Hội phụ nữ nhập cuộc ngăn nạn buôn người qua biên giới

26/08/2022 - 07:10

PNO - Ngoài công an, bộ đội biên phòng, Hội Phụ nữ các tỉnh biên giới cũng tìm nhiều giải pháp để ngăn chặn tình trạng mua bán người.

 

Một công dân vừa được Bộ đội biên phòng tỉnh Tây Ninh phối hợp với lực lượng chức năng nước bạn giải cứu thành công - ẢNH: LÊ QUÂN
Một công dân vừa được Bộ đội biên phòng tỉnh Tây Ninh phối hợp với lực lượng chức năng nước bạn giải cứu thành công - Ảnh: Lê Quân

Phụ nữ vùng biên vào cuộc

Nghệ An là tỉnh có tình trạng buôn bán người phức tạp. Bà Kha Thị Hoài - Chủ tịch Hội LHPN H.Kỳ Sơn - cho biết Kỳ Sơn từng là điểm nóng của hoạt động mua bán người. Nhiều phụ nữ, thậm chí cả trẻ em, bị lừa bán sang nước khác. Tuy nhiên, những năm gần đây tình trạng này đã giảm đáng kể do sự nỗ lực của chính quyền địa phương cũng như các tổ chức liên quan. 

Theo bà, ngoài tuyên truyền về pháp luật, hội LHPN còn nắm nguyện vọng của chị em thông qua các câu lạc bộ của Hội: “Trong các buổi sinh hoạt câu lạc bộ, chúng tôi vận động những chị em từng bị lừa bán sang Trung Quốc chia sẻ câu chuyện của mình để người dân địa phương hiểu rõ họ từng phải sống như thế nào”.

Lãnh đạo Hội LHPN tỉnh Tây Ninh và tỉnh Tbong Khmum cùng ký kết bản thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2022-2027 - ẢNH: N.T.
Lãnh đạo Hội LHPN tỉnh Tây Ninh và tỉnh Tbong Khmum cùng ký kết bản thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2022-2027 - Ảnh: N.T.

Theo bà Kha Thị Hoài, điều khó khăn nhất hiện nay ở địa phương là khan hiếm việc làm, thu nhập của người dân quá thấp. Do đó, nhiều phụ nữ, trẻ em gái bị dụ dỗ hoặc tự nguyện sang Trung Quốc, Campuchia rồi bị bán, hoặc đồng ý được bán.

Bà Phần Thị Thanh - Chủ tịch Hội LHPN H.Quế Phong - cho hay Hội thường phối hợp với lực lượng biên phòng tổ chức sinh hoạt, dạy chữ cho bà con rồi thông qua đó, tuyên truyền về phòng, chống mua bán người. Hội cũng phối hợp với đoàn thanh niên tổ chức các buổi đối thoại, tuyên truyền cho học sinh về phòng, chống nạn mua bán người, nạn tảo hôn. Theo đó, khi phát hiện có dấu hiệu bất thường, học sinh, hội viên phụ nữ cần nhanh chóng báo cáo cho công an xã hoặc đoàn thể xã để có biện pháp xử lý. 

Lực lượng biên phòng và dân quân địa phương tuần tra trên tuyến biên giới Tây Ninh - Campuchia gần cửa khẩu Mộc Bài - ẢNH: LÊ QUÂN
Lực lượng biên phòng và dân quân địa phương tuần tra trên tuyến biên giới Tây Ninh - Campuchia gần cửa khẩu Mộc Bài - Ảnh: Lê Quân

Còn theo bà Nguyễn Thị Quyên - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hà Tĩnh - để tăng sức hút cho các buổi tuyên truyền về tình trạng di cư, lao động bất hợp pháp, Hội đã lồng ghép nội dung này vào các vở kịch. Bà nói: “Ngoài tuyên truyền, chúng tôi cũng nắm nhu cầu thực tế của chị em. Nếu kinh tế gia đình họ khó khăn, chúng tôi sẽ tìm cách hỗ trợ vốn, phương tiện làm ăn, tư vấn mô hình chăn nuôi. Trường hợp người dân vẫn muốn đi nước ngoài, chúng tôi hướng chị em tìm đến các trung tâm xuất khẩu lao động có giấy phép hoạt động”.

Đầu tháng 8/2022, Hội LHPN tỉnh Tây Ninh đã ký kết bản thỏa thuận hợp tác với Hội Phụ nữ tỉnh Prey Veng, Svay Rieng và Tbong Khmum (Vương quốc Campuchia) giai đoạn 2022-2027. Bà Kim Thị Minh - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Tây Ninh - cho hay hoạt động này góp phần quan trọng vào công tác chăm sóc, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em, góp phần phòng, chống mua bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới.

Giải quyết việc làm là khâu then chốt

Hơn bốn tháng trước, thôn Ly Tôn, xã Tà Long, H.Đa Krông, tỉnh Quảng Trị từng có nhiều thanh niên người Pa Cô, Cơ Tu bị các đối tượng môi giới dụ dỗ, đưa sang Campuchia. Sau nhiều lần được Hội LHPN xã và bộ đội biên phòng tuyên truyền, thôn này không còn tình trạng xuất nhập cảnh trái phép nữa.

Cán bộ Hội Phụ nữ xã Hướng Lập H.Hướng Hóa, Quảng Trị (ngồi giữa) cùng lực lượng bộ đội Đồn Biên phòng Hướng Lập đến nhà người dân tuyên truyền về phòng tránh nạn buôn người ẢNH: VĨNH PHAN
Cán bộ Hội Phụ nữ xã Hướng Lập H.Hướng Hóa, Quảng Trị (ngồi giữa) cùng lực lượng bộ đội Đồn Biên phòng Hướng Lập đến nhà người dân tuyên truyền về phòng tránh nạn buôn người - Ảnh: Vĩnh Phan

Xã Hướng Lập, H.Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị cũng từng có nhiều người vượt biên trái phép sang Lào để làm ăn. Được cán bộ Đồn biên phòng Hướng Lập và Hội LHPN H.Hướng Hóa vận động, tuyên truyền, hơn nửa năm nay, không xảy ra vụ vượt biên trái phép nào. 

Các cấp Hội LHPN trong toàn tỉnh thường xuyên phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về xuất nhập cảnh, về phòng, chống mua bán người, lồng ghép tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt Hội, câu lạc bộ, nhóm tiết kiệm, tín dụng.

Đặc biệt, Hội LHPN tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo Hội LHPN thị trấn Lao Bảo, H.Hướng Hóa phát huy hiệu quả mô hình “Tổ xe kéo” (chuyên cung cấp nguồn tin về tội phạm ma túy, mua bán người cho lực lượng chức năng), mô hình kết nghĩa bản - bản (23 cặp bản đối diện hai bên biên giới Việt Nam - Lào kết nghĩa, cung cấp thông tin cho nhau, hỗ trợ nhau làm kinh tế).

Lực lượng biên phòng ở Tây Ninh  tuyên truyền cho người dân về thủ đoạn mua bán người thông qua chiêu trò  “việc nhẹ lương cao” - ẢNH: LÊ QUÂN
Lực lượng biên phòng ở Tây Ninh tuyên truyền cho người dân về thủ đoạn mua bán người thông qua chiêu trò “việc nhẹ lương cao” - Ảnh: Lê Quân

Hội LHPN tỉnh Thừa Thiên - Huế xác định, giới thiệu việc làm cho thanh niên, phụ nữ là cách để hạn chế tình trạng người lao động bị dụ dỗ ra nước ngoài làm việc. Ngoài việc liên kết đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm theo nhu cầu của thị trường lao động, duy trì và thực hiện có hiệu quả phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, các cấp hội đã chú trọng đa dạng hóa truyền thông qua Facebook, Zalo. 

Thông qua các ngày hội việc làm, hội đã giới thiệu hơn 10.000 phụ nữ vào các công ty may, sợi ở Khu công nghiệp Phú Bài và Phong Điền. Hội LHPN các cấp của tỉnh Thừa Thiên - Huế còn chủ động mở rộng hoạt động tín chấp với các ngân hàng, giải ngân trên 445 tỷ đồng cho 18.335 hộ, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.

Hội LHPN tỉnh Tây Ninh cũng triển khai nhiều mô hình mới, cách làm hay cho phụ nữ vùng biên nhằm góp phần vào ngăn chặn tình trạng mua bán người. Trong đó, “Tổ vần đổi công Việt Nam - Campuchia” tại H.Châu Thành là một mô hình khá hiệu quả. Theo đó, chị em trong tổ xoay vòng giúp nhau giải quyết việc đồng áng khi vào mùa vụ, đỡ tốn tiền mướn người làm. Các thành viên trong tổ còn giới thiệu việc làm cho nhau để tăng thêm thu nhập.

Bà Kim Thị Minh - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Tây Ninh - cho hay trong sáu tháng năm 2022, các tổ đã vần đổi được hơn 26.000 lượt công lao động: “Thông qua các buổi sinh hoạt tổ, chúng tôi còn tuyên truyền chính sách pháp luật về chống buôn lậu, mua bán người. Chúng tôi còn triển khai các mô hình khác, như “Tổ phụ nữ tham gia tố giác tội phạm”, “Tổ phụ nữ không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội”. 

Nhóm phóng viên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI