Ia Mơ và những giấc mơ có thật

18/03/2019 - 18:00

PNO - Ngày 16/3 vừa qua, tại các xã nghèo vùng biên tỉnh Gia Lai, với những món quà được trao, chương trình đã hiện thực hóa bao ước mơ, khát vọng của nhiều phụ nữ và trẻ em.

Đồng hành cùng phụ nữ biên cương là chương trình xã hội - từ thiện do Hội LHPN và Hội Chữ thập đỏ TP.HCM phối hợp với Bộ đội Biên phòng thực hiện.  

Con đường từ phố núi Pleiku (tỉnh Gia Lai) đến trung tâm huyện Chư Prông dài 40km chỉ mất gần một giờ ô tô. Nhưng để đi từ huyện này đến xã biên giới Ia Mơ, chưa đầy 80km, phải mất hơn 3 tiếng, bởi đường đi quá nhiều ổ voi, ổ gà. 

Ia Mo va nhung giac mo co that

Lãnh đạo Hội LHPN TP.HCM, Hội Nữ trí thức và Bộ đội Biên phòng TP.HCM trao tặng xe đạp cho các học sinh nghèo hiếu học Ia Mơ.

 

Hội LHPN tỉnh Gia Lai cho biết, trên địa bàn tỉnh có 3 huyện, 7 xã, 48 thôn tiếp giáp với tỉnh Ratanakiri của Campuchia; đường biên giới dài 90km và tổng số dân của 10 dân tộc anh em đang sinh sống là hơn 46.000 người, trong đó dân tộc thiểu số chiếm đến 53,6%. Đời sống của bà con vùng biên còn rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo lớn, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng cao, chất lượng chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ và trẻ em còn nhiều hạn chế, đặc biệt là đối với bà con dân tộc. 

Mái ấm vững chãi nơi vùng biên

Ia Mo va nhung giac mo co thatCuộc sống của các gia đình phụ nữ và trẻ em vùng biên giới vẫn còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Chúng tôi về xã Ia Mơ lúc rạng đông. Trong căn nhà tình thương được trao tặng, mẹ con chị Rơ Ma Cher đang chờ khách đến bàn giao. Kế đó, căn nhà sàn cũ vẫn còn xiêu vẹo dưới tán điều.

Chị Rơ Ma Cher là một trong nhiều phụ nữ đơn thân ở làng Klăk, xã Ia Mơ, huyện Chư Prông. Sáu năm trước, trong cơn say rượu rồi mâu thuẫn với vợ, chồng chị đã treo cổ tự vẫn để lại cho chị đứa con nhỏ. Nhà nghèo không đất cắm dùi, nên từ bấy đến nay hai mẹ con chị phải sống nhờ trên đất của người hàng xóm. Hằng ngày, chị Rơ Ma Cher đi làm thuê và tranh thủ chăm sóc hai sào điều, nên mẹ con bữa đói bữa no. Cháu Rơ Ma Nie, con chị, học đến lớp chín thì nghỉ, nay tròn 17 tuổi, đã có chồng từ gần một năm nay. 

Ia Mo va nhung giac mo co that
Nhận xe đạp mới do Hội Nữ trí thức TP HCM trao tặng.

May mắn hơn chị Rơ Ma Cher, chị Rơ Ma Luih, 25 tuổi, ngụ ở làng Kom Yớ, có được một gia đình đầm ấm dù cả nhà bốn thành viên phải sống trong căn chòi tranh quây bạt tạm bợ ở cuối làng. Hơn 2 năm nay, chồng chị Rơ Ma Luih bỏ hẳn rượu chuyên tâm làm ăn. Nhờ vậy, mấy vụ điều gần đây rất được mùa. “Ngày nào hắn cũng phải đi rẫy, đi nhổ mì, đi đốn mía thuê. Đi làm về mệt, hắn hết sức uống rượu rồi”, chị Rơ Ma Luih bồng đứa con hai tuổi nhìn chồng cười bẽn lẽn. Hỏi có dự định sinh con thêm nữa không, chị Rơ Ma Luih trầm ngâm: “Nuôi không nổi đâu. Giờ là lúc phải gắng lo làm ăn thêm để gia đình đỡ cực khổ thôi”!

Ia Mo va nhung giac mo co that
Những người phụ nữ Ia Mơ chờ đến phiên khám sức khỏe và nhận quà của chương trình.

Chị Siu Ki Ốt - cán bộ phụ nữ xã Ia Mơ - cho biết, toàn xã có 575 hộ, 2.489 nhân khẩu, trong đó có 175 hộ nghèo và cận nghèo, chiếm 30,4%. Xã Ia Mơ có 401 hội viên phụ nữ thì 347 chị là người thiểu số, chủ yếu là dân tộc Jrai, đời sống kinh tế rất khó khăn. Các chị Rơ Ma Cher và Rơ Ma Luih là hai trong năm gia đình khó khăn nhất xã Ia Mơ vừa được trao tặng mái ấm tình thương. “Sự giúp đỡ này quý lắm, là bước căn cơ để các gia đình nghèo từng bước vươn lên trong cuộc sống, đồng thời cũng là cái cớ để chúng tôi vận động tuyên tuyền về ý thức không trông chờ, ỷ lại, mà tự mỗi gia đình phải cố gắng vươn lên”, chị Nguyễn Thị Hải - Phó chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ia Mơ - nhấn mạnh.

Nâng bước em vui đến trường

Cháu Rơ Mah, 13 tuổi, người Jrai, ở làng Klăk, kể: em có bốn anh chị em, đứa em út còn bú sữa mẹ. Chị lớn của Rơ Mah học đến lớp Sáu thì nghỉ vì trường quá xa. Lớn hơn chút nữa, chị lấy chồng. Khi Rơ Mah học tiểu học thì trường về gần nhà, đường đến trường chỉ còn “ăn hết hai trái điều là đến cửa lớp” - Rơ Mah nói.

 “Đồng bào các dân tộc cư trú trên địa bàn biên giới là những người hằng ngày cùng bộ đội biên phòng tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh lãnh thổ, trong đó phụ nữ có những đóng góp quan trọng. Hiện nay, đời sống của nhiều bà con vùng biên cương, đặc biệt là phụ nữ, còn gặp rất nhiều khó khăn. Họ là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất, cần có sự chung tay chăm lo từ cộng đồng xã hội. Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng nên nhiều năm qua, các cấp Hội LHPN TP.HCM đã tổ chức nhiều chương trình đồng hành để chia sẻ và hỗ trợ với các chị em”. 

Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích - Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM

Hiện, Rơ Mah đã học đến lớp Bảy của Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi nằm ngay trung tâm xã, nhưng hằng ngày vẫn phải cùng bạn lội bộ đường đồi mất khoảng 40 phút. “Thỉnh thoảng em cũng quá giang được xe đạp, nhưng ít thôi, vì xe ai cũng thồ củi, củ mì”- Rơ Mah nói.

Còn em Bùi Văn Hùng, 14 tuổi, dân tộc Mường, ngụ làng Krông, cạnh bên làng Klăk, cũng đang học lớp Tám Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi. Hỏi Hùng đường từ nhà đến trường có xa không, em trả lời “không biết. Đi mãi thì đến trường thôi”. “Xa dữ lắm, 18 cây số lận!”, bà Ksor H’Lâm - già làng Krông, buột miệng. Theo già làng H’Lâm, ở làng Krông, nhiều người không biết đi xe máy, xe đạp. Khi bệnh thì người trong làng chở giúp ra bệnh xá. Làng có 60 nóc nhà thì có đến 20 hộ nghèo, đi làm rẫy, làm thuê. 

Ia Mo va nhung giac mo co that

Đông đảo người dân chờ khám sức khỏe miễn phí.

Chắc là nhờ “truyền thống đi bộ” nên đôi chân Hùng to bè. Nhận xe đạp mới toanh, bạn Rơ Mah hướng dẫn Hùng làm quen với chiếc xe. Rơ Mah chạy bộ theo Hùng đang nhón đôi chân theo vòng quay bánh xe đạp. Tiếng cười của hai đứa trẻ tóc khét nắng vọng lại từ cuối con đường trước cổng trường.

 “Chương trình Đồng hành cùng phụ nữ biên cương rất thiết thực và ý nghĩa, thể hiện sự đoàn kết, tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách của cán bộ, hội viên phụ nữ, hội chữ thập đỏ và cán bộ chiến sĩ đối với vùng biên giới.

Bà Phạm Thị Tố Hải - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Gia Lai

Rơ Mah và Bùi Văn Hùng là hai trong 100 học sinh có hoàn cảnh khó khăn, thiếu phương tiện đến trường ở xã Ia Mơ được trao tặng xe đạp. Hôm nay, đường về nhà của các em đầy ắp niềm vui và đường như ngắn lại. Chị Ksor H’bi, mẹ Rơ Mah, một người phụ nữ đơn thân, được trao tặng 8 triệu đồng vốn để mua bò giống, phát triển kinh tế gia đình cho biết chị “cũng cảm thấy lâng lâng”. Hy vọng cuộc sống của mẹ con chị sẽ ngày càng tươi sáng. 

1,2 tỷ đồng đồng hành cùng phụ nữ biên cương
Chương trình Đồng hành cùng phụ nữ biên cương do Hội LHPN, Hội Chữ thập đỏ cùng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP.HCM phối hợp tổ chức tại hai xã Ia Mơ và Ia Chia, thuộc vùng biên giới của huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai. 
Đợt này, chương trình đã trao tặng 8 mái ấm tình thương (mỗi căn trị giá 50 triệu đồng), 20 phương tiện làm ăn (trị giá 160 triệu đồng), 300 phần quà cho các gia đình phụ nữ nghèo (300 triệu đồng), 100 chiếc xe đạp cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn (100 triệu đồng), áo khoác cho trẻ em nghèo, quà cho các gia đình chính sách; khám bệnh sản - phụ khoa, siêu âm và phát thuốc miễn phí cho phụ nữ nghèo; trang bị máy vi tính cho Đồn biên phòng và Hội Phụ nữ xã vùng biên giới... 

Từ Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI