Khoa học công nghệ lạc hậu là tử huyệt của kinh tế Việt Nam

04/07/2014 - 02:17

PNO - PNO - Tại hội thảo “Tự chủ kinh tế trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau” do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 3/7, các chuyên gia đã chỉ ra nhiều điểm khiến nền kinh tế Việt Nam (VN) phụ thuộc nhiều...

TS Lê Đăng Doanh - chuyên gia kinh tế phân tích, VN đã hội nhập kinh tế thế giới nhưng vẫn ở thế thụ động, tức nền kinh tế không có “con át chủ bài”, thu hút vốn đầu tư chủ yếu dựa vào việc đưa tài nguyên và lao động giá rẻ nên thiếu bền vững. “Thực tế, VN tự chủ về nông nghiệp nhưng lại nhập khẩu phần lớn nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc. Đồng tiền Việt chưa đủ mạnh, nợ công ngày càng tăng cao… Đặc biệt, khoa học công nghệ lạc hậu, phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài chính là điểm yếu, tử huyệt của kinh tế VN”, ông Doanh nói. TS Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, nếu xuất khẩu (XK) hoặc nhập khẩu (NK) hàng hóa với một quốc gia quá 8% thì dễ xảy ra tình trạng ép giá. Trong khi đó, năm 2013, VN đã nhập khẩu từ TQ 36,95 tỷ USD, chiếm 28% thị trường NK. XK hàng hóa của VN sang TQ cũng dẫn đầu với 13,26 tỷ USD, chiếm 10%.

Mặt khác, chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan nhận định, mối quan hệ kinh tế giữa VN và TQ rất “không bình thường”. Bà Lan lấy dẫn chứng, năm 2012, báo cáo về con số xuất nhập khẩu của VN và phía hải quan TQ “vênh” nhau 5,2 - 5,5 tỷ USD. Nguyên nhân là do VN không thống kê được những con số nhập lậu và xuất lậu sang TQ. “Chúng ta độc lập, tự chủ như thế nào mà đến số liệu cũng không nắm được? Vấn đề tự chủ không phải chỉ nằm ở phía TQ mà do thể chế, chính sách của VN”, bà Lan đặt vấn đề. Theo chuyên gia này, các quyết định kinh tế của VN còn phân tán, chuẩn mực, quy trình và trách nhiệm của người ra quyết định không minh bạch nên hiệu lực quản lý thấp. Lợi ích nhóm, tham nhũng đan xen trong khi chưa chú trọng tới tiếng nói của người nông dân, doanh nghiệp vừa và nhỏ và người tiêu dùng…

Để tự chủ, TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh, cần cải cách thể chế để tạo quan hệ bình đẳng, khắc phục tình trạng “lợi ích nhóm”, sửa đổi và bổ sung Luật Đấu thầu, cũng như các luật khác có liên quan như cho thuê rừng, đất rừng… Là ngành hàng NK tới 47% nguồn xơ, sợi và 46% nguồn vải từ TQ, hiệp hội Dệt may VN đang tập trung giải pháp cho ngành công nghiệp dệt may vào chiến lược phát triển ngành công nghiệp phụ trợ. Hướng triển khai của Hiệp hội là gắn kết chuỗi cung ứng toàn cầu, sản xuất giá trị cao; khai thác thị trường mới như Nam và Đông Bắc Á; sản xuất vải, phụ liệu để gia tăng giá trị, phát triển thời trang, bán lẻ trong nước. Muốn vậy, bà Đặng Phương Dung - Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may VN cho rằng, các doanh nghiệp cần thúc đẩy sản xuất các mặt hàng dệt may truyền thống với nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm. Ngoài ra, cần tăng năng lực thiết kế, thương mại và tìm kiếm thêm nguồn nguyên liệu thay thế dần nguồn cung TQ, giảm sự lệ thuộc quá lớn.

Ông Đinh Văn Hương - Chủ tịch Hiệp hội Rau quả VN kiến nghị cần phải có rào cản kỹ thuật chặt chẽ đối với nông sản nhập khẩu từ TQ: “Nông sản nhập khẩu từ TQ có dư lượng thuốc hóa học cao, trong đó có những chất cấm gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Việc NK qua biên mậu có chính sách nhập khẩu quá dễ dãi khiến hàng nông sản TQ nhập về có giá thấp, gây áp lực lên nông sản Việt”.

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI