Khách lóng ngóng với dịch vụ số hóa của ngân hàng

26/07/2020 - 11:48

PNO - Ngân hàng số đang là cạnh tranh, lôi kéo khách hàng, song không ít người tiêu dùng “theo không kịp” đã gặp phải những sự cố.

Mới đây, không ít khách hàng đang sử dụng ứng dụng VCB-iB@nking (ứng dụng internet banking của Vietcombank trên điện thoại di động) bối rối vì không hiểu sao ứng dụng đổi sang giao diện lạ hoắc, các thao tác giao dịch cũng lạ lẫm. Nhiều người tưởng hệ thống đang bị lỗi nên phải trực tiếp đến ngân hàng thực hiện các giao dịch. 

Robot thông minh được đưa vào giao dịch tại một ngân hàng
Robot thông minh được đưa vào giao dịch tại một ngân hàng

Dịch vụ ngân hàng số được giới thiệu gia tăng bảo mật, giúp khách hàng tiết kiệm chi phí, dễ dàng thực hiện các giao dịch như chuyển tiền nhanh, đặt lịch chuyển tiền, thanh toán các loại tiền điện, nước, viễn thông, y tế, giáo dục, bảo hiểm, dịch vụ hành chính công, hóa đơn tự động, nạp tiền điện thoại, mua sắm trực tuyến… Nhưng, chính dịch vụ này lại gây e ngại cho người dùng.

Nam A Bank mới đây cũng áp dụng không gian giao dịch số bằng robot OPBA, khách hàng được robot tư vấn mọi thắc mắc thay vì phải ngồi chờ đợi theo thứ tự tại quầy hoặc có thể rút tiền, in, xem các thông tin tài khoản mà không cần đến ngân hàng. TPBank ra mắt ngân hàng số TPBank LiveBank, VPBank có dịch vụ TimoBank… giúp khách có thể trực tiếp mở và nhận thẻ ATM miễn phí trong vòng 5 phút, nộp tiền tiết kiệm mọi lúc, mọi nơi mà không cần vào phòng giao dịch. 

Năm 2018, trên thế giới, đã có 2 tỷ người sử dụng dịch vụ ngân hàng số, trong đó nhiều nhất là Trung Quốc, Ấn Độ, Nga… Riêng tại Việt Nam, theo thống kê của Vietnam Report, có tới 93% ngân hàng thương mại đang đầu tư vào công nghệ số hóa, trong đó 70 tổ chức tín dụng triển khai cung ứng dịch vụ qua internet, 35 tổ chức cung ứng dịch vụ qua điện thoại. 

Song hành với tiện lợi mà ngân hàng số đem lại chính là những thách thức an toàn bảo mật thông tin. Ông Nguyễn Hồng Trung - Giám đốc Trung tâm số hóa của Ngân hàng VPBank - thừa nhận, đó là thách thức không nhỏ. Cụ thể, đi kèm với phương thức định danh khách hàng trực tuyến (không cần gặp mặt) trong eKYC là nạn làm giả hồ sơ. Ngân hàng số còn có nhiều rủi ro về tình trạng giả mạo email, tin nhắn SMS để dụ người dùng bấm vào các đường dẫn (link) nguy hiểm nhằm đánh cắp thông tin. 

Vào đầu tháng 5/2020, chị H.K.H. (tỉnh Thanh Hóa) nhận được email thông báo đã đăng ký thành công khoản vay thấu chi với hạn mức 50 triệu đồng. Do nghĩ đây là chương trình khuyến mãi dành cho khách hàng lâu năm nên chị H. không để ý. Nhưng không lâu sau đó, chị nhận được thông báo bị trừ 50 triệu đồng từ ứng dụng ngân hàng số TimoBank. Sau khi tra cứu giao dịch, chị H. thấy số tiền trên chuyển vào tài khoản ACB của một người nào đó mà chị không biết. 

Sau khi kiểm tra, ngân hàng VPBank cho biết, dữ liệu hệ thống và nội dung tin nhắn SMS/email đều thể hiện khách hàng H. thực hiện giao dịch tạo khoản vay thấu chi và giao dịch chuyển tiền online. Nhưng khách hàng lại nhập tài khoản và mật khẩu vào một website không phải là link chính thức của ngân hàng số TimoBank, đồng thời khách còn cung cấp mã OTP xác thực các giao dịch khởi tạo khoản vay thấu chi và OTP xác thực giao dịch chuyển tiền lên website này. Theo nhận định của VPBank, có thể khách hàng H. đã bị lừa đảo để chiếm đoạt tiền từ tài khoản thông qua việc lừa cung cấp các thông tin liên quan đến tài khoản TimoBank cho website giả mạo. 

Theo các chuyên gia, ngoài việc nâng cao kiểm soát bảo mật thông tin, các ngân hàng cần tăng cường cảnh báo với người tiêu dùng. Khách hàng phải tự mình đăng nhập giao dịch và chú trọng vấn đề bảo mật thông tin. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI