Diễn đàn: “Văn minh đô thị: Mỗi người cùng góp một tay”

Hơn cả ga-lăng

30/09/2022 - 06:58

PNO - Những giúp đỡ nhỏ bé, giản dị thực sự đã kiến tạo nên một không gian ấm áp, an toàn và dễ chịu của tình người, của truyền thống “ăn ở có nhân”.

 

Những cử chỉ tận tình, giúp đỡ người gặp khó khăn trên đường còn rất nhiều
Những cử chỉ tận tình, giúp đỡ người gặp khó khăn trên đường còn rất nhiều

TPHCM có vô số con đường dài rộng, xe cộ tấp nập. Nhịp sống hối hả, gấp gáp khiến người ta như không còn thời giờ để quan tâm đến thế giới xung quanh. Thế nhưng, tình cờ ta vẫn bắt gặp những chiếc xe chết máy, xì hơi, hết xăng… và khổ chủ đang cặm cụi đẩy bộ. Và sự đơn độc ấy thường không quá lâu bởi một người hào hiệp nào đó sẽ xuất hiện để giúp đẩy chiếc xe bị hỏng. Một cách hành xử rất đẹp! 

Những cử chỉ tận tình, giúp đỡ người gặp khó khăn trên đường đang từng ngày góp phần tạo dựng lối sống đẹp, văn minh ở TPHCM thì còn rất nhiều. Đó là việc cho ai đó ít tiền để đổ xăng hoặc qua bữa đói khi trong túi không còn tiền; cùng đóng góp để người lỡ bước có đủ tiền mua tấm vé về quê… Nhưng hành vi “hào hiệp, giúp người” không chỉ có ở những người tráng kiện mà nó nằm trong máu của người Sài Gòn - TPHCM từ phụ nữ, thanh thiếu niên, người già…

Thế nên chuyện em bé đập ống heo hay bớt tiền quà sáng để gửi tặng các bạn nghèo, một bà cụ dốc hết tiền túi góp cho đồng bào vùng lũ… không là chuyện lạ! Chị Hồ Tú Lành - nhân viên của một tập đoàn - từng bộc bạch niềm xúc động trên Facebook của mình khi nhận được sự nhiệt tình giúp đỡ khi xe bị chết máy giữa đoạn đường vắng. Từ nơi khác đến TPHCM định cư, chị Lành không bao giờ nghĩ là lại có một sự hỗ trợ ân cần trên cả tuyệt vời từ những người đàn ông hoàn toàn xa lạ.

Những người ở các vùng miền khác khi “cập bến” Sài Gòn - TPHCM cũng đều thừa nhận sự cởi mở, phóng khoáng, hảo hớn của những con người nơi vùng đất phương Nam. Họ thiện cảm với lối sống đẹp nhưng không khoa trương, ồn ào, thấm đẫm chất hào hiệp của Lục Vân Tiên, Vương Tử Trực…

Phụ nữ thế giới xem đàn ông nước Pháp là biểu tượng của vẻ đẹp lịch lãm, quý phái. Ga-lăng (Galant) là thuật ngữ định tính cũng xuất phát từ đây để tôn vinh nét tính cách ôn hòa, dịu dàng, chiều chuộng nữ giới của các đấng mày râu. Thế nhưng, có phải ga-lăng chỉ xuất hiện ở những nơi sang trọng, trong nghi thức tiếp đón hoặc khánh tiết? Có phải ga-lăng là đặc quyền chỉ dành cho những bóng hồng xinh đẹp, những phụ nữ yêu kiều? Câu trả lời đã phần nào được ghi nhận tại đô thị Sài Gòn - TPHCM.

Những giúp đỡ nhỏ bé, giản dị thực sự đã kiến tạo nên một không gian ấm áp, an toàn và dễ chịu của tình người, của truyền thống “ăn ở có nhân”. Quả thực nó đẹp hơn ga-lăng rất nhiều! 

Nguyễn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI