Họa sĩ Vũ Đình Tuấn: Kể chuyện dài qua những bức tranh nhỏ

28/02/2020 - 07:24

PNO - Vũ Đình Tuấn đang có triển lãm mang tên Câu chuyện tháng Giêng tại Hanoi Studio Gallery, ở đó, anh kể những câu chuyện lắng đọng, lẩn khuất bằng nét cọ mềm mại, tỉ mỉ, phảng phất sự ma mị, trừu tượng.

Trong giới mỹ thuật, Vũ Đình Tuấn khẳng định tên tuổi của anh với tranh lụa và tranh khắc gỗ. Với sự tìm tòi mới mẻ và sáng tạo, anh được nhiều cây bút phê bình nhận định là họa sĩ tranh lụa hàng đầu Việt Nam hiện nay. Bên cạnh đó, anh cũng dành rất nhiều tâm sức cho tranh nhỏ và tranh minh họa tác phẩm văn học.

Vũ Đình Tuấn đang có triển lãm mang tên Câu chuyện tháng Giêng tại Hanoi Studio Gallery, kéo dài đến hết ngày 1/3. Điều đáng ngạc nhiên là kho tranh nhỏ và tranh minh họa của anh có số lượng lên đến hàng trăm bức. Ở đó, anh kể những câu chuyện lắng đọng, lẩn khuất bằng nét cọ mềm mại, tỉ mỉ, phảng phất sự ma mị, trừu tượng. Con người, sự vật hay câu chuyện trong các bức tranh ngời lên vẻ đẹp nhiều màu, nhiều góc độ.

Họa sĩ Vũ Đình Tuấn
Họa sĩ Vũ Đình Tuấn

Phóng viên: Cái tên Câu chuyện tháng Giêng phải chăng là ngụ ý cho một câu chuyện trong trẻo về nghề mà anh muốn kể nhân tháng khởi đầu của năm?

Họa sĩ Vũ Đình Tuấn: Trong hành trình của tôi với hội họa, tranh nhỏ luôn song hành với tranh kích thước lớn. Khi còn là sinh viên mỹ thuật, tôi đã bắt đầu vẽ tranh nhỏ, tranh lụa. Những bức tranh nhỏ của tôi lúc đó có kích thước dưới 10cm.

Đến năm 2012, khi đạt được chút thành công, tôi mới bắt đầu vẽ tranh minh họa trên các báo Văn nghệ, tạp chí Văn nghệ Quân đội, tạp chí Heritage… Minh họa văn nghệ mang đến cho tôi niềm hứng khởi, một thế giới sáng tạo gắn liền với văn học. Hơn một nửa số tranh nhỏ trong triển lãm này là những minh họa văn nghệ.

Câu chuyện tháng giêng chính là chuyện đời, chuyện nghề, thông qua những bức tranh kích thước nhỏ. Những câu chuyện đó được chia sẻ trong tiết tháng Giêng đầu năm Canh Tý. Với tôi, đây còn là một cái cớ để gặp mặt bạn bè, đồng nghiệp và công chúng yêu nghệ thuật. Nhưng cái cớ đó đi cùng với những suy tư, những ý tưởng trong câu chuyện nghệ thuật.

* Phương thức và tư duy sáng tạo giữa tranh nhỏ, tranh minh họa và tranh lụa, tranh khắc gỗ có những khác biệt nào?

- Về phương thức và tư duy sáng tạo thì không có sự khác biệt nào cả. Có chăng là khác biệt về chất liệu. Mà đã là chất liệu thì không phân biệt tranh nhỏ, tranh lớn.
Riêng tranh minh họa thì có điểm khác. Loại tranh này được khơi nguồn từ văn học, lấy tinh thần cốt lõi trong tác phẩm văn học chuyển hóa ra ngôn ngữ tạo hình, cô đọng, hàm súc, không kể lể, không mô phỏng nội dung. Nó như một phiên bản khác bằng ngôn ngữ tạo hình, gợi mở và có đời sống độc lập.

* Anh có nói “tranh nhỏ và minh họa văn nghệ nhiều khi là khởi đầu của những tác phẩm lớn, nghệ sĩ lớn”. Vậy, những sáng tạo “nhỏ” này đã nuôi dưỡng và nâng đỡ tâm hồn và thủ pháp vẽ của anh như thế nào?

- Tôi nói thế về tranh nhỏ là bởi họa sĩ nào trong hành trình nghệ thuật cũng từng vẽ tranh nhỏ. Không ít tác phẩm nhỏ là gợi ý cho tác phẩm lớn. Những tác phẩm nhỏ không nuôi dưỡng, nâng đỡ tôi, nhưng lại có ý nghĩa quan trọng trong việc cân bằng đời sống nghệ thuật của tôi. Vì thế tranh nhỏ trong triển lãm lần này không là phác thảo, không phải tranh mini, mà là những tác phẩm hoàn chỉnh theo cách của riêng tôi.

Tôi nói như thế về tranh minh họa là vì tôi liên hệ đến trường hợp ngoài tôi, nhiều họa sĩ thành danh được nuôi dưỡng bằng quá trình sáng tác minh họa văn nghệ. Cá nhân tôi lại khác. Tôi đến với tranh minh họa khi bản thân đã có phong cách hội họa riêng, được các đơn vị báo chí mời cộng tác.

Tháng Giêng (14x28cm) Ảnh: HANOI STUDIO
Tháng Giêng (14x28cm) Ảnh: HANOI STUDIO

* Vẽ minh họa cho các tác phẩm văn học thường được hạn định trong các đề tài hoặc chủ đề mà tác phẩm đó đề cập. Có sự trói buộc nào ở đây không? Còn sự lặp lại trước những tác phẩm văn học cùng chủ đề thì sao?

- Tranh minh họa không kể lại văn chương, mà phải thể hiện được tinh thần cốt lõi của văn chương và nhìn nhận văn chương theo cách mà họa sĩ cảm nhận. Sự đặc biệt của dòng tranh này là nó cần đến sự nhạy cảm trong cảm thụ văn học, và tài năng của họa sĩ, để vẽ cho ra cái tinh đọng trong tác phẩm.

Chỉ có tác phẩm chung đề tài, mà không chung nội dung hay phong cách. Cũng vì thế mà không có sự lặp lại trong ngôn ngữ tạo hình. Người họa sĩ có thể thoải mái, bay bổng trong thế giới đó để sáng tạo.

* Vị trí của tranh minh họa ở thì hiện tại so với 10, 15 năm trước có thay đổi nhiều không, khi công nghệ và máy ảnh không ngừng phát triển?

- Minh họa văn nghệ từ lâu đã có vị trí quan trọng, không thể thiếu trên các trang báo, tạp chí. Tôi cho rằng, dù công nghệ và máy ảnh có phát triển đến mức nào đi nữa, thì vị trí ấy vẫn nguyên vẹn. Hội họa và văn chương cộng hưởng sẽ làm cho nghệ thuật thăng hoa, dù bản thân tác phẩm văn chương và tác phẩm hội họa đều có thể đứng độc lập.

Sự thay đổi là ở chỗ, giờ đây, ngày càng xuất hiện thêm nhiều tác giả vẽ minh họa văn nghệ. Họ trẻ, có tài năng, có cá tính sáng tạo góp phần vào sự phát triển của mỹ thuật, cống hiến cho công chúng nhiều tác phẩm giá trị.

* Cảm ơn anh đã chia sẻ

Hoàng Linh Lan (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI