định ghi danh, các biện pháp tiếp nhận quản lý, trách nhiệm hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị DSTL…

Thơ văn được khảm cẩn ngà voi và xương ở nội thất điện Long An (Huế)
Thơ văn được khảm cẩn ngà voi và xương ở nội thất điện Long An (Huế)

Tờ trình cũng đặt ra vấn đề xác định nguồn kinh phí dành cho công tác đào tạo cán bộ chuyên môn, quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị DSTL, đặc biệt là DSTL khu vực và thế giới phù hợp với tiềm năng và nhu cầu thực tế. Mục tiêu là từng bước bắt nhịp với di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể.

Đánh giá về những cập nhật mới này trong dự thảo, trong một bản tham luận gửi tới hội nghị góp ý sửa đổi Luật Di sản văn hóa mới đây, tiến sĩ Nguyễn Huy Mỹ - một nhà nghiên cứu văn hóa - cho rằng, những ý kiến để bổ sung luật trong tờ trình là xác đáng, hợp lý. Nhiều chuyên gia ủng hộ nội dung dự thảo nhất l phần bổ sung mục DSTL.

Theo ông Nguyễn Huy Mỹ, DSTL có nhiều dạng. Ngoài việc được các cơ quan nhà nước quản lý, DSTL còn hiện hữu số lượng lớn trong một số gia đình, dòng họ, cộng đồng làng. Ông ví dụ một số DSTL của dòng họ Nguyễn Huy và của làng Trường Lưu, tỉnh Hà Tĩnh. “Để có được các di sản đề cử, vấn đề cần giải quyết tốt là nhận diện, quản lý, ghi danh, bảo vệ và phát huy giá trị của di sản”, ông nói. 

DSTL là sản phẩm mang thông tin được hình thành từ những ký hiệu, mật mã, âm thanh hoặc hình ảnh dưới nhiều dạng thức độc đáo, phản ánh thành tựu tiêu biểu về lịch sử, tư tưởng văn hóa và khoa học. Việc mất mát, thất lạc tài liệu có giá trị do nhiều nguyên nhân như chiến tranh, thiên tai, điều kiện tự nhiên (thời tiết, côn trùng, nấm mốc)… và do cả hạn chế về nhận thức của con người gây nên. Vì vậy, DSTL cần được kiểm kê, xử lý khoa học, số hóa, chuyển đổi số, bảo vệ và phát huy giá trị di sản trên thực tiễn và thống nhất hoạt động quản lý.

 

Tiến sĩ Nguyễn Huy Mỹ cũng lưu ý, đến nay, nhiều cán bộ văn hóa cấp xã, cấp huyện cũng chưa hiểu rõ về DSTL, cần có các buổi tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ từ Cục Di sản văn hóa. “DSTL ở làng quê rất phong phú, đa dạng và cần thiết phải nhận diện, quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị, bắt đầu từ các gia đình, dòng họ, làng quê. Dự thảo luật sửa đổi đã đáp ứng được yêu cầu đó, nhưng cần sớm có hướng dẫn thi hành, phổ biến rộng rãi thì mới phát huy tác dụng”, ông Nguyễn Huy Mỹ chia sẻ thêm. 

Theo tiến sĩ Vũ Thị Minh Hương - Phó Chủ tịch MOWCAP (Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO) - DSTL thế giới có tầm quan trọng trên phạm vi toàn cầu. Di sản đó cần được bảo tồn và gìn giữ đầy đủ vì lợi ích của tất cả mọi người và là trách nhiệm của tất cả mọi người. Với mỗi quốc gia, DSTL phản ánh ký ức quốc gia và bản sắc của mỗi quốc gia đó. Vì vậy DSTL góp phần xác định vị thế của quốc gia trong cộng đồng quốc tế.

Theo bà Vũ Thị Minh Hương, UNESCO khuyến cáo các quốc gia thành viên cần hỗ trợ các cơ quan quản lý di sản trong việc xây dựng chính sách lựa chọn, thu thập và bảo tồn DSTL trong quốc gia mình. Đồng thời, UNESCO cũng khuyến khích việc nhận diện các tài liệu quan trọng đang được bảo quản tại các cơ quan lưu trữ, thư viện, bảo tàng, viện nghiên cứu, chùa chiền, cơ sở thờ tự và các cá nhân, gia đình dòng họ để xây dựng hồ sơ đề cử vào Danh mục Ký ức thế giới, khu vực hoặc quốc gia. Mục đích để cộng đồng biết đến giá trị của chúng nhiều hơn.

Như vậy, việc cơ quan quản lý nhà nước xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật về DSTL là hết sức cần thiết và hoàn toàn đúng với nghĩa vụ của quốc gia thành viên UNESCO khi tham gia Chương trình Ký ức thế giới.

Tùng Hạ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI