Khi phụ nữ chọn làm mẹ ở tuổi trung niên

01/07/2023 - 09:00

PNO - Ngày càng có nhiều phụ nữ kết hôn, sinh con ở độ tuổi từ 40 trở lên. Tại Mỹ, trong gần 4 thập niên liên tiếp, tỉ lệ phụ nữ sinh con ở độ tuổi từ 40 đến 44 tăng lên đều đặn.

Ngày càng có nhiều phụ nữ chọn mang thai, sinh con ở độ tuổi trung niên - ẢNH: DAILY MAIL
Ngày càng có nhiều phụ nữ chọn mang thai, sinh con ở độ tuổi trung niên - Ảnh: Daily Mail

Dành nhiều ưu tiên cho tuổi trẻ 

Trò chuyện với The New York Times, Brigitte McQueen cho biết, vào lúc 20-30 tuổi, bà đã muốn làm mẹ đến mức sắm sẵn quần áo trẻ con. Một ngày, khi đang chọn một chiếc váy màu vàng cho con gái tương lai, bà được thông báo rằng mình không thể mang thai. Nhưng khao khát có con ngày càng mãnh liệt, ở độ tuổi 40, bà và chồng đã quyết định thực hiện thụ tinh nhân tạo và kết quả McQueen đã có con gái đầu lòng lúc 44 tuổi và đứa thứ hai ở tuổi 46.

Mỗi năm, bà và các con đều tổ chức kỷ niệm ngày chuyển phôi của gia đình. Họ cùng nhau xem lại hình ảnh siêu âm và nói về khoảng thời gian vất vả để có được các con. “Tôi đã chiến đấu  để có được 2 con. Tôi cảm thấy thực sự tự hào vì đã làm được điều đó” - bà nói.

Ngozi Okwuwa cũng làm mẹ ở tuổi 44. Khi nghe tiếng khóc của 2 con song sinh 6 tháng tuổi vọng ra từ phòng “luyện ngủ” riêng, bà Okwuwa ứa nước mắt và nhận ra rằng, việc chịu đựng tiếng khóc của trẻ con sẽ khó khăn hơn rất nhiều nếu bà làm mẹ lúc còn trẻ. Theo Okwuwa, bà cảm thấy tự tin hơn khi có con sau 40 tuổi so với lúc còn trẻ. 

Khảo sát mới của nền tảng tuyển dụng trực tuyến Zhilian Zhaopin trong lực lượng lao động Trung Quốc cho thấy, phụ nữ ít quan tâm đến hôn nhân hoặc có nhiều con, họ không muốn gia tăng nhiệm vụ nội trợ, nuôi dạy con cái và mong muốn độc lập hơn thông qua cơ hội nghề nghiệp. Theo đó, gần 40% phụ nữ có việc làm cho biết họ chỉ muốn sinh 1 con, trong khi chỉ có 1,7% muốn có ít nhất 3 con. Chỉ có 17% phụ nữ được hỏi cho biết họ muốn có 2 con và gần 20% nói không có kế hoạch sinh con.

Các quan niệm cũ về tuổi “thanh xuân” đã bị phá vỡ khi kết quả khảo sát cũng cho thấy 40% phụ nữ chưa kết hôn cho biết họ dự định kết hôn sau 30 tuổi hoặc hoàn toàn không muốn kết hôn. Ngoài ra, nhiều phụ nữ nói không muốn vướng bận con cái trước 40 tuổi, bởi họ cần dồn hết năng lượng để phát triển sự nghiệp hơn là phải dành thời gian chăm sóc gia đình.

Tại Nhật Bản, các bậc cha mẹ ở Hiroshima đang có phong trào thay mặt con cái chưa lập gia đình tham dự các sự kiện mai mối. Theo Viện Nghiên cứu Dân số và An sinh xã hội quốc gia, vào năm 2020, tỉ lệ người chưa từng kết hôn trước 50 tuổi là 28,25% đối với nam và 17,81% đối với nữ. So với năm 1990, con số này đã tăng 23% với nam và 13% với nữ. Riêng tỉ lệ phụ nữ chưa kết hôn tăng đặc biệt cao trong những năm gần đây.

Cần chăm sóc tốt sức khỏe sinh sản

Dữ liệu mới nhất của Cục Điều tra dân số Hoa Kỳ (USCB) cho thấy, độ tuổi trung bình của chú rể hiện nay là 30, cô dâu là 28. Năm 1950, độ tuổi kết hôn trung bình của những người trẻ tuổi là ngoài 20. Sau năm 2000, độ tuổi trung bình tăng lên trên 25 và đã tăng đều kể từ đó. Không chỉ vậy mà số người không muốn kết hôn ngày càng nhiều hơn.

Có một số lý do khiến người ta trì hoãn hoặc ngại kết hôn như bất ổn về tài chính, sự thay đổi nhân khẩu học, tôn giáo, nguy cơ ly hôn và ngày càng có những chọn lựa khác được ưu tiên hơn việc lập gia đình.

Dù việc kết hôn nói chung đang giảm nhưng điều đáng chú ý là hôn nhân ở tuổi trung niên lại có vẻ phổ biến hơn.

Tờ Wall Street Journal đưa tin, theo một nghiên cứu được công bố vào tháng 6/2023, tỉ lệ kết hôn lần đầu ở độ tuổi trung niên đã tăng 74% đối với phụ nữ và 45% đối với nam giới trong thời gian từ năm 1990-2019. Nghiên cứu cũng cho thấy, khoảng 10% số người kết hôn lần đầu ở độ tuổi từ 40-59.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, một trong các lý do khiến gia tăng số người sinh con sau tuổi 40 là những tiến bộ trong công nghệ hỗ trợ sinh sản cũng như thay đổi các chuẩn mực xã hội. Các yếu tố này giúp phụ nữ có nhiều cơ hội hơn để tập trung vào sự nghiệp ở tuổi trưởng thành hơn là lập gia đình. Tuy nhiên, dù khoa học phát triển thì thực tế là thể chất của phụ nữ trên 40 tuổi vẫn không thay đổi. Khi mang thai, các rủi ro có thể gặp là bị tiền sản giật, tiểu đường thai kỳ cùng nhiều biến chứng khác.

Tiến sĩ Jamie Grifo - Trường Y khoa Grossman, Đại học New York - không khuyến khích phụ nữ sinh con ở độ tuổi 45-49: “Ngay cả với sự hỗ trợ sinh sản tốt, khả năng thụ thai sau 45 tuổi là rất thấp do số lượng và chất lượng trứng rất thấp. Những phụ nữ muốn thụ thai ở độ tuổi ngoài 40 có thể được khuyến khích xem xét thực hiện thụ tinh nhân tạo”.

Dù vậy, tiến sĩ Alex Robles - chuyên gia tại Trung tâm Sinh sản Đại học Columbia  - cho rằng: “Vẫn có thể mang thai khỏe mạnh ở nhóm tuổi này, nhưng điều quan trọng là phải theo dõi sát sao và được chăm sóc sức khỏe sinh sản. Tốt nhất là phải bảo đảm mọi bệnh lý nguy cơ đã có từ trước đều được kiểm soát đầy đủ trước khi mang thai ở tuổi trên 40”. Một khó khăn nữa mà các bà mẹ ở tuổi “chiều muộn” cần lưu ý là việc nuôi dạy con cái ở độ tuổi 40 có thể sẽ rất khó khăn, phức tạp. 

Nhiều rủi ro đối với thai phụ lớn tuổi

Các thai phụ lớn tuổi cần được chăm sóc sức khỏe sinh sản thật tốt - Ảnh: Quinn Lemmers
Các thai phụ lớn tuổi cần được chăm sóc sức khỏe sinh sản thật tốt - Ảnh: Quinn Lemmers

Hôm 28/6, trên tạp chí quốc tế về sản phụ khoa, các nhà khoa học Hungary đã công bố nghiên cứu mới trên 31.000 ca sinh nở về độ tuổi tốt nhất để phụ nữ sinh con. Theo đó, phụ nữ tuổi từ 23-32 sinh con ít có nguy cơ dị tật bẩm sinh nhất. 

Các bà mẹ quá trẻ (tuổi vị thành niên và phụ nữ ở độ tuổi 20) có nhiều khả năng sinh con bị dị tật hệ thần kinh trung ương, ảnh hưởng đến sự phát triển của não và cột sống. Những đứa trẻ này khi trưởng thành sẽ bị các vấn đề liên quan đến các dị tật ở đầu, cổ, mắt và đôi tai. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cho biết, những bà mẹ quá trẻ thường không chuẩn bị kỹ càng và đầy đủ cho việc mang thai, dễ có lối sống không lành mạnh như sử dụng rượu, thuốc lá điện tử, cần sa hoặc ma túy.

Trong khi đó, phụ nữ lớn tuổi sinh con cũng không tốt vì có thời gian tiếp xúc với các tác nhân gây căng thẳng từ môi trường như ô nhiễm không khí lâu hơn. Đó là điều mà nhóm nghiên cứu tin rằng có thể góp phần vào nguy cơ trẻ mắc các dị tật bẩm sinh khác nhau.

Ngoài ra, phụ nữ dưới 22 tuổi có nguy cơ sinh con bị dị tật bẩm sinh tăng khoảng 20% so với những người trong độ tuổi sinh đẻ lý tưởng từ 23-32 tuổi. Nguy cơ này tăng khoảng 15% ở phụ nữ trên 32 tuổi. Đặc biệt, những bà mẹ lớn tuổi sinh con, trẻ có khả năng bị khuyết tật trong não và hệ thần kinh trung ương cao hơn 25%. Nhóm tuổi này cũng có  khả năng sinh con bị dị tật ở mắt, tai, mặt và cổ cao... Cụ thể là tai của trẻ có thể nằm thấp bất thường trên đầu, mắt quá nhỏ hoặc liệt dây thanh âm. Hoặc trẻ cũng có nhiều khả năng bị dị tật tim cũng như dị tật hệ tiết niệu. 

Một vấn đề nữa là khả năng sinh con bị sứt môi và hở hàm ếch ở các bà mẹ lớn tuổi có thể tăng đến 45%, ở các bà mẹ trẻ tăng 9%. Những đứa trẻ do bà mẹ lớn tuổi sinh cũng có nguy cơ dị tật bộ phận sinh dục ở thai nhi cao.

Tiến sĩ Boglárka Pethő - Đại học Semmelweis, một trong các tác giả của nghiên cứu - cho biết: “Đối với các bà mẹ trẻ, chủ yếu có thể là do các yếu tố về lối sống và họ thường chưa chuẩn bị sẵn sàng cho việc mang thai. Với những bà mẹ lớn tuổi, sự tích tụ của các tác động môi trường như tiếp xúc với hóa chất và ô nhiễm không khí, sự suy giảm cơ chế sửa chữa DNA, sự lão hóa của trứng và nội mạc tử cung cũng có thể đóng một vai trò nào đó”.

Ngoài ra, các bà mẹ lớn tuổi có thể tăng nguy cơ sẩy thai, huyết áp cao, tiểu đường thai kỳ và chuyển dạ khó khăn. Các nghiên cứu trước đây đã xác nhận mối liên hệ giữa việc tuổi mẹ cao và một số rối loạn di truyền, cụ thể là hội chứng Down, với nguy cơ tăng từ khoảng 1/1.250 ca đối với phụ nữ thụ thai ở tuổi 25, lên khoảng 1/100 đối với phụ nữ thụ thai ở độ tuổi 40.

Lệ Chi (theo Daily Mail, Obgyn

 Nam Anh 
(theo NYT, WSJ, DN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI