Khám chữa bệnh từ xa: Cần quy định chặt chẽ để đảm bảo chất lượng

10/08/2022 - 05:55

PNO - Các chuyên gia cho rằng, cần có quy định cụ thể, chặt chẽ về hoạt động khám chữa bệnh từ xa. Bởi nếu không đảm bảo, có thể dẫn tới sai sót trong chẩn đoán, ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng của người bệnh.

Khoảng trống pháp lý

Sáng 9/8, tại hội thảo lấy ý kiến đối với dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi ở Hà Nội, nhiều chuyên gia chỉ ra, hiện đang có khoảng trống pháp lý liên quan tới hoạt động khám chữa bệnh từ xa.

Năm 2020, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có quyết định phê duyệt “Đề án khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020 - 2025”. Sau một thời gian triển khai, 25 bệnh viện tuyến trên đã khai trương hệ thống khám, chữa bệnh từ xa (chiếm 78%), kết nối với 1.500 bệnh viện tuyến dưới. Bộ Y tế đánh giá: Khám chữa bệnh từ xa đã “tập hợp đội ngũ chuyên gia đầu ngành và các bệnh viện xích lại gần nhau hơn, gần tới mức gần như không có khoảng cách giữa trong Nam, ngoài Bắc, giữa tuyến trên, tuyến dưới. Đồng thời đem lại cơ hội được cứu chữa cho rất nhiều ca bệnh nặng, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng cho các bệnh nhân tuyến dưới”.

Trong thời gian COVID-19 bùng phát, khám chữa bệnh từ xa góp phần thực hiện biện pháp giãn cách xã hội phòng chống dịch bệnh, giảm tập trung đông người tại bệnh viện, giảm số lượng người dân phải đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

 

Các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Trung ương hội chẩn từ xa với Bệnh viện Đa khoa thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh)  để tìm ra hướng điều trị cho một bệnh nhi 11 tuổi bị động kinh - ẢNH: M.Q
Các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Trung ương hội chẩn từ xa với Bệnh viện Đa khoa thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) để tìm ra hướng điều trị cho một bệnh nhi 11 tuổi bị động kinh - Ảnh: M.Q

Tuy nhiên, trên thực tiễn, nhiều bệnh viện còn loay hoay khi thiếu các quy định để triển khai khám chữa bệnh từ xa hiệu quả, thuận lợi và đảm bảo các yêu cầu pháp lý. Theo Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương TP.HCM, một số bệnh viện chưa trang bị được hệ thống đồng bộ, sử dụng ứng dụng (app) để kết nối nên đường truyền không đảm bảo. Một số bệnh viện chưa có phòng hội chẩn đúng tiêu chuẩn, chủ yếu tận dụng phòng họp sẵn có để các bác sĩ vừa khám bệnh nhân vừa có thể theo dõi. Ngoài ra, cần phải bồi dưỡng, ban hành hướng dẫn cấp chứng chỉ đào tạo liên tục cho cán bộ y tế thông qua các hội nghị, hội thảo, lớp đào tạo trực tuyến. Hay theo Bệnh viện Tim Hà Nội, bên cạnh cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, khó khăn lớn nhất là hiện vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về giá dịch vụ tư vấn khám chữa bệnh từ xa để các bệnh viện có căn cứ thực hiện.  

Trước thực tế này, các chuyên gia nhấn mạnh, trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi đang tiếp tục được lấy ý kiến, cần thiết phải có những quy định cụ thể hơn để có thể thực hiện hiệu quả. Ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh - cho hay, trong dự thảo luật, khám chữa bệnh từ xa mới chỉ được quy định tại một điều, cần bổ sung hơn nữa. Ủy ban Xã hội của Quốc hội cũng cho rằng, dự thảo luật hiện tại chưa làm rõ các nội dung như điều kiện thực hiện, danh mục bệnh, trách nhiệm pháp lý, hợp đồng khám chữa bệnh từ xa…

Lo sai sót

Tiến sĩ - bác sĩ y học cổ truyền Nguyễn Đình Thuyên - nguyên chuyên viên cao cấp, hàm Vụ trưởng Vụ Các vấn đề xã hội của Quốc hội - nhận định khám chữa bệnh từ xa có rất nhiều cái lợi. Tuy nhiên phương pháp này cũng có cả mặt hại. Nhiều nước trên thế giới đã gặp thực trạng có bác sĩ, cơ sở y tế lạm dụng kỹ thuật cao và thuốc… vì tiền. Do đó, làm thế nào để các quy định pháp lý có thể hạn chế được vấn đề này là điều đáng phải lưu tâm.

Đặc biệt, ông bày tỏ lo lắng: “Những sai sót trong ngành y thời gian qua hầu hết là ở khâu lâm sàng. Lâu nay, bác sĩ vì quá vất vả, quá tải khủng khiếp dẫn tới khám lâm sàng bị bỏ qua, đôi khi chỉ dựa vào máy”. Vì vậy, với khám chữa bệnh từ xa, việc đảm bảo khám lâm sàng một cách chính xác, dẫn tới không sai sót trong chẩn đoán là vấn đề quan trọng nhằm đảm bảo sức khỏe, tính mạng của người dân. “Quy định của Nhật Bản về khám chữa bệnh từ xa là phải được khám lâm sàng ít nhất một lần, sau đó mới được khám chữa bệnh từ xa. Đó là điều rất hay và nhân văn”, ông dẫn chứng.

Góp ý tại hội thảo, ông Nguyễn Huy Quang - nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) - đề nghị cần xác định rõ bản chất của khám chữa bệnh từ xa. Theo ông, khám chữa bệnh từ xa thực chất vẫn là khám chữa bệnh nhưng không trực tiếp mà thông qua các thiết bị y tế, qua các nền tảng công nghệ thông tin. “Cần phải nhấn mạnh, khám chữa bệnh trực tiếp là cơ bản, chỉ khám chữa bệnh từ xa trong trường hợp đặc biệt”, ông nêu quan điểm. Ông cũng khẳng định luật phải xác định rõ các hình thức khám chữa bệnh từ xa; các trường hợp đặc biệt, các danh mục bệnh được phép thực hiện. Ngoài ra, phải có danh mục kỹ thuật, trang thiết bị y tế phù hợp. 

Có ý kiến cho rằng, cần phải có giấy phép cho các bác sĩ, cơ sở thực hiện khám chữa bệnh từ xa song theo ông Nguyễn Huy Quang, không nên phức tạp hóa mà chỉ cần quy định người khám bệnh phải có chứng chỉ hành nghề, đảm bảo cơ sở khám bệnh có đầy đủ hạ tầng công nghệ thông tin, thiết bị y tế. 

Về giá khám chữa bệnh từ xa, ông Nguyễn Huy Quang nhấn mạnh: Phải xác định mức giá liên quan tới đầu tư, khấu hao thiết bị y tế và công nghệ thông tin. Còn có rất nhiều điều phải được làm rõ như gắn khám chữa bệnh với kê đơn thuốc, trách nhiệm của người kê đơn thuốc như thế nào nếu xảy ra vấn đề, hoặc có tranh chấp? 

Một số chuyên gia tại hội thảo nêu hiện tượng phổ biến hiện nay là các cơ sở y tế không công nhận kết quả xét nghiệm, chụp chiếu của nhau, chưa nói tới bệnh viện tuyến trên, tuyến dưới.

Như vậy, với khám chữa bệnh từ xa, vấn đề này sẽ xử lý như thế nào? Các trường hợp kết quả xét nghiệm do tuyến dưới làm, tuyến trên có thể sử dụng để đưa ra chẩn đoán, phương án điều trị hay không? Đây cũng là những vấn đề cần quan tâm trong quá trình lấy ý kiến, hoàn thiện dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi để các quy định liên quan tới khám chữa bệnh từ xa có thể đi vào cuộc sống. 

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI