Học bạ không có lỗi

17/01/2024 - 06:12

PNO - Theo đề án tuyển sinh năm 2024 của nhiều trường đại học (ĐH) tốp đầu, xét tuyển bằng học bạ đã không còn là một trong những phương thức được lựa chọn. Việc này khiến dư luận có ý kiến trái chiều: nhiều người ủng hộ bỏ xét tuyển bằng học bạ để đảm bảo tính công bằng, nhiều người lại băn khoăn vì như vậy là hạn chế cơ hội vào ĐH với học sinh vùng khó.

 

Xét tuyển ĐH bằng học bạ đã được nhiều quốc gia áp dụng bởi hình thức này có không ít ưu điểm như giảm áp lực thi cử cho cả nhà trường, thí sinh và phụ huynh; trường ĐH có thể chủ động trong việc tuyển sinh, có thể tuyển sinh sớm; giúp học sinh xác định rõ mục tiêu và tập trung được vào các môn thế mạnh. Bên cạnh đó, học bạ còn là công cụ theo dõi, đánh giá sát sao, toàn diện cả quá trình học tập và rèn luyện hạnh kiểm của học sinh trong suốt 3 năm học THPT.

Tuy nhiên, thực tế ở nước ta, từ năm 2020, Bộ GD-ĐT thực hiện đối sánh điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm học bạ thì kết quả cho thấy có tình trạng điểm học bạ cao, điểm thi tốt nghiệp thấp. Cuối năm 2022, cử tri tỉnh Thanh Hóa đề nghị Bộ GD-ĐT nghiên cứu bỏ việc xét tuyển ĐH qua học bạ, bởi thực tế đang nảy sinh nhiều tiêu cực trong việc “làm đẹp” học bạ và “chạy điểm” của các trường. “Làm đẹp” học bạ, “chạy điểm” là những băn khoăn đã dấy lên từ lâu trong dư luận; đặc biệt trong những năm gần đây, khi tình trạng “lạm phát điểm”, 30 điểm vẫn trượt ĐH diễn ra ngày càng nhiều. 

Thực tế đầu vào của một số trường cũng có những chênh lệch nhất định, quá trình học tập của sinh viên trúng tuyển bằng học bạ được nhận xét là không bằng sinh viên trúng tuyển bằng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Thậm chí có trường ĐH chỉ áp dụng phương thức tuyển sinh bằng xét tuyển học bạ chỉ 1 lần rồi hủy bỏ. Bên cạnh đó, việc kiểm tra, tiêu chí đánh giá, chấm điểm thi ở mỗi địa phương, mỗi trường, thậm chí mỗi lớp, mỗi giáo viên cũng chưa chắc đã đồng nhất nên khó đảm bảo được công bằng. Chưa kể bệnh thành tích cũng là yếu tố chi phối không nhỏ đến việc đánh giá, chấm điểm học sinh của các giáo viên, nhà trường; càng làm tăng thêm tính thiếu công bằng mà dư luận đặt lên phương thức xét bằng học bạ.

Song thực tế cũng cho thấy không phải địa phương nào cũng xảy ra tình trạng điểm học bạ cao, điểm thi tốt nghiệp THPT thấp. Ví dụ kết quả đối sánh điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023 và điểm học bạ lớp Mười hai tại nhiều trường THPT ở TPHCM cho thấy có sự tương đồng. Kết quả đối sánh tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp từ năm 2019-2023 của Trường ĐH Công Thương TPHCM cũng cho thấy gần như không có sự vênh nhau về chất lượng học tập, kết quả tốt nghiệp giữa sinh viên trúng tuyển bằng học bạ và sinh viên trúng tuyển bằng xét điểm tốt nghiệp THPT. 

Rõ ràng học bạ không có lỗi mà do không ít trường THPT đã biến 1 công cụ giám sát toàn diện thành 1 kết quả bị dư luận đặt nhiều nghi vấn về tính chính xác, công bằng. Các nhà nghiên cứu giáo dục cho rằng, chỉ khi nào các trường THPT trực tiếp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá phải chịu trách nhiệm về tính trung thực, khách quan của kết quả; đề kiểm tra định kỳ, kết quả chung theo lớp, theo khối… phải luôn được công khai trên trang web của trường; cũng như việc kiểm tra, đánh giá, thi cử, giám sát từ cấp sở phải được làm đầy đủ, nghiêm túc… thì khi đó kết quả ghi trong học bạ mới thực sự có giá trị. 

Minh Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI