Họ vẫn đang trong cuộc hành quân

21/12/2019 - 08:33

PNO - Họ tiễn đưa nhau như hai người lính, bởi cả quãng đời dằng dặc, họ đã gửi lại cho chiến chinh. Ngay cả khi sống giữa thời bình thì những người lính già ấy vẫn như đang trong một cuộc hành quân bất tận.

Trong lễ tang đại tá, anh hùng Nguyễn Văn Bảy, ông đến, như bao đồng đội tiễn đưa nhau, rồi nắn nót ghi: “Mới thoáng nào còn nhậu với nhau ở Tân Bình mà nay em đã đi rồi… Không ai được như em, kẻ thù bên kia đại dương còn khâm phục và thương mến. Trong tình báo có Phạm Xuân Ẩn cũng giống em ở điểm đó. Nay thì em ở trên mây để đi về trời, trước kia thì luồng trong mây để bắn máy bay địch…”.  Và ông chào người em đồng đội của mình bằng mấy câu thơ “thỏa chí tang bồng” của Nguyễn Công Trứ. Ông là đại tá Nguyễn Văn Tàu, tức Tư Cang, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Chính ủy Lữ đoàn 316. 

Ho van dang trong cuoc hanh quan
 

Nhớ hôm bà được phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, là một trong số ít được phong tặng năm 2018, phải sau mấy hôm, bà mới gọi cho tôi báo tin vui. Như một thói quen luôn bảo mật của một người hoạt động tình báo, bà bảo, cũng trao nội bộ thôi con, đơn sơ nhưng ấm cúng và thiêng liêng lắm. Cô nhớ chú, nhớ đồng đội quá con ơi...

Bà từng là tiểu thư Mỹ Nhung, hoạt động ngay trong lòng Bộ Tư lệnh Hải quân - quân đội Sài Gòn, người bỏ 24 cuộn phim Kodak do nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn thu thập được từ hàng ngũ cao cấp của chính quyền Sài Gòn vào trong giỏ xách, vượt qua hàng rào kiểm soát gắt gao để giao về cho tổ chức. Bà cũng chính là “cô em gái” của “ông anh thứ Tư” Nguyễn Văn Tàu, lúc đó là thiếu tá, chỉ huy Cụm tình báo chiến lược A18 - H63, đóng đô tại nhà riêng của bà, 136B Gia Long (nay là đường Lý Tự Trọng, Q.1, TP.HCM), tham gia thiết lập đường dây hoạt động tại nội đô Sài Gòn những năm tháng ác liệt. 

Tôi chưa bao giờ bắt gặp bà, hay bà Sáu Hộ bên Bình Thạnh trong bộ quân phục. Mà có lẽ, đời binh nghiệp của một nữ anh hùng như bà hay bao nhiêu khuôn mặt ẩn danh khác, khi cuộc chiến cứ âm thầm, khốc liệt giữa chốn sinh tử cận kề trong từng bữa ăn, giấc ngủ; trong mỗi nụ cười lẫn vẻ lả lướt dáng vóc ngay trước mặt kẻ thù thì lấy đâu ra một tiếng hô động lệnh. Nhưng cả đêm lẫn ngày họ sống trong từng khoảnh khắc dự lệnh. 
Vậy mà, hơn nửa thế kỷ sau, hễ nhắc đến con em, người thân của đồng đội còn sống cực sống khổ ở đâu đó là họ lại bươn bả lên đường. Như thể sợ mình đến không kịp. Không kịp giữ lời hứa với đồng đội, nếu sau này một trong mấy đứa còn sống, trở về…

Ho van dang trong cuoc hanh quan
Nụ cười hạnh phúc của điệp viên Tám Thảo - tức thượng úy Nguyễn Thị Mỹ Nhung - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân

Lạ là lẫn trong sự lãng quên, rồi khi được nhắc nhớ, được đề danh, họ vẫn giữ sự bình an, thư thái. Hôm tôi theo xe của nhóm Thành đoàn về thăm các “địa chỉ đỏ” ở Tây Ninh, những gương mặt kháng chiến còn nguyên dãi dầu, họ hầu hết đều không lành lặn. Một bữa cơm nhà nóng hổi, rót ly rượu đế, cụng nhau một tiếng để gọi là tiễn đưa năm cũ, “tụi mình còn sống, còn khỏe mà gặp nhau được zậy là zui rồi ha chị Tư, có gì thì dặn tụi nhỏ, ráng mà sống cho tốt, sống zui, sống đừng làm hại ai là ngon rồi…” - lời ông Ba Tài nói với bà Tư Tâm - vợ của liệt sĩ Tô Văn Tươi. 

Ho van dang trong cuoc hanh quan
Ông Ba Tài dặn dò đám nhỏ phải sống tốt, sống zui

“Vẫn ổn phải không con? Mà phải ổn, phải vững chứ, đâu lý gì…” - hễ mỗi lần gặp, thay cho lời chào là nụ cười hiền và lối hỏi thăm như dặn dò, động viên ấy của cô Tư Tâm. Chúng tôi nhận lấy đấy như một mệnh lệnh, một lời cam kết tự thân. Có trĩu nặng, có cam go mấy thì cũng ráng mà giữ, mà làm, chỉ sợ mình phụ lòng một thế hệ. 

Bởi trong thẳm sâu, họ đau đáu theo từng nhịp đập của đời sống xã hội, của vận nước lớn ròng từ mỗi trách nhiệm công dân. Họ chưa bao giờ hối tiếc về một khoảng trời thanh xuân nơi chiến trường, từng cận kề cái chết thì làm sao họ thờ ơ với mỗi vết rạn nứt trong nhân cách, những hố đen tham nhũng đang loang dần về thực tại.

Ho van dang trong cuoc hanh quan
Hạnh phúc của những người lính ngày gặp lại - Ảnh: Hoàng Như 

Trong những ngày tháng “chiến đấu” vừa qua, lần đầu tiên trong cuộc đời làm báo, họ xuất hiện không phải là nhân vật của tôi mà chính là điểm tựa, là sự thúc giục, là chốt neo giữ niềm tin và chứng lý vững chắc rằng, phải bảo vệ màu xanh cho đất nước, núi rừng, biển cả của nhân dân, bảo vệ sự trung chính của Đảng mà chính họ - đã một đời không ngưng nghỉ, không nao núng. 

Trong số họ, người là lãnh đạo cao cấp, từng đứng nơi đầu sóng ngọn gió của cuộc chiến chống tham nhũng; người là sĩ quan cao cấp tình báo vào sinh ra tử… May mắn thay cho những kẻ hậu bối kém cỏi như chúng tôi, lại được chính họ đặt lên vai hai chữ “đồng chí” - thiêng liêng, quý giá, được họ đồng hành trong cuộc chiến bảo vệ sự thật và lẽ phải. 

Để thấy, chiến tranh đã lùi xa nhưng vẫn còn bao cuộc chiến khác ngay giữa những năm tháng hòa bình này. Và phẩm chất người lính, từ họ, chúng tôi tự nguyện thẩm thấu phần nào để can trường hơn, quả cảm hơn mà cũng… xanh hơn trên mọi nẻo đường, trong mọi trận tuyến. 

Lê Huyền Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI