Học sinh đánh nhau như phim, cả lớp bàng quan: Bao giờ chấm dứt?

15/03/2021 - 06:30

PNO - Dù là đứa trẻ đánh bạn hay bị bạn đánh thì cảnh tượng đó cũng trở thành những đoạn ký ức buồn mà mỗi đứa trẻ phải trả giá bằng cảm xúc tiêu cực khi lớn lên, hoặc uất ức hoặc hối hận…

Sự lặng thinh đáng sợ

Những cái tát túi bụi, những cú giật tóc thô bạo, đập đầu đối phương xuống đất, dùng chân đá liên tiếp vào mặt... xung quanh là những chiếc điện thoại loang loáng đang quay, không một lời can ngăn, chỉ có những giọng nam nữ bình luận đầy phấn khích. “Đánh cho mày nhớ, đánh cho mày hết nhiệt luôn... Đây là hiện trường hai chị đại lớp mình đang đánh nhau... đóng cửa lại...”.

Cứ tưởng những cảnh rùng rợn như vậy phải nằm trong một bộ phim bạo lực nào đó cần giới hạn độ tuổi người xem, nhưng không, nó diễn ra ngay trong lớp học, giữa những nữ sinh chỉ mới lớp Mười, còn khoác trên mình chiếc váy đồng phục. Cảnh tượng ấy diễn ra trong một video dài gần bảy phút khiến ai xem cũng sửng sốt đến… lặng người. 

Nữ sinh lớp Mười Trường THPT Phan Đăng Lưu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đánh bạn học tơi bời - Ảnh cắt từ clip
Nữ sinh lớp Mười Trường THPT Phan Đăng Lưu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đánh bạn học tơi bời - Ảnh cắt từ clip

Theo đại diện ban giám hiệu Trường THPT Phan Đăng Lưu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), nơi xảy ra vụ đánh nhau trên, các học sinh trình bày nguyên nhân là mâu thuẫn từ cấp II, nhưng cụ thể hơn nữa thì nhà trường đang tìm hiểu thêm.

Vào giờ ra chơi, lẽ ra giám thị sẽ đi kiểm tra liên tục, nhưng do cùng lúc đó, lớp khác cũng xảy ra sự việc cần giám thị xử lý. Hơn nữa, học sinh đóng cửa phòng nên giám thị không phát hiện. Trường phải tìm hiểu sự việc kỹ, họp hội đồng kỷ luật để có biện pháp xử lý kỷ luật đúng.

Sau sự việc, nữ sinh bị đánh được gia đình xin tạm nghỉ học hai ngày. Gia đình báo đã đưa đi khám và bác sĩ kết luận chỉ bị chấn thương phần mềm, tâm lý ổn. Khi làm việc với nhà trường và phụ huynh, nữ sinh đánh bạn tỏ ra hối hận và xin lỗi. 

Chỉ trong mấy ngày đầu tháng Ba, khi mà trường học vừa được mở cửa trở lại sau thời gian tạm dừng đến trường để chống dịch, lẽ ra học sinh phải háo hức vì được gặp lại bạn bè thì lại xảy ra nhiều vụ đánh nhau. Nguyên nhân có khi chỉ từ những xích mích trên thế giới ảo của mạng xã hội. 

Xung đột trên mạng xã hội Facebook, hai nhóm học sinh hẹn nhau ra quán nước rồi lao vào… “hỗn chiến“ như phim. Tối 4/3, hai nhóm học sinh của các trường THPT tại TP.Buôn Ma Thuột hẹn nhau ra quán nước giải quyết mâu thuẫn.

Đến khoảng 21g30, nhóm hơn mười học sinh đang ngồi tại quán nước thì bị một nhóm học sinh khác đi xe máy tới, xông vào quán dùng bàn, ghế đánh. Bị tấn công đột ngột, nhóm này chống cự, gây nên cảnh hỗn chiến, rượt đuổi nhau trên đường phố cho đến khi có người hô hoán “công an tới” thì nhóm đi xe máy mới lên xe bỏ chạy.

Để học sinh đánh nhau là sự thất bại của cả nhà trường lẫn gia đình. Nhưng, nhức nhối hơn chính là thái độ dửng dưng, bàng quan đến đáng sợ của những học sinh chứng kiến vụ việc.

Trong vụ nữ sinh đánh bạn ở Trường THPT Phan Đăng Lưu, khi bạn bị đánh dã man, một nữ sinh khác không can ngăn mà còn hùa vào đánh bạn. Vị hiệu trưởng nhà trường chua xót: “Sự việc xảy ra trong trường, là hiệu trưởng, tôi xin chịu trách nhiệm trước tiên. Tôi cũng rất buồn, vì dù đã giáo dục nhiều nhưng khi xem video tôi thấy các bạn cùng lớp ngồi đó mà không có hành động ngăn cản, hay xuống báo giáo viên, ban giám hiệu…”.

Nam sinh lớp 10 trường THPT Ngô Gia Tự (Daklak) bị đánh hội đồng trong nhà vẹ sinh (Ảnh cắt từ clip)
Nam sinh trường THPT Ngô Gia Tự (Đắk Lắk) bị đánh hội đồng trong nhà vệ sinh       (Ảnh cắt từ clip)

Khi học sinh im lặng thừa nhận sự thất bại của người lớn

Cô Trương Thị Bích Thủy, Hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương (Q.1, TP.HCM), chia sẻ: “Cảnh quay ngay bục giảng lớp học, những học sinh xung quanh hoặc ngồi yên bình phẩm, hoặc đi lại, cười trước camera hoặc phụ giúp nữ sinh đánh bạn. Tôi sợ và đau ngợp tim. Vấn đề xung đột dẫn đến ẩu đả, bạo lực ngay trong lớp học đã nhức nhối. Thái độ của những học sinh khác trong lớp mới khiến chúng ta lo âu”. 

Theo cô Thủy, gia đình, nhà trường phải làm gì để học sinh “có thái độ” trước cái xấu, cái ác. Nói học sinh bây giờ vô cảm thật ra không đúng. Học trò giờ hay lắm, biết nhiều, thông minh, giỏi giang, nhạy cảm. Nhiều em được đầu tư tốt, có điều kiện và cơ hội thể hiện năng lực cá nhân rất tốt. Vấn đề là các em chưa được trang bị kỹ năng nhận diện và xử lý tình huống. Các em sẽ lựa chọn cách mà mình cho là dễ nhất cho bản thân. Đó là không quan tâm - không phải việc của mình; không can dự - sợ hãi, sợ dính líu phiền phức; hùa theo cổ vũ vì đã quen nghe xem những cảnh tương tự...

Chúng ta thường xuyên nêu những câu chuyện điển hình để các em không thấy mình vô can. Đồng thời, bạn học mâu thuẫn chắc chắn các em đều biết, vậy thì phải tìm cách báo tin cho giáo viên. Khi có mâu thuẫn không tự mình giải quyết mà phải nhờ sự hỗ trợ của cha mẹ và thầy cô. Nếu không đủ dũng khí đứng ra thì tìm cách thông tin cho người lớn có giải pháp giải quyết… Và quan trọng là trong quá trình giáo dục, thầy cô cũng không nên áp đặt, thay vào đó dạy học sinh biết phản biện, phản kháng với cái chưa đúng. 

Thầy Lâm Vũ Công Chính

“Không phải đến lúc ngồi ở trường cấp III, ngay từ nhỏ, các em phải được trang bị cách thức nhận diện và bày tỏ. Dần dần sẽ thành phản xạ và kỹ năng. Trong môi trường học đường, không thể chấp nhận lối hành xử “anh, chị đại”. Thủ lĩnh, kẻ mạnh thực sự là người hiểu chuyện, đúng sai phân minh, lý tình thấu đáo; để có thể nắm tay và nâng người khác trên đôi vai của mình. Do đó, nếu học sinh có kỹ năng và biết bày tỏ chắc chắn sẽ ngăn chặn những hành vi xấu và bạo lực. Không nói ai nặng ai nhẹ về trách nhiệm gia đình - xã hội và nhà trường, nhưng chắc chắn các em phải được gia đình chỉ dạy, quan sát và uốn nắn từ bé”, cô Thủy phân tích. 

Thầy Lâm Vũ Công Chính, giáo viên Trường THPT Nguyễn Du (Q.10), cho rằng để sự việc xảy ra trách nhiệm trước nhất thuộc về nhà trường và phụ huynh, sau đó là những người làm chính sách giáo dục. Ngoài việc tìm ra nguyên nhân và xử lý những học sinh trực tiếp tham gia, nhà trường cũng cần có giải pháp với những học sinh thờ ơ trong lớp, rồi nhân rộng ra toàn bộ học sinh.

Người lớn phải giáo dục học sinh thấy sự việc không phải chuyện riêng của người khác, mình không đánh ngồi xem sẽ vô can. Dạy các em phải có trách nhiệm đúng mực, khôn ngoan đối với chuyện của lớp, của bạn và những người xung quanh. Hiện nay, phụ huynh đang giao con cho nhà trường. Trong khi lẽ ra, cha mẹ phải là người dạy các con biết làm gì khi bị đe doạ, bắt nạt; phát hiện bạn bị bắt nạt, nguy hiểm...

Câu chuyện của youtuber Thơ Nguyễn vừa rồi cho thấy sự thiếu trách nhiệm của cha mẹ. Khi Thơ Nguyễn đóng kênh thì kênh của nữ youtuber này đã có hơn 8,7 triệu lượt theo dõi với hơn 6,3 tỷ lượt xem. Con số này cho thấy người lớn, cụ thể là cha mẹ, người thân đã có phần bỏ mặc con với thế giới mạng thượng vàng hạ cám thông tin; có phần vô can không phản ứng, không bày tỏ trước những điều xấu, phản giáo dục.

Tất nhiên, có sự bất lực trước xu thế tiếp cận văn hóa, công nghệ giải trí và sự kiểm soát quản lý mạng xã hội hiện nay. Phụ huynh nhất định phải có trách nhiệm với đứa con của mình trước khi cậy nhờ trường học hay một tổ chức xã hội nào. Không bạo lực với con nhưng phải nghiêm khắc với con. 

Học sinh gây lỗi chỉ việc xin lỗi, viết kiểm điểm, có thể lao động cấm túc vài ngày rồi lại đến lớp. Phải chăng chúng ta đang thiếu những chính sách mang tính hệ thống để đủ sức ngăn chặn bạo lực học đường. Thiết nghĩ Bộ Giáo dục và Đào tạo phải ban hành các chính sách, Quốc hội phải đưa bạo lực học đường vào luật, để bảo vệ học sinh và ngăn chặn các hành vi sai trái. Nhà trường, gia đình và xã hội cần dạy các em dũng cảm, lên tiếng trước cái xấu, cái ác. 

Liên tiếp nhiều vụ học sinh đánh nhau

Ngày 13/3, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo phòng chuyên môn xác minh đoạn clip trên mạng xã hội cảnh một số học sinh bị đánh trước cổng Trường THCS Đoàn Thị Điểm (TP.Buôn Ma Thuột). Theo nội dung đăng tải, một nhóm thanh thiếu niên đã lao vào đấm, đạp một số học sinh trên đường đi học về. Đây là vụ việc thứ năm liên quan đến học sinh ở tỉnh này “hỗn chiến”, đánh hội đồng bạn, bị chặn đánh… chỉ trong 15 ngày qua.

Do mâu thuẫn, hai nữ sinh Trường THPT Xuân Trường (tỉnh Nam Định) đã hẹn nhau tới trường rồi kéo vào nhà vệ sinh đánh nhau, sau đó tung clip lên mạng xã hội. Theo báo cáo ngày 11/3 của nhà trường gửi Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh này, nguyên nhân sự việc bắt đầu từ việc học sinh L.P.A. (lớp 10A5) và nhóm bạn có xích mích với một nhóm khác tại thị trấn Xuân Trường (trong nhóm này có nữ sinh N.T.T.H., học lớp 11A11, cùng trường).

Vì thế, nữ sinh H. hẹn P.A. ra nhà vệ sinh khu nhà C của trường, đóng cửa lại và đánh P.A. Sau đó, H. yêu cầu những người chứng kiến không được thông tin sự việc tới ban giám hiệu. Tuy nhiên, thông tin sau đó được phát tán lên Facebook. Học sinh quay lại clip là P.T.K.D. (học sinh lớp 11A11). 

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI