Hồi đó, ba hay đi làm xa

07/11/2020 - 17:32

PNO - Hồi xưa, ba hay đi làm xa, nên mỗi lần mùa bão về là mấy mẹ con ôm nhau qua nhà hàng xóm lánh nạn...

Chừng 30 năm về trước. Tôi mười mấy tuổi sống cùng ba mẹ ở xóm nhỏ xã Duy Thu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Lúc đó nhà nghèo lắm, nói rớt mồng tơi thì hơi quá nhưng nói nghèo “đắm đuối” thì không sai. 

Hết lũ đến bão, tai ương cứ thế đè oằn mảnh đất miền Trung - Ảnh: PLO
Hết lũ đến bão, tai ương cứ thế đè oằn mảnh đất miền Trung - Ảnh: PLO

Nhà làm bằng cột tre, phên tre trét phân trâu xin của hàng xóm hoặc buổi chiều hai ba con mang mủng ra đường hốt, bên trên lợp bằng mái tranh mái rạ. Nền nhà nện đất với tro bóng nhẫy. Trưa hè, anh em tôi hay lăn dưới đất mà ngủ. Nhà trên to hơn nhà dưới một chút; dùng để ngủ, đặt bàn thờ, bàn dài tiếp khách. Nhà dưới dùng để nấu ăn. Nhớ ngày xưa nấu bằng củi, bằng rơm rạ nên bồ hóng đóng đen cả mái nhà. Mỗi bữa ăn thì úp cái mủng làm bàn, ghế là nền đất. 

Mùa đông không có mền đắp, lấy chiếu cói quấn quanh người, hai bàn chân lạnh ngắt nên phải đút vào hai bàn chân của mẹ tìm chút hơi ấm. 

Hồi xưa, ba hay đi làm xa, nên mỗi lần mùa bão về là mấy mẹ con ôm nhau qua nhà hàng xóm lánh nạn. Nhà hàng xóm chẳng cứng cáp gì đâu vì cũng nghèo như nhà tôi nhưng qua bên đó đông người, đỡ sợ hơn.

Tôi nhớ hình như năm 1989, nghĩ bão không lớn nên mấy mẹ con liều ngủ ở nhà. Giữa khuya đang nằm thì nghe răng rắc. Cuống cuồng bật dậy chạy ra ngoài thì nhà trên đổ rầm, không còn thứ gì lành lặn. Mưa xối xả, gió rít ào ào. Tranh và tôn bay tứ phía nhưng phải cố chạy đi lánh nạn.

Sáng ra, gió lặng. Mấy mẹ con ôm nhau khóc vì nhà đâu còn mà trú, sách vở đâu còn mà đi học. Khóc đã đời rồi đi lượm quần áo giặt, mang sách vở đi hong cho khô. Tủi thân vô cùng. Ngày xưa làm gì có các đội cứu trợ, có cô Tiên (ca sĩ Thủy Tiên) như bây giờ. Nên ba về cầm rựa đi xin tre, xin rơm rạ về dựng lại cái nhà cho mấy mẹ con ở. 

Cơn bão ấy đi qua, rồi hàng chục cơn bão khác lại đến. Quê tôi, ba mẹ tôi lại cong mình với bão.

Nhớ năm 2006, cơn bão Xangsane đã cướp đi bao sinh mạng người dân quê tôi. Nhà tôi cũng liêu xiêu với nó. Lúc này, ba tôi đã mất, chỉ còn mẹ một thân một mình vì đàn con phải tha phương làm ăn, kiếm tiền lo cuộc sống. Thế nên tôi hiểu những người tha phương là những người nóng ruột nhất khi miền quê đang bị bão lũ hành hạ. Vì ở đó đang có cha mẹ, anh em, bạn bè, đồng bào thân thương… 

Nhiều năm sau, tụi tôi mới được ở trong cái nhà gạch ngói. Nhưng nhà cấp bốn ở quê không móng, không đổ trụ, chỉ xây gạch và lợp ngói. Hai mươi mấy năm, giờ cái nhà như răng sún rồi, biết có trụ qua cơn cuồng phong số 9 này… 

Võ Thuận

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Võ Thị Xiếu 09-11-2020 07:13:33

    Bài viết đúng với thực trạng miền Trung, ai lớn lên nơi đây sẽ cảm nhận sâu sắc về bài viết. Cám ơn bạn vì đã cho tôi sống lại tuổi thơ của mình.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI