Hoa thời chiến, hoa thời bình

25/07/2015 - 19:32

PNO - PN - Chiều 23/7, ba nữ thương binh Nguyễn Thị Mai, Đoàn Lê Phong và Lê Thị Tuyết Nga tươi tắn đến Nhà Văn hóa Phụ Nữ TP.HCM dự giao lưu Hoa giữa đời thường. Mỗi người là một “bông hoa đời”, lan tỏa lý tưởng, niềm tin yêu đến...

Bà Đoàn Lê Phong khiến buổi giao lưu rộn rã tiếng cười khi vừa kể chuyện đời vừa hát. Năm 18 tuổi, bà tham gia chiến dịch Mậu Thân 1968, bị thương ở tay, lưng và mắt. Bà cho biết, “Mém chút là tôi bị liệt luôn”. Có những thời điểm khốc liệt như lúc bà bị địch bắt ngày 23/8/1974, đưa đi đánh thừa sống thiếu chết nhưng bà quyết không khai. Người nữ thương binh 2/4 bảo: “Tôi là người vui vẻ, đi đánh giặc cũng vui, bị giặc bắt, ở trong tù vẫn cảm thấy vui. Niềm vui đó giúp đồng đội tôi vững tin hơn”.

Bà Lê Thị Tuyết Nga (thương binh 3/4) khiến mọi người bật cười khi nhắc lại biệt danh mà đồng đội đặt cho mình là Bảy T54. Bà thứ Bảy, dáng người cao lớn, tính cách mạnh mẽ, lúc nào cũng xông pha và hành động ào ào như xe tăng T54. Mới tám tuổi bà đã tham gia cách mạng. Từ một giao liên, bà nhanh chóng trở thành cán bộ chủ chốt trong chiến khu. Bà kể: “Hồi đó, mỗi khi thấy các anh tỏ ý không tin tưởng chị em là tôi lên tiếng ngay, bảo “các anh làm gì, chị em làm được hết, không tin, cứ giao cho tôi”.

Mới 12 tuổi, bà Nguyễn Thị Mai (thương binh 2/4) đã thuộc bài bắn súng “kề vai, áp má, nín thở, bóp cò”. Bà theo bộ đội vào Sài Gòn, năm 16 tuổi nhập ngũ và lập nhiều chiến công, nhất là công tác lập cơ sở cho biệt động thành. Bà nhớ mãi lời mẹ dặn “Con hy sinh thì mẹ buồn lắm, nhưng mẹ không buồn bằng việc con phản bội cách mạng”. Vì vậy, qua ba lần bị bắt và bị địch tra tấn dã man, bà chưa một lần để lộ thông tin.

Sau ngày giải phóng, ba “bông hoa chiến trường” tiếp tục tỏa sáng giữa thời bình. Bà Đoàn Lê Phong thể hiện khả năng làm phong trào ở cương vị Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Q.6, sau đó làm việc ở Sở Văn hóa-thông tin. Khi về hưu, bà vẫn nhiệt tình tham gia phong trào Hội LHPN tại Q.10. Bà Lê Thị Tuyết Nga thể hiện tinh thần ham học sau khi chiến tranh kết thúc: “Từ một người chỉ biết đọc, viết sơ sơ, tôi bắt đầu theo học lớp 2 và đã tốt nghiệp đại học”. Nhờ không ngừng nâng cao trình độ, bà Nga luôn hoàn thành tốt trọng trách được giao phó. Về hưu, bà chuyển hết phụ cấp thương binh (hơn một triệu đồng/tháng) cho quỹ hỗ trợ người nghèo.

Dù một mình chăm sóc mẹ chồng, chị chồng và hai con nhưng bà Nguyễn Thị Mai tham gia công tác Hội rất năng nổ. Bà kể: “Niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi là được xóm giềng quý mến. Tôi đã treo bảng bán nhà ba lần nhưng lần nào cũng phải hạ bảng xuống vì bà con trong khu phố đến nhà, năn nỉ tôi ở lại với mọi người. Bây giờ, trong khu phố, có những đôi vợ chồng cãi nhau, đánh nhau cũng chạy đến tìm tôi”.

Buổi giao lưu kết thúc trong không khí ấm áp khi ban tổ chức tặng hoa và quà cho 20 nữ thương binh đến từ Hội LHPN Q.6, 10, Tân Bình, Tân Phú nhằm tri ân các thương binh nhân kỷ niệm 68 năm ngày Thương binh- Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2015).

 TRẦN TRIỀU

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI