Khó quên dư vị nấm tràm

29/07/2019 - 07:14

PNO - Khi thời tiết thay đổi, trời đang nắng bỗng đổ mưa chính là lúc nấm tràm xuất hiện. Từ mặt đất ẩm, những bào tử nấm dần xuyên qua lớp lá mục nhô lên, bung thành những chiếc ô tròn căng, mập mạp.

Nhà ở chân đồi, chị em tôi lớn lên với nhiều ký ức tươi đẹp đậm mùi nắng gió. Và cả những ngày mưa giông, chờ trời đất trút hết nước, sớm mai lại cùng bà cùng mẹ xách giỏ lên đồi, tìm nấm tràm dưới màu nắng pha lê.

Kho quen du vi nam tram
Ảnh: Internet

Bà bảo mỗi năm trung bình rộ ba đợt nấm tràm. Đợt thứ nhất khoảng tháng Tư âm lịch, đợt tiếp theo rơi vào tầm tháng Sáu, đợt cuối cùng vào cuối tháng Bảy đầu tháng Tám. Khi thời tiết thay đổi, trời đang nắng bỗng đổ mưa chính là lúc nấm tràm xuất hiện. Từ mặt đất ẩm, những bào tử nấm dần xuyên qua lớp lá mục nhô lên, bung thành những chiếc ô tròn căng, mập mạp. 

Sở dĩ gọi là nấm tràm bởi loài nấm này chỉ mọc ở những khu đất có cây tràm. Lá tràm năm này qua năm khác thay nhau rụng xuống tạo thành tầng đất mùn nhiều dinh dưỡng, lớp tinh dầu từ lá được quyện hòa, ủ cùng với đất, gặp thời tiết phù hợp tạo nên môi trường tốt để nấm sinh sôi. Cũng giống như những loài nấm thiên nhiên khác, nấm tràm mọc rải rác hoặc thành cụm trên các mô đất, bên dưới tán tràm. Chúng nhanh nở sớm tàn, bởi vậy, những ai là thực khách quen thuộc của món ăn dân dã này phải tranh thủ “tác nghiệp” kẻo hết mùa. 

Nấm tràm vốn dĩ có vị đắng, nhưng nếu biết cách chế biến sẽ làm được rất nhiều món ngon, lạ miệng: cháo nấm tràm, xúp nấm tràm, lẩu nấm tràm, nấm tràm xào thịt… Riêng tôi, vì là tín đồ của những món ăn nhiều nước nên tôi nhớ mãi món canh nấm tràm rau khoai của ngoại.

Kho quen du vi nam tram
Nấm tràm xào lên trước khi chế biến

Nấm tràm sau khi nhổ về, ngoại cho vào chậu cạo đất, rửa sạch. Vừa thoăn thoắt cạo nấm, ngoại vừa dặn dò: “Con gái thời nào cũng nên biết nữ công gia chánh, hạnh phúc nào ít nhiều cũng đi qua dạ dày. Để món ăn ngon, cháu nhớ chọn những búp nấm còn cứng, đều tay. Nấm đã mềm thì nên bỏ, vì không những rất đắng mà khi nấu không còn giòn dai chuẩn vị nấm tràm”.

Túc tắc một hồi, nấm cũng được rửa sạch. Ngoại nhóm bếp nấu một nồi nước thật sôi, cho thêm vốc muối sống vào hòa tan rồi đổ nấm vào chần qua. Sau đó, ngoại vớt nấm ra cho chảy bớt chất nhớt rồi lại luộc nấm thêm một lần nữa. Nhìn dĩa nấm lúc nhúc ráo nước, tôi chợt cảm nhận được vị béo ngậy, mướt mềm trong vòm miệng.

Để có món canh nấm tràm thanh mát, ngoại chuẩn bị thêm một vài nguyên liệu như thịt ba chỉ, tôm và rau khoai. Đầu tiên, ngoại giã nén, đợi dầu nóng rồi phi thơm, sau đó cho nấm vào xào sơ cùng thịt, tôm và một ít mắm muối vừa ăn. Khi hỗn hợp này dậy mùi, tùy vào số người ăn, ngoại sẽ đổ nước vào nồi với lượng phù hợp, đánh tan thêm chút ruốc biển. Nước sôi, ngoại cho rau khoai vào, sau khi canh vừa sủi tăm, ngoại rắc thêm chút tiêu rồi bắc xuống, hoàn thành món canh nấm tràm thơm tho. 

Tôi vẫn còn nhớ như in những kỷ niệm dở khóc dở cười trong những bữa cơm có nấm. Mẹ dọn mâm, bố ngồi ngay ngắn, mấy đứa nhỏ thì lanh canh chén muỗng chờ bà bưng lên nồi canh bốc khói. Tuy nhiên, không phải ai cũng hân hoan khi nuốt qua khỏi cổ miếng nấm đầu tiên. Thằng út đã khóc trào nước mắt, vừa la làng vừa bắt đền mẹ vì vị đắng. Nó không cảm nhận được vị béo và mùi thơm thanh mát của món canh nấm tràm nên sau đó liền bỏ dở cả bữa cơm.

Kho quen du vi nam tram
Ảnh: Internet

Thật ra, nấm tràm khi ăn có cảm giác hơi nhớt như rau mồng tơi, nhưng lại dai và béo ngậy như thịt mỡ. Đặc biệt, khi ăn xong uống nước lại nghe the the ở đầu lưỡi, lát sau lại cảm nhận được vị ngọt hậu rất dễ chịu. Những ai đã quen ăn nấm tràm thì ghiền vô cùng, cứ chờ đến mùa nấm để chế biến đủ món lạ miệng từ món quà thiên nhiên.

Bây giờ bà đã già, mẹ cũng tất bật bao công việc, nhưng đến mùa là phải tranh thủ vài ngày lên đồi tìm nấm. Mẹ bảo hiện nay thực phẩm bẩn tràn lan từ phố xuống tận quê nên hễ có cơ hội được ăn đồ sạch, không hóa chất, không thuốc trừ sâu phân bón là phải tận dụng. Hai mẹ con gắng nhổ thật nhiều để về phơi khô, trữ ăn dần suốt mùa đông. 

Ngon lành và sạch sẽ, nhưng không phải muốn là có, trồng là được, vỏn vẹn mỗi năm ba đợt, nấm tràm xuất hiện tổng cộng chỉ độ hai chục ngày. Bởi vậy những ai mê món nấm tràm luôn có hai cảm giác: mong nấm mọc, sợ nấm tàn. Người lớn mê cái vị béo lúp búp trôi trong miệng, trẻ con thì hân hoan chờ đến mùa, bởi những buổi nghỉ học sẽ được theo bà theo mẹ rong ruổi đó đây.

Kho quen du vi nam tram
Ảnh: Internet

Dưới chân tiếng lá lạo xạo, trên đầu nắng xiên qua những tán tràm, nghe chừng trong không khí vẫn còn phảng phất hơi nước mát dịu còn vương lại từ cơn mưa chiều hôm trước, chúng tôi chạy tung tăng khắp ngọn đồi, thỉnh thoảng leo lên chỗ cao nhất, phóng mắt nhìn về ngôi làng có hình chiếc lá nhỏ bình yên. 

Minh Thi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI