Học bổng "Nữ sinh hiếu học, vượt khó" lần thứ 26: Vì ước mơ của nội

17/08/2016 - 10:00

PNO - Trong ánh mắt thơ ngây của cô học trò lớp 5 ánh lên nỗi buồn và cả sự quyết tâm. Cô bé mơ học đến đại học, như điều bà nội mong ước...

Nằm trong con hẻm nhỏ của đường Hồ Thị Kỷ, sát bên chợ hoa rực rỡ sắc màu, nhưng cuộc sống của bà cháu cô bé Trần Ngọc Trinh suốt mười mấy năm qua thường chỉ có gam màu trầm vì quá vất vả, khó khăn. Bà Trần Thị Thành, bà nội của bé Ngọc Trinh, bảo cái gác gỗ nhỏ xíu của bà cháu, chừng 1m5 chiều ngang, 2m chiều dài ngày nắng thì nóng như hun, còn lúc mưa thì vừa bị dột, vừa bị tạt, nước văng tứ bề.

Đồ đạc trong căn gác, từ cái tủ gỗ nhỏ xíu đựng quần áo, đến những hộc nhỏ bằng nhựa để đựng tập vở của Trinh, đều là những món bà Thành lượm lặt, xin về khi đi lượm lặt ve chai. Tươm tất và ít cũ kỹ hơn là cái bàn xếp để Trinh ngồi học, được mấy chị sinh viên trong hẻm để lại khi chuyển nhà đi. Căn gác nhỏ không chỉ là chỗ ăn nghỉ của bà cháu, mà còn là nơi người bà tần tảo, nghèo khổ hàng ngày cố nuôi giấc mơ cuộc đời mình, cuộc đời cháu.

Bà Thành thở dài, thương xót kể, ba mẹ Trinh cùng sống và lớn lên trong con hẻm nhỏ nghèo này, rồi thương yêu nhau, sống với nhau lúc nào chẳng ai nhớ, cho đến khi bé Trinh ra đời. Trinh hai tuổi thì ba bị bắt vì sử dụng ma túy. Mẹ Trinh vốn là một cô gái ngây ngây dại dại nên nuôi dạy Trinh rất khó khăn. Nghèo đói, khổ sở nên mẹ Trinh thường để con ở nhà rồi đi bán vé số.

Hoc bong
Ngọc Trinh và bà nội

Cô bé không người chăm sóc cứ té lên té xuống, có khi té cầu thang, đầu sưng như quả bóng. Xót cháu nội, bà Thành đưa Trinh về nuôi. Một thời gian sau, mẹ Trinh cũng bỏ đi mất vì mắc nợ người ta, từ vài trăm đến một triệu chỗ này chỗ kia, nhưng lãi mẹ đẻ lãi con nên không trả nổi. Ngọc Trinh lớn lên trong tình thương yêu của bà nội.

Bà Thành kể gia đình bà đông anh chị em, rồi bây giờ đông cháu chắt. 20 con người chen chúc trong căn nhà nhỏ cha mẹ để lại. Nhưng cũng chỉ có một đứa cháu học cao nhất nhà là đến lớp 10, còn lại chỉ biết đọc biết viết. Đưa Trinh về nuôi, thương đứa con dại dột, đứa cháu gần như mồ côi, bà chỉ ước mong Trinh được học hành. Bà bảo lao động bằng sức lực, đến khi kiệt sức là đói nghèo chứ nếu lao động bằng chữ nghĩa, hết sức vẫn còn đường kiếm ăn. Bà quyết tâm dạy cháu học dù chính mình cũng chỉ biết đọc biết viết.

Ngọc Trinh được học hành dưới sự dạy dỗ, kèm cặp của bà nội. Vốn chữ không bao nhiêu, chỉ đủ cho bà hàng ngày đọc sổ báo bài của cháu nội mà nhắc cháu học, đọc những phê bình, nhận xét về cháu của cô giáo để mà kèm cặp và nhất là để bà chảy nước mắt khi lần đầu tiên nhìn thấy bốn điểm 10 trong sổ liên lạc của cháu. Niềm vui nỗi buồn, bà đặt hết vào chuyện học hành của cháu. Dù mệt mỏi đến đâu, ngày nào bà cũng thức cùng Trinh, cháu học bài đến giờ nào bà thức đến giờ đó. Thức cho cháu vui, cháu khỏi lủi thủi một mình, mà cũng có khi để “canh” cháu đừng làm biếng mà ngủ gục. Những ngày thi cử, cứ 5g sáng, bà đánh thức cháu dậy học bài, 11g đêm còn lần mò đi kêu cho cháu tô hủ tíu gõ hay làm gói mì cho cháu ăn.

Biết những yêu thương, hy sinh của bà dành cho mình, Ngọc Trinh luôn cố gắng học. Năm năm học cấp I, chỉ có năm lớp 3 là cô bé không được học sinh giỏi vì bị bệnh vào giữa kỳ thi, phải thi lại sau đó một mình. Chưa làm gì đỡ đần cho bà, Trinh chỉ biết mang về cho bà những điểm 10 để bà vui. Nhìn bạn bè học thêm, được bố mẹ yêu thương đưa đón, có khi Trinh cũng thèm khát, mong muốn, buồn tủi.

Những khi đi mua giấy báo, người ta bán sách cũ, bà để ý, lọc lựa sách bài tập mang về cho Trinh làm thêm. Không được đi học thêm, Trinh tự trau dồi ở nhà bằng những cuốn sách bài tập bà xin được, mua được. Thấy Trinh tủi thân vì không có bố mẹ bên cạnh, bà bảo Trinh cái người có, mình không có, nhưng có khi cái mình có, người lại không có. Đó là Trinh có bà nội yêu thương chăm sóc. Nghe lời bà, Trinh không còn thấy buồn nữa. Em cố gắng học giỏi, ngoan ngoãn nghe lời bà, bóp chân tay thoa dầu khi bà mệt, bệnh. Một già, một trẻ, cùng yếu ớt nương tựa vào nhau, từ sự cố gắng đến niềm vui, nỗi buồn mà sống.

Bà nội Trinh năm nay đã trên 60, tuổi chưa phải quá già, nhưng bà bệnh nhiều, sức khỏe rất yếu. Cách đây mấy năm bác sĩ phát hiện khối u trong dạ dày của bà, đã trải qua vài ca mổ nhưng cảnh nghèo khiến bà đành bỏ mặc chuyện bệnh tật của mình. Bao nhiêu sức lực cuối đời, bà dồn hết cho chuyện học hành của đứa cháu gái tội nghiệp.

Có những ngày không cất mình lên nổi sàn nhà, trong người đau đớn, mỏi mệt, nhưng nghĩ đến những khoản tiền học phải đóng cho cháu, tiền ăn cho cháu hàng ngày, bà Thành lại như được vực dậy. Vừa buôn bán ve chai, vừa lượm lặt ngoài đường, một ngày bà kiếm được vài chục nghìn đến trăm nghìn. Đó là tất cả khoản tiền dành cho ba bà cháu (bà còn nuôi thêm một cháu ngoại năm nay 21 tuổi nhưng không có sức khỏe để tự lo cho mình), cho cả người con trai trong tù thỉnh thoảng bà lại khăn gói đi thăm.

Chỉ vào hai cái bao treo trên tường, bà kể ngày nào buôn bán có dư ra chút đỉnh, hai bà cháu lại mua khi thì gói mì, khi thì gói cà phê, ký đường bỏ vào đó. Bao giờ hai cái bao đầy thì mới đi thăm con được. Kể rồi bà cười buồn, “mong cho nó mau ra tù. Nó có hứa sẽ tu tỉnh làm ăn, phụ tôi nuôi con Trinh ăn học. Chứ tôi là bác sĩ chê rồi. Bây giờ chỉ biết lo cho cháu được ngày nào tốt ngày đó. Không biết có được hai - ba năm nữa hay không”. Nghe bà nói, Trinh ngước mắt nhìn bà. Trong ánh mắt thơ ngây của cô học trò lớp 5 ánh lên nỗi buồn và cả sự quyết tâm. Cô bé mơ học đến đại học, như điều bà nội mong ước và ngày đêm hy sinh để cháu mình có thể đến gần với mục tiêu đó.

Song Văn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI