Hội cần có cơ chế giám sát về an toàn vệ sinh thực phẩm

19/06/2019 - 12:00

PNO - Là những người chăm lo bữa cơm cho gia đình, trước đây chúng tôi chỉ lo thiếu - đủ, ngon - dở, bây giờ lại đau đáu chuyện thực phẩm mua về có được sạch sẽ, an toàn hay không.

Mấy ngày qua, một lần nữa các bà nội trợ chúng tôi lại rùng mình, bất an khi tiếp nhận những thông tin về thực phẩm bẩn trên báo đài. Không chỉ heo nhiễm bệnh ở các tỉnh lân cận tràn về các chợ lề đường, mà ngay trong chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, ngày 13/6 vừa qua thanh tra cũng phát hiện hàng trăm ký thịt heo bốc mùi hôi thối. 

Là những người chăm lo bữa cơm cho gia đình, trước đây chúng tôi chỉ lo thiếu - đủ, ngon - dở, bây giờ lại đau đáu chuyện thực phẩm mua về có được sạch sẽ, an toàn hay không. 

Hoi can co co che giam sat ve an toan ve sinh thuc phamphân biệt rau nào an toàn và rau nào không an toàn, với nhiều bà nội trợ cũng không phải dễ

Năm 2018, Hội LHPN Việt Nam lấy chủ đề năm là “An toàn vệ sinh thực phẩm”. Thế nhưng hết năm, Hội cũng chỉ dừng lại ở công tác tuyên truyền, nhiều nơi chưa thể hiện hết vai trò giám sát. Thậm chí, cạnh nhà có lò giết mổ bẩn, có trại trồng rau dùng hóa chất tăng trưởng, có gánh bánh mì dùng toàn thịt ôi thiu, chị em biết chuyện nhưng đều làm ngơ.

Phần lớn các chị không lên tiếng vì thông cảm cho cuộc mưu sinh của nhau. Nhưng cũng có một bộ phận không nhỏ chị em bàng quan trước những vấn nạn xã hội, nghĩ rằng chuyện đó không phải của mình, không liên quan đến nhà mình. Và cuối cùng, các chị lo sợ thông tin tố giác không được giải quyết mà còn liên lụy đến bản thân, gia đình…

Theo tôi, trong ba nguyên nhân, hai nguyên nhân đầu chúng ta có thể khắc phục bằng cách tuyên truyền, vận động, giúp chị em hiểu biết để có thái độ và hành động đúng, phải lên tiếng để bảo vệ sức khỏe của chính mình và cộng đồng. Nhưng với nguyên nhân cuối cùng, nếu muốn khắc phục, rất cần một cơ chế chặt chẽ về giám sát, bảo mật thông tin và bảo vệ người tố giác, chống thực phẩm bẩn. 

Hiện chúng ta có hệ thống giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp, của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, thế nhưng thực phẩm bẩn thì vẫn tràn lan. Nguyên do là cơ chế giám sát mỗi nơi mỗi khác, bộ phận tiếp nhận và xử lý thông tin từ những “tai mắt” không đồng bộ dẫn đến không an toàn cho người tố giác khiến họ không dám lên tiếng. 

Năm 2019, với chủ đề “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”, tôi hiểu là Hội LHPN Việt Nam muốn tiếp tục làm sâu sắc và mở rộng chủ đề của năm 2018. Rất ý nghĩa, nhưng hoạt động của Hội về chống thực phẩm bẩn, vì an toàn vệ sinh thực phẩm hãy còn quá mờ nhạt. 

Theo tôi, đã đến lúc Hội LHPN Việt Nam cần nghiên cứu, đề xuất cơ chế giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm, chống thực phẩm bẩn để mỗi hội viên, phụ nữ cùng hành động nhằm bảo vệ sức khỏe của chính mình và gia đình mình. Đủ sức khỏe, các chị em mới có thể tham gia học tập, lao động, sáng tạo và hạnh phúc. 

Trần Thị Hoa (khu phố 2, Quang Trung, P.11, Q.Gò Vấp, TP.HCM)  

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI