Học bổng "Nữ sinh hiếu học, vượt khó" lần thứ 26: "Em biết mơ gì?"

19/08/2016 - 16:41

PNO - Tuổi 15, và cả giấc mơ nữa - có thuộc về những mối ràng buộc cơm áo đời thường kia không? Và nói như Tuyền, giữa cái “bộ lọc” khắc nghiệt ấy, “em còn biết mơ gì?”...

“Nghề của chị Hai một tháng kiếm được bao nhiêu tiền?”. Đang loay hoay tháo đai ra khỏi bộ võ phục sau buổi tập luyện, Tuyền khựng lại trước câu hỏi của em gái. Cô bé 12 tuổi ngồi dưới sàn nhà, vẫn đang ngước lên chờ câu trả lời. “Chị Hai” hờ hững ngồi xuống, thừ người: “Chị không biết, chắc nghèo”. Tuyền ngồi thẫn thờ. Câu hỏi hồn nhiên của em gái như xoáy lần nữa vào nỗi dằn vặt bấy lâu của Phan Thanh Tuyền (P.6, Q.Gò Vấp), khi đam mê đi ngược với mơ ước thoát nghèo.

Vừa tròn 15 tuổi, học giỏi, lại có năng khiếu taekwondo, từng đoạt huy chương vàng trong kỳ Hội khỏe Phù Đổng TP.HCM năm 2016, lại được chọn vào đội tuyển thành phố - mỗi lần nhắc đến ước mơ theo đuổi võ thuật, Tuyền lại thấy mẹ vừa gắng gượng, vừa như cố lờ đi: “Mẹ chỉ có thể ủng hộ con trong khả năng của mẹ”...

Hoc bong
Phan Thanh Tuyền

“Khả năng” của chị Liêu Mỹ Trinh, mẹ Tuyền, gói gọn trong gánh rau mỗi sáng ở chợ An Nhơn (Q.Gò Vấp) và thời gian hạn hẹp của một bà mẹ đơn thân trước gánh lo học hành và đưa đón con. Hàng quán ngày một ế ẩm. Buổi chợ chiều chị Trinh cố vớt vát bấy lâu bằng cách bưng hàng rau ra trước đường bán tới 9g đêm cũng không cải thiện thu nhập là mấy. Chị nuôi con 15 năm trong cảnh giật gấu vá vai, thiếu hụt đủ đường. Thấy Tuyền học giỏi, chị từng mơ ước con thi vào trường kinh tế, học một ngành “hot”, đặng kiếm một chỗ làm tốt mà thoát nghèo. Nhưng, từng ngày, phát hiện năng khiếu và giấc mơ của con, bao nỗi mừng lo cứ chập chờn trong chị cùng với cảnh nghèo khó suốt bao năm, vừa kiếm từng miếng ăn, chăm chuyện học, vừa nuôi đam mê của con.

Sinh đứa con thứ hai chưa được bao lâu, chồng chị Trinh đã phải bỏ nhà đi vì nợ nần. Hai ba năm sau anh mới trả hết nợ, gia đình lại đoàn tụ. Nhưng từ bấy đến nay, cứ đến mùa bóng đá, anh lại thua độ rồi mang nợ, bỏ đi. Mọi cuộc trở về kèm theo những lần lữa, giằng co với chủ nợ của ba, Tuyền đều chứng kiến. Rồi em lại chứng kiến việc mẹ bất đắc dĩ lâm cảnh nợ nần khi gánh hàng nhỏ chỉ đủ lo tiền chợ, tiền điện nước. Mỗi lần cần đóng tiền học, hoặc sắm sửa đầu năm học cho con, mẹ em lại phải đi vay.

Ba năm nay, chồng đi biệt. Thu nhập của chị Trinh ngày một bấp bênh. Gian hàng vì thế bao phen toan đóng cửa. Năm rồi, đợt trở trời mùa sắp tết, cả ba mẹ con đều bệnh. Thuốc thang không đáng là bao nhưng chi phí bất thường ấy thâm vào những đồng vốn chẳng nhiều nhặn của chị Trinh. 27 tết, mẹ con vừa bình phục thì chị Trinh chỉ còn đúng 150.000đ. Những ngày ấy, nhìn con âu sầu, lo lắng, trong khi bè bạn đã xúng xính áo váy mới, chị nuốt nước mắt.

Lớn lên trong trong cảnh nợ nần của ba, túng bấn của mẹ, chị em Tuyền dần quen với việc tự lập. Những nhu cầu vật chất em đều dè dặt cân nhắc. “Chín năm nay, con bé tự đi học, tự lo liệu hết. Chỉ mỗi việc kiếm tiền, nhưng mỗi lần đến hạn nộp học phí, cả nhà vẫn phải lao đao, mẹ con buồn bã xoay xở khắp nơi mới có tiền nộp. Mỗi lần cầm giấy thông báo nộp tiền về, con bé lại thậm thò, dè dặt mãi mới dám nói với mẹ”, chị Trinh quệt nước mắt, nói.

Bù lại, Tuyền học giỏi. Suốt chín năm học, em luôn thuộc tốp những học sinh giỏi nhất lớp. Không có tiền học thêm, mỗi lần về đến nhà, em lại lấy sách vở ra học lại lần nữa kiến thức trên lớp. Xoay vần với cơm áo, lắm lúc, chị Trinh khóc thầm khi thấy con thiếu hụt, thua kém.

Mùa hè năm Tuyền học lớp 3, thấy bạn bè con được theo học nhiều khóa học hè, chị Trinh đưa con ra Nhà thiếu nhi Q.Gò Vấp cho con giải trí bằng cách… nhìn các bạn học. Lần ấy, được phát cho tờ giấy in thông tin các môn học của Nhà thiếu nhi, thấy lớp học taekwondo có học phí thấp nhất, chỉ 50.000đ/khóa, chị Trinh gợi ý con theo học. Chẳng ngờ, cơ duyên ấy đã đưa Tuyền đến với giấc mơ taekwondo. Chỉ sau ba tháng theo học, em được thầy đưa đi thi đấu và giật huy chương vàng trong kỳ thi Hội khỏe Phù Đổng thành phố năm ấy.

Một thời gian ngắn sau đó, chị Trinh kiệt sức vì không thể vừa bán buôn, vừa đưa con từ Gò Vấp sang nhà thi đấu Phú Thọ mỗi ngày để luyện tập. Việc học võ của Tuyền gián đoạn, nhưng ở trường, em vẫn là cô nữ sinh giỏi văn hóa, siêu thể thao, từng đại diện trường đi “giật giải” ở các cuộc thi cấp thành phố. Thi thoảng, chị Trinh lại nghe Tuyền nhắc lại giấc mơ taekwondo. Nhưng hoàn cảnh không cho phép chị bỏ chợ mà đưa đón con. Mới đây, thầy giáo cũ liên hệ, thuyết phục, nhận Tuyền vào đội tuyển taekwondo thành phố, chị Trinh mới tạo điều kiện để con “nối lại” giấc mơ.

Với Tuyền, cả việc học ở lớp lẫn việc luyện taekwondo đều như những cánh cửa để em bước ra khỏi những mặc cảm về hoàn cảnh gia đình. Để rồi, khi ước mơ vô tình chắp cánh từ đó, cô bé 15 tuổi lại vướng víu bởi một nhận thức mơ hồ mà em gọi là “trách nhiệm của một đứa con nhà nghèo”, rằng: “Theo võ thuật thì lấy gì nuôi mẹ, nuôi em?”. Tuổi 15, và cả giấc mơ nữa - có thuộc về những mối ràng buộc cơm áo đời thường kia không? Và nói như Tuyền, giữa cái “bộ lọc” khắc nghiệt ấy, “em còn biết mơ gì?”...

Nam Yên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI