Học bổng "Nữ sinh hiếu học, vượt khó" lần thứ 26: Biến nỗi đau thành động lực

08/08/2016 - 13:59

PNO - Nằm bất động trên giường bệnh khoa Chấn thương Chỉnh hình (Bệnh viện Chợ Rẫy) suốt hai tuần qua, không đêm nào chị Nguyễn Thị Thanh Bé (Q.Thủ Đức, TP.HCM) có được giấc ngủ ngon.

Hành hạ, dằn vặt chị không hẳn vì cơn đau đớn triền miên của thể xác, đến từ bàn chân và cánh tay giập nát sau tai nạn bất ngờ; mà là cảm giác đầy sợ hãi, bất lực, kinh hoàng khi bị chiếc container lao vào mình. Cảm giác ấy khiến chị day dứt nhớ đến chồng - anh Phạm Sinh, ba năm trước cũng ra đi trong một tai nạn…

Một tối tháng 7/2012, không thể cam tâm nhìn gia đình mãi lâm vào tình cảnh bữa đói bữa no, anh Sinh bàn với vợ sang Lào mưu sinh. Nghề đốn, xẻ gỗ thuê trong rừng sâu nước bạn tuy vất vả nhưng cho thu nhập khá. Ngậm ngùi, đấu tranh với chính mình, cuối cùng vì gánh áo cơm nặng trĩu, chị Bé dằn lòng để chồng đi. Nào ngờ, qua hôm trước, hôm sau anh gọi về, cố bình thản nhưng giọng nói buồn thiu không qua mắt được chị. Tỉ mẩn hỏi chuyện, chị ôm ngực bật khóc, thương chồng đã chọn công việc hiểm nguy, đầy vất vả; lại đối mặt với khó khăn, thiếu thốn nơi rừng thiêng nước độc. Cay đắng hơn, công việc của anh, người làm thuê chịu nhận lương theo “gói” - một cách chủ xưởng giữ chân nhân công.

Hoc bong
Quế Trân chăm sóc mẹ ở Bệnh viện Chợ Rẫy

Mong ước mỗi tháng gửi về cho vợ con vài triệu đồng của anh, vì thế đã không thành hiện thực. Sợ vợ buồn, anh Sinh an ủi: “Nhận theo “gói” thì mai mốt mình làm được nhiều thứ hơn, như sửa lại chái bếp hay mua sắm cho sắp nhỏ ít đồ”. Thế nên, ba tháng sau, hay tin mẹ đổ bệnh, anh xin phép về thăm, năn nỉ mãi mà chủ xưởng không ứng một đồng lương. Chạm mặt người thân, anh bứt tóc trần tình: “Lần sau, con sẽ mang tiền về”… Chị Bé xót xa hồi tưởng, rằng, ngày đó, anh về được là vui, chẳng ai trách gì, nhưng mặc cảm cứ đeo bám người đàn ông suốt những ngày anh gần gũi gia đình. Bữa cơm nào dọn ra, nhìn rổ rau chén mắm, anh Sinh lại thở dài: “Thu nhập cũng được vài ba trăm ngàn đồng/ ngày mà tôi để mẹ già, vợ con khổ vầy đây!”.

Mẹ vừa khỏi bệnh, anh lại cập rập lên đường. Nhìn chồng gom mớ quần áo cho vào túi, chị Bé cay mắt, khuyên: “Hay anh đừng đi nữa. Ở lại rồi tìm việc gì làm, mình có gì ăn nấy, khổ sở cũng được nhưng vợ chồng, con cái có nhau”. Anh buồn bã lắc đầu: “Phải tiếp tục thôi, nếu không ba tháng lương vừa qua mình sẽ mất trắng”. Gửi gắm mẹ cho chị, ôm hôn con rồi anh lại sang Lào. Lời hứa đến tết sẽ cố thuyết phục chủ cho ứng tiền quay về đưa vợ con mua sắm, thêm một lần thất hẹn. Người chủ xưởng giữ chân anh không cho về, bảo chỉ trả lương vào tháng sau, khi anh về giỗ cha. Vậy mà, giỗ cha đến gần, niềm vui mong ngóng, đợi chờ ngày anh về đầy lên trong người thân thì bất ngờ điện thoại chị Bé đổ chuông. Đầu dây bên kia là số máy của anh, nhưng giọng nói của người lạ. Họ bảo anh đã mất. Đốn cây gỗ cuối cùng để kết thúc ngày làm việc rồi khăn gói về quê, chẳng ngờ cây gỗ ngã không đúng chiều, đổ ập xuống người anh.

Quê nhà đón anh trong một chiều mưa tầm tã. Mẹ anh xót con, đổ bệnh. Chị Bé bần thần suốt đám tang. Trong cơn bấn loạn của thân nhân anh, vị chủ xưởng người Lào bỏ đi không lời nhắn. Mất mát nguôi ngoai, chị Bé giật mình: “Số tiền nửa năm anh bán sức giờ nơi đâu?”. Giật mình rồi tất bật hỏi thăm, đến đâu, chị cũng nhận cái lắc đầu. Một người bạn của anh chỉ dẫn chị phải lặn lội đi tìm người chủ xưởng. Nhưng, “Tôi thân cô thế cô, một tiếng Lào bẻ đôi không biết, đường sá lại chẳng rành thì biết tìm ông ấy ở đâu” - chị Bé cám cảnh.

Thi thoảng, trong câu chuyện gợi nhắc chồng, chị Bé tủi thân, bảo cảm giác mình bọt bèo, nhỏ bé, muốn đi tìm công bằng cho anh Sinh mà đành bất lực. Cuộc sống túng bấn, chút tiền nong hiển nhiên chị rất cần. Nhưng, trên tất cả, chị tự hỏi, liệu anh có an lòng nhắm mắt khi cật lực làm việc đến bỏ mạng xứ người, lại tiêu tan công sức? Người mẹ già của anh, 80 tuổi, không chịu nổi nỗi đau, bất công ấy, thường vào ra thở dài trong buồn phiền, tiếc xót. “Sợ mẹ đổ bệnh, tôi thôi không dám đề cập chuyện của anh, “rủ” mẹ “quên đi”, vì, ở đâu đó chắc chồng tôi cũng chẳng muốn người thân mình ôm tức tưởi” - chị Bé kể.

Nỗi buồn nguôi ngoai, hai năm nay, các con chị - em Phạm Nguyễn Ngọc Trâm (lớp 9) và Phạm Nguyễn Quế Trân (lớp 6) đã có thể thay mẹ chăm sóc bà nội tuổi cao. Chị Bé thôi nghề gia công nút dây với đồng lương vài chục ngàn đồng/ngày để đi tìm việc khác. Chị đến trung tâm dịch vụ việc làm xin được chân tạp vụ. Nhưng mức lương ba triệu đồng/tháng vẫn không đủ chi tiêu, nuôi các con ăn học, thuốc thang cho mẹ chồng. Đánh vật với khó khăn, chị kiếm thêm thu nhập bằng cách đi bỏ mối cà phê. Ngày 15/7 mới đây, đang trên đường giao cà phê cho khách, chị gặp nạn. Chiếc container mất lái, “ủi” chị từ sau lưng…

“Hay tin mẹ bị xe tông, chị em con sợ lắm, ngày xưa ba con cũng bị tai nạn, nên…” - Ngọc Trâm rưng rưng, bỏ lửng. Thời gian mẹ nhập viện, Trâm và em gái chia nhau người ở nhà lo cơm nước, trò chuyện với nội, người vào bệnh viện chăm sóc mẹ. Vậy mà, hễ thấy con đến với mình, chị Bé… “mắng”: “Ai bảo con lên đây. Ở nhà lo cho nội rồi ôn luyện bài vở đi chứ. Mẹ tự lo cho mình được mà!”. Năm ngoái, tham gia kỳ thi học sinh giỏi môn hóa cấp quận, đạt điểm số cao, Ngọc Trâm hiện được các thầy cô bồi dưỡng cho kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố. Không kém chị, giỏi tiếng Anh, Quế Trân cũng ấp ủ ước mơ thành “ứng viên” của Trường THCS Tam Bình dự kỳ thi học sinh giỏi cấp quận.

Chị Bé khoe: “Quế Trân giỏi đều các môn, nhưng lại thích tiếng Anh nhất”. Sẽ không ai ngờ rằng, động lực để Quế Trân học tiếng Anh, là muốn… đi tìm lẽ công bằng cho cha. Ba năm trước, Quế Trân ngây thơ, rằng: “Mẹ ơi, dù không biết tiếng Lào, nhưng giỏi tiếng Anh mình cũng nói chuyện được với ông chủ của ba đó mẹ”. Ngày ấy, ôm con gái vào lòng, chị Bé chảy nước mắt: “Ừ, con ráng học giỏi để ba vui”…

Biết mình được báo Phụ Nữ trao học bổng, Quế Trân xa xăm: “Nếu ba còn sống, ba sẽ dẫn con đi nhận phần thưởng này”. Rồi cô bé ngây thơ, ngày nhỏ, ba thường cõng em lên ủy ban phường nhận quà. Gia đình thuộc diện xóa đói giảm nghèo, mỗi khi có trợ cấp, khi bịch đường, chai mắm lúc dăm ba ký gạo, anh Sinh hay rủ con đi cùng. Và, Quế Trân vẫn còn nhớ như in, lần đi nào anh Sinh cũng mộc mạc nhắn nhủ: “Cha con mình nghèo quá nên Nhà nước phải hỗ trợ. Con ráng học, ba ráng làm để gia đình thoát nghèo, nha con”.

Phong Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI