Hôm nay, xét xử phúc thẩm vụ nâng khống giá máy xét nghiệm COVID-19 tại CDC Hà Nội

24/06/2021 - 08:24

PNO - Sáng 24/6, TAND cấp cao tại Hà Nội mở phiên phúc thẩm vụ nâng khống giá hệ thống xét nghiệm COVID-19 xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội.

Phiên tòa được mở do nhiều bị cáo có đơn kháng cáo, trong đó có Nguyễn Nhật Cảm (cựu Giám đốc CDC Hà Nội), Nguyễn Vũ Hà Thanh (cựu trưởng phòng tài chính kế toán CDC Hà Nội), Nguyễn Thị Kim Dung (cựu trưởng phòng tổ chức hành chính CDC Hà Nội)…

CDC Hà Nội, với tư cách bị hại, cũng có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo là cựu lãnh đạo, cán bộ tại đây.

Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm
Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm

Giữa tháng 12/2020, tại phiên tòa sơ thẩm, TAND TP. Hà Nội tuyên phạt bị cáo Nguyễn Nhật Cảm 10 năm tù về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".

9 bị cáo còn lại cùng tội danh trên tòa tuyên từ 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đến 6 năm 6 tháng tù giam.

Tòa sơ thẩm xác định bị cáo Cảm có vai trò cao nhất, là người chịu trách nhiệm chính trong việc thực hiện gói thầu số 15 theo thủ tục chỉ định thầu thông thường.

Vì động cơ vụ lợi, cựu Giám đốc CDC Hà Nội bàn bạc với các bị cáo khác ấn định giá hệ thống máy móc xét nghiệm trước khi tổ chức đấu thầu, chỉ đạo cấp dưới hợp thức hóa hồ sơ chỉ định thầu, gây hậu quả nghiêm trọng cho tài sản Nhà nước.

Hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, gây ảnh hưởng uy tín của Đảng, Nhà nước, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang vô cùng phức tạp, cả xã hội đang căng mình phòng chống dịch. Do đó, HĐXX cho rằng cần xử phạt nghiêm minh để đảm bảo tính răn đe.

Nội dung vụ án cho thấy, CDC Hà Nội được giao làm chủ đầu tư mua sắm gói thầu số 15, gồm một hệ thống Realtime PCR tự động, một máy tách chiết DNA/RNA tự động, cùng một số tủ lạnh và tủ mát.

Với vai trò giám đốc CDC, chủ tịch hội đồng tư vấn mua sắm, chọn giá hàng hóa/dịch vụ, Nguyễn Nhật Cảm đã không thực hiện đúng các quy định về lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu và tổ chức lựa chọn nhà thầu mà chủ động gặp, bàn bạc và thống nhất với “đối tác” về giá mua các thiết bị nằm trong gói thầu số 15.

Kết quả, các bị cáo móc nối với nhau, ký hợp đồng giữa CDC Hà Nội với công ty để mua bán các trang thiết bị với tổng giá trị là 9,54 tỷ đồng, trong đó riêng hệ thống Realtime PCR tự động có giá 7 tỉ đồng, máy tách chiết DNA/RNA tự động có giá 1,2 tỷ đồng.

Trong khi đó, Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự cấp Trung ương xác định tổng giá trị của gói thầu số 15 chỉ hơn 4,14 tỷ đồng - hệ thống Realtime PCR tự động có giá gần 3,12 tỷ đồng, máy tách chiết DNA/RNA tự động có giá 450 triệu đồng.

Hành vi của cựu Giám đốc CDC Hà Nội cùng các đồng phạm gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 5,4 tỷ đồng. Số tiền do CDC Hà Nội quản lý, vì vậy cơ quan này được xác định là bị hại.

Chi Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI