Kẹo chứa chất kích dục rao bán trái phép

13/07/2020 - 17:48

PNO - Hàng loạt sản phẩm bảo vệ sức khỏe quảng cáo sai phạm, chứa chất cấm được Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đưa ra cảnh báo.

Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế ra cảnh báo sau khi nhận được công văn từ Cơ quan Khoa học Y tế Singapore (HAS) về sản phẩm Candy B+ Coffee Extra Power đang lưu hành tại Việt Nam bị phát hiện chứa tân dược Tadalafil - được chỉ định trong điều trị rối loạn chức năng tình dục ở nam giới.

Mặc dù trong thành phần có chứa tân dược, nhưng trên bao bì sản phẩm Candy B+ Coffee Extra Power lại không hề ghi chất này, mà chỉ ghi một số chất phổ biến thông thường Non Dairy Creamer, Sugar, Instant Coffee Powder, Maca Powder, Catuaba Powder, Saw Palmetto, Tongkat Ali Extract, Superba Extract, Sky Fruit Extract…

kẹo chứa tân dược không được cấp phép được bày bán đầy trên mạng
Kẹo chứa tân dược không được cấp phép rao bán tràn lan trên mạng

Qua rà soát, Cục An toàn thực phẩm cho biết, từ 9/2014 đến nay, sản phẩm Candy B+ Coffee Extra Power không hề được cấp giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm, giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố.

Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện sản phẩm Candy B+ Coffee Extra Power dễ dàng tìm mua trên mạng với giá từ 1,3-1,6 triệu đồng/12 viên. Chúng được quảng cáo là có khả năng tăng cường sinh lực cho nam giới, cải thiện chức năng sinh lý, ngăn ngừa các triệu chứng tiền liệt tuyến, tiểu đêm, tiểu lắt nhắt…

Chiều ngày 13/7, Cục An toàn thực phẩm phát hiện thêm nhiều sản phẩm bảo vệ sức khỏe quảng cáo sai phép, gây ngộ nhận cho người sử dụng.

Tại website tribenhgut.vn, sản phẩm Vinagout của Công ty Cổ phần Sao Thái Dương được quảng cáo không đúng sự thật. Đây là một dạng thực phẩm chức năng nhưng được quảng cáo như thuốc chữa bệnh.

Hay như tại một số website trigoutnanofast.vn, chuagout-nanofast.site, nanofastchinhhang.vn… sản phẩm Nona Fast của Công ty TNHH MTV Nano Việt Nam đang quảng cáo gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh. Sản phẩm sử dụng hình ảnh, uy tín của đơn vị, cơ sở y tế, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm.

Ngoài hai sản phẩm trên, tính từ đầu tháng 7/2020 đến nay, Cục An toàn thực phẩm tiếp tục phát hiện hàng chục sản phẩm khác cũng đang quảng cáo sai phạm tại nhiều website, không đúng bản chất, lừa dối người tiêu dùng. Như sản phẩm Powerman Plus, Powerman extra  được quảng cáo như thuốc chữa bệnh, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng; Hạ Khang Đường ngoài quảng cáo như thuốc chữa bệnh, tại nhiều website còn sử dụng hình ảnh, uy tín của đơn vị, cơ sở y tế, nhân viên y tế để quảng cáo sản phẩm; nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến của người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh.

Trong quá trình làm việc, tất cả những công ty trên đều không thừa nhận và chịu trách nhiệm về việc quảng cáo sản phẩm trên các website mà Cục An toàn thực phẩm phát hiện. Hiện Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý vụ việc.

“Để đảm bảo an toàn sức khỏe, người dùng tránh sử dụng những sản phẩm quảng cáo không đúng sự thật về công dụng sản phẩm” – Cục An toàn thực phẩm cảnh báo.

Các sản phẩm quảng cáo sai phạm bao gồm: Hạ khang Đường của Công ty TNHH thương mại SBG; Powerman Plus, Powerman extra của Công ty Cổ phần dược phẩm và Y Đức Minh Ngọc, Nanofast của Công ty TNHH MTV nano Việt Nam, MT-Vikidomi của Công ty TNHH Dược phẩm Việt Bắc, Shark Fin Collagen & Swallow’s Nest Extract của Công ty TNHH đầu tư Takami Việt Nam...

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI