Xét xử vụ CDC Hà Nội: Nếu vào cuộc muộn một chút, vụ án có thể đã là tham ô tài sản

11/12/2020 - 20:33

PNO - Chiều tối ngày 11/12, phiên tòa xét xử các bị cáo trong vụ án "Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" liên quan đến CDC Hà Nội vẫn tiếp tục với phần tranh tụng.

Tại phiên tòa, các luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Nhật Cảm (cựu Giám đốc CDC Hà Nội) vẫn tập trung đặt câu hỏi về số tiền hoa hồng 15% mà bị cáo này được nhận theo cáo buộc của VKS.

Dẫn lại lời khai của Nguyễn Ngọc Nhất (nhân viên Công ty trách nhiệm hữu hạn Phát triển khoa học Vitech) vào chiều ngày 10/12, luật sư cho rằng bị cáo Cảm chỉ được hứa hẹn nhận 15% từ lợi nhuận của Nhất thông qua gói thầu số 15 (gói thầu mua sắm thiết bị xét nghiệm COVID-19), không phải 15% của giá trị hợp đồng.

Các luật sư tham gia bào chữa cho 10 bị cáo.
Các luật sư tham gia bào chữa trong vụ án

Tiếp tục nhắc lại lời khai của ông Cảm, luật sư tranh luận: "Ông Cảm phủ nhận chưa bao giờ nghe bị cáo Nhất nói sẽ chi phần trăm cho mình và không biết việc chia chác thế nào là đang thực hiện đúng quyền của mình".

Trước quan điểm của luật sư, đại diện VKSND Tối cao khẳng định có đủ căn cứ cho thấy bị cáo Nguyễn Nhật Cảm có động cơ vụ lợi. Điều này thể hiện qua lời khai của Nhất và Nguyễn Thanh Tuyền (nhân viên Công ty TNHH thiết bị y tế Phương Đông).

Đại diện VKS cũng khẳng định rằng đã xét hỏi rất kỹ bị cáo Đào Thế Vinh (Giám đốc Công ty TNHH vật tư khoa học và thương mại Việt Nam - MST) về tỉ lệ ăn chia lợi nhuận từ việc mua bán hệ thống máy xét nghiệm. Qua đó ghi nhận được có một bảng dự tính nêu khoản tiền mà từng bị cáo sẽ được hưởng là bao nhiêu, trong đó Nhất và Tuyền mỗi người được hơn 767 triệu đồng, bị cáo Cảm được hơn 1 tỉ đồng.

Đại diện VKS phản bác quan điểm của luật sư.
Đại diện VKS phản bác quan điểm của luật sư

"Trong vụ án này, các hoạt động điều tra đã vào cuộc rất kịp thời, ngăn chặn việc các bị cáo chia tiền với nhau như dự tính. Dù vậy, vẫn có đủ cơ sở khẳng định các bị cáo có động cơ vụ lợi. Nếu vào muộn một chút thì vụ án có thể đã là tham ô tài sản chứ không chỉ là vi phạm quy định về đấu thầu", đại diện VKS nhấn mạnh.

Cũng theo đại diện VKS, nếu đúng quy định pháp luật, thủ tục thực hiện chỉ định thầu thông thường cần nhiều bước. Nhưng trong khoảng thời gian rất ngắn, các bị cáo tại CDC Hà Nội đã gian lận để hoàn thành rất nhiều thủ tục nhằm hợp thức việc chỉ định thầu.

Bị cáo Cảm đã lén lút bàn bạc, thỏa thuận giá với những bị cáo khác không có tư cách pháp nhân trong khi trên thị trường có hàng trăm công ty kinh doanh thiết bị y tế.

Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, khoảng 16g ngày 6/2/2020, Nguyễn Nhật Cảm đã gặp Nguyễn Ngọc Nhất và Nguyễn Thanh Tuyền tại phòng làm việc để bàn bạc thống nhất việc mua, bán hệ thống Realtime PCR tự động.

Tại đây, Nguyễn Nhật Cảm thỏa thuận với Nguyễn Ngọc Nhất và Nguyễn Thanh Tuyền sẽ mua hệ thống Realtime PCR của hãng Qiagen - Đức do Công ty Phương Đông nhập khẩu với giá 7 tỷ đồng, bảo hành 3 năm.

Sau đó, Nguyễn Thanh Tuyền đi ra ngoài trước, Nguyễn Ngọc Nhất ở lại trong phòng trao đổi riêng với Nguyễn Nhật Cảm nội dung: sau khi việc mua bán hoàn tất sẽ chi cho Nguyễn Nhật Cảm 15% (trước VAT) giá trị của hệ thống máy Realtime PCR tự động.

Về vấn đề này, Nguyễn Nhật Cảm khai nhận có nghe Nhất nói sẽ chi phần trăm giá trị gói thầu cho CDC Hà Nội, nhưng không nhớ rõ là bao nhiêu phần trăm.

Tuy nhiên cáo trạng xác định, mặc dù giữa các bị cáo chưa thực hiện việc chia lại số tiền theo thỏa thuận trên, nhưng có căn cứ xác định Nguyễn Nhật Cảm có động cơ vụ lợi trong việc cố ý làm trái các quy định về chỉ định thầu gói thầu số 15 nêu trên.

An Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI