Khi nào nền nông nghiệp hết vô trách nhiệm?

15/05/2017 - 01:00

PNO - Người mình vẫn thường nói “khỏe như trâu”, nhưng đã có 16 con trâu tại huyện Si Ma Cai, Lào Cai chết do ăn phải cỏ bị phun thuốc trừ cỏ.

Người mình vẫn thường nói “khỏe như trâu”, nhưng đã có 16 con trâu tại huyện Si Ma Cai, Lào Cai chết do ăn phải cỏ bị phun thuốc trừ cỏ. Thông tin này khiến nhiều người phải giật mình về tình trạng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong nông sản, thực phẩm, đất đai…

Theo điều tra ban đầu, thuốc trừ cỏ nông dân địa phương sử dụng do các cơ sở trong nước sản xuất, nằm trong danh mục cho phép lưu hành. Như vậy, người ta phải phun một lượng thuốc trừ cỏ lớn lắm, hoặc loại thuốc được sử dụng có độc tính rất mạnh mới khiến loài vật khỏe mạnh như vậy lăn ra chết.

Không ít người vẫn nghĩ nông sản, thực phẩm ở những vùng cao sẽ an toàn do người dân, đặc biệt người đồng bào gần như không biết đến thuốc BVTV. Nhưng xem ra, thuốc BVTV đã thấm đẫm nền nông nghiệp này rồi.

“Nông nghiệp hóa chất”, “nông nghiệp không bền vững”… đang là những thuật ngữ phổ biến để mô tả thực trạng nền nông nghiệp nước ta hiện nay.

Ba tháng đầu năm nay, Việt Nam đã chi hơn 4.000 tỷ đồng để nhập hóa chất BVTV, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trong năm 2016 cả nước đã chi ra 736 triệu USD cho thuốc trừ sâu và nguyên liệu, tương đương 100.000 tấn. Đó là chưa kể đến những loại hóa chất BVTV nhập lậu.

Mối họa còn đến từ các loại thuốc BVTV cho nhóm cây xanh, hoa kiểng với độ độc hại cao hơn, vì chúng không thuộc nhóm cây trồng để ăn nên ít được chú ý đến mức độ tồn dư thuốc BVTV.

Nếu lấy bình quân 1m2 cây xanh trên đầu người hiện có ở TP.HCM, chúng ta có khoảng 8,5 triệu m2 cây xanh và tương ứng với lượng thuốc sâu sử dụng mỗi năm là 5.100  - 10.000 lít, một con số đáng để lo sợ.

Số liệu hóa chất BVTV liên tục tăng đến từ sự dễ dãi trong cơ chế quản lý nhà nước. Ai cũng có thể mở cửa hàng bán thuốc BVTV, nông dân sử dụng BVTV vô tội vạ…

Chúng ta các cơ quan ban ngành ít có động tĩnh gì nhằm thay đổi biện pháp quản lý nhập khẩu. Đặc biệt hơn, công tác tác động để thay đổi ý thức của người dân trong làm nông nghiệp chỉ mới thực hiện qua loa.

Tôi nhớ tới câu chuyện của Bà Mayu Ino, sáng lập viên tổ chức Seed to Table (Từ hạt giống đến bàn ăn) của Nhật Bản tại Việt Nam. Bà đã dành hàng chục năm trời đi đến những vùng quê nghèo, gặp gỡ từng người nông dân, chỉ để thuyết phục và hướng dẫn họ cách canh tác không dùng phân bón hóa học, thuốc BVTV...

Bà thừa nhận, khó nhất vẫn là thay đổi thói quen canh tác của người nông dân. 

Để những việc làm như của bà Mayu thành công, đòi hỏi sự vào cuộc từ cơ chế quản lý và sự tham gia của cả cộng đồng. 

Đăng Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI