Hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trên sân khấu, màn ảnh: Hành trình nghệ thuật từ trái tim

19/05/2025 - 06:26

PNO - Tái hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trên sân khấu, màn ảnh luôn là hành trình nghệ thuật đặc biệt, đầy cảm hứng mà cũng không ít thử thách. Không đơn thuần khắc họa chân dung vị lãnh tụ kiệt xuất, đó còn là cách nghệ thuật thể hiện sự tri ân và trách nhiệm với công chúng - những người luôn giữ hình ảnh Bác trong tim bằng tất cả sự kính trọng và yêu mến.

Vầng sáng bất tận trên màn ảnh

Nhiều thập niên qua, hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là đề tài thiêng liêng và đầy cảm hứng với điện ảnh Việt Nam. Trên màn ảnh rộng, hình ảnh vị lãnh tụ kiệt xuất còn hiện lên như một con người bình dị, gần gũi, giàu lòng nhân ái, một biểu tượng văn hóa đặc biệt trong tâm thức nhiều thế hệ.

Tổ quốc nơi cuối con đường - tác phẩm giàu cảm xúc về thời gian Nguyễn Ái Quốc với tên gọi Tống Văn Sơ bị bắt và xử án  tại Hồng Kông (Trung Quốc) năm 1931 - ẢNH: NGỌC TUYẾT
Tổ quốc nơi cuối con đường - tác phẩm giàu cảm xúc về thời gian Nguyễn Ái Quốc với tên gọi Tống Văn Sơ bị bắt và xử án tại Hồng Kông (Trung Quốc) năm 1931 - ẢNH: NGỌC TUYẾT

Nếu phim tài liệu lưu giữ hình ảnh chân thực của Bác qua những sự kiện lớn thì điện ảnh mang đến những không gian cảm xúc giúp người xem hiểu hơn về tâm hồn, nhân cách và đời sống tinh thần sâu sắc của Người. Đây là hành trình nghệ thuật đòi hỏi cảm quan tinh tế, lòng tôn kính và bản lĩnh sáng tạo của nghệ sĩ.

Từ Hẹn gặp lại Sài Gòn (1990) - bộ phim truyện đầu tiên về Bác Hồ của đạo diễn Long Vân và biên kịch Sơn Tùng, hình ảnh người thanh niên Nguyễn Tất Thành rời quê hương tìm đường cứu nước đã khơi mở hành trình tái hiện chân dung Người qua nhiều tác phẩm giàu tâm huyết: Hà Nội mùa đông năm 46, Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông, Vượt qua bến Thượng Hải, Thầu Chín ở Xiêm, Nhà tiên tri… Mỗi bộ phim là một lát cắt, không lặp lại, không đơn thuần là chân dung chính trị mà đi sâu vào đời sống nội tâm của một lãnh tụ kiên định với lý tưởng nhưng rất đỗi đời thường, cẩn trọng, nhẹ nhàng, nhân hậu với đồng bào, đồng chí và cả người xa lạ.

Nghệ sĩ ưu tú Tiến Hợi, Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Trần Lực, NSND Bùi Bài Bình, nghệ sĩ Mạnh Trường…, mỗi người một phong cách, một lối thể hiện nhưng đều để lại dấu ấn riêng. Với họ, vai diễn Bác Hồ không chỉ là thử thách nghề nghiệp mà còn là cơ hội để chiêm nghiệm, tu dưỡng.

Một chi tiết nhỏ nhưng sâu sắc thường được nhắc lại là cảnh Bác châm thuốc trong Hà Nội mùa đông năm 46. Theo kịch bản, Bác bật diêm nhưng Nghệ sĩ ưu tú Tiến Hợi (người giữ kỷ lục đảm nhận hình tượng Bác Hồ trên sân khấu và màn ảnh) đã đề xuất thay bằng việc châm lửa từ ngọn đèn dầu bởi “Bác sống rất tiết kiệm. Một que diêm cũng đáng quý trong thời chiến”. Chi tiết ấy khiến đạo diễn Đặng Nhật Minh xúc động. Nó không chỉ làm phim chân thực hơn mà còn lan tỏa thông điệp sâu sắc về lối sống mộc mạc, chu toàn của Người. Giữa bối cảnh đất nước còn bộn bề kháng chiến, hình ảnh vị Chủ tịch châm thuốc bằng ngọn đèn dầu trở thành khoảnh khắc lắng đọng, nói lên rất nhiều điều về tấm lòng vì dân, vì nước và nếp sống giản dị đã trở thành một phần di sản tinh thần của Bác.

Vầng trăng thơ ấu – bộ phim giàu cảm xúc về thời thơ ấu của Bác Hồ (ảnh: đoàn phim cung cấp)
Vầng trăng thơ ấu – bộ phim giàu cảm xúc về thời thơ ấu của Bác Hồ (ảnh: đoàn phim cung cấp)

Năm 2024, bộ phim Vầng trăng thơ ấu của đạo diễn Hồ Ngọc Xum tiếp tục là điểm sáng. Phim kể về tuổi thơ nhiều mất mát của Nguyễn Sinh Cung - cậu bé hiếu động, nghịch ngợm mà giàu lòng trắc ẩn, sớm biết yêu thương những người xung quanh. Đây là bộ phim mộc mạc, dung dị nhưng rất ấm áp về Bác để giới trẻ hôm nay thêm yêu kính Người và tự nhắc mình phải sống tốt hơn mỗi ngày.

Sân khấu và hành trình vượt ranh giới sáng tạo

Ra đời không lâu sau khi Bác mất, Người công dân số một (tác giả Hà Văn Cầu - Vũ Đình Phòng) là vở sân khấu đầu tiên phác họa hình tượng Người với tất cả sự trân trọng, xúc động. Sau đó, hàng loạt tác phẩm thuộc đủ loại hình sân khấu: Lời Người, lời của nước non, Không còn đường nào khác, Những vần thơ thép, Đêm trăng huyền thoại, Người cầm lái, Cha - con và Tổ quốc… tiếp tục được giới thiệu đến khán giả. Mỗi vở là một lát cắt sinh động về nhân cách, tư tưởng và tấm lòng bao la của Bác.

Nhà viết kịch Ngọc Thụ - tác giả 9 kịch bản sân khấu về Bác - từng chia sẻ: “Viết về Bác là chạm vào một thế giới nội tâm thấm đẫm ánh sáng - nơi đạo đức không cất lên bằng giáo điều mà lan tỏa từ sự tử tế, khiêm nhường và giản dị đến lạ lùng”. Đó là thông điệp phải đấu tranh không khoan nhượng với những kẻ sâu dân, mọt nước ở vở Đêm trắng (tác giả Lưu Quang Hà). Vở diễn từng tạo nên cơn sốt vào thập niên 1980 đã được đạo diễn, NSND Xuân Bắc tái dựng trên sân khấu nhà hát kịch Việt Nam năm 2020 với hơn 100 nghệ sĩ, diễn viên, kỹ thuật viên tham gia biểu diễn. Đêm trắng được viết dựa trên một vụ án có thật thời kháng chiến chống Pháp, về một vụ tham nhũng quân nhu giữa lúc toàn dân đang vượt khó dồn sức cho kháng chiến. Sau nhiều đêm trắng suy nghĩ, Bác đã quyết định án tử hình cho kẻ đi ngược lại cuộc cách mạng của nhân dân. Vở diễn cũng từng được đoàn cải lương Sài Gòn 1 dựng vào thập niên 1990. Vai Bác Hồ đã mang về giải thưởng đặc biệt cho NSND Thanh Điền.

Đêm Trắng và bài học ý nghĩa về đầu tranh chống tham nhũng từ Bác (Ảnh: Nhà hát Kịch Việt Nam)
Đêm Trắng và bài học ý nghĩa về đầu tranh chống tham nhũng từ Bác (Ảnh: Nhà hát Kịch Việt Nam)

Là bài học ý nghĩa về công tác xây dựng Đảng, chăm lo đời sống nhân dân, Lá đơn thứ 72 (tác giả Hoàng Thanh Du) để lại dấu ấn với câu chuyện xúc động về việc Bác chỉ đạo điều tra lại một vụ án oan vào thập niên 1960.

Theo NSND Trung Kiên, thách thức lớn nhất khi dàn dựng các tác phẩm sân khấu về Chủ tịch Hồ Chí Minh là làm sao hấp dẫn khán giả mà không lặp lại dấu ấn của những tác phẩm trước. Chính thách thức đó trở thành động lực để các nghệ sĩ không ngừng tìm tòi, sáng tạo trong quá trình dựng vở.

Người cầm lái (biên đạo múa Tuyết Minh viết kịch bản và làm tổng đạo diễn) là vở nhạc kịch đầu tiên về Bác Hồ, được thực hiện với sự tham gia của gần 200 nghệ sĩ. Vở đưa khán giả theo dấu chân Người từ tuổi thơ đến hành trình tìm đường cứu nước. Tác phẩm kết hợp đại hợp xướng, giao hưởng và công nghệ hiện đại như 3D mapping, hologram… Người cầm lái mang đến trải nghiệm nghệ thuật đầy cảm xúc, đồng thời là lời tri ân sâu sắc gửi đến vị lãnh tụ vĩ đại, biểu tượng của khát vọng độc lập, tự do không chỉ cho Việt Nam mà cho cả những dân tộc bị áp bức trên thế giới.

Cũng trong nỗ lực tìm kiếm những sáng tạo mới, Nợ nước non (đạo diễn, NSND Triệu Trung Kiên dàn dựng dựa trên tiểu thuyết cùng tên của tác giả, phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ) là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa cải lương và các làn điệu dân ca vùng miền tạo nên một không gian nghệ thuật đậm chất truyền thống, giàu cảm xúc. Tác phẩm tái hiện tuổi trẻ của Bác trước khi ra đi tìm đường cứu nước, qua đó chuyển tải thông điệp về tình yêu quê hương, tinh thần hiếu học và khát vọng giải phóng dân tộc của cậu bé Nguyễn Sinh Cung, sau đó là người thanh niên Nguyễn Tất Thành.

Tại sân khấu phía Nam, nhà hát kịch Sân Khấu Nhỏ cũng thành công khi khắc họa hình ảnh Bác Hồ ở vở Dấu xưa (tác giả Nguyễn Thanh Bình, đạo diễn, NSND Trần Minh Ngọc). Vở diễn có cách kể rất khác khi xây dựng hình ảnh lãnh tụ - mộc mạc, ấm áp, không có khoảng cách giữa vị Chủ tịch nước và những người xung quanh. Ở Dấu xưa chỉ có một người cha, người ông chăm lo từng giấc ngủ, bữa ăn cho các con, các cháu. Cứ thế, vở diễn nhẹ nhàng chạm đến trái tim khán giả.

Một tác phẩm gây tiếng vang khác là Tổ quốc nơi cuối con đường (tác giả Lê Thu Hạnh, soạn giả Hoàng Song Việt chuyển thể, Nghệ sĩ ưu tú Lê Nguyên Đạt đạo diễn). Vở cải lương tái hiện giai đoạn cam go khi Bác hoạt động tại Hồng Kông (Trung Quốc) dưới tên Tống Văn Sơ. Hình ảnh vị lãnh tụ được khắc họa kiên định giữa gian nan nhưng cũng đầy rung cảm đời thường với nỗi nhớ cha mẹ, thương nhớ quê hương, qua đó truyền đi thông điệp mạnh mẽ về lý tưởng, tình yêu quê hương, nhân dân, đất nước và khát vọng độc lập dân tộc của Bác.

Xây dựng hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trên sân khấu, màn ảnh chưa bao giờ là việc dễ dàng, nhưng nghệ sĩ nào cũng mơ được thử thách một lần trong đời. Đó là hành trình nghệ thuật đòi hỏi sự chính xác về lịch sử và khả năng chạm vào cảm xúc người xem. Mỗi tác phẩm không chỉ kể lại cuộc đời của một vĩ nhân mà còn khơi dậy trong lòng người xem sự kính yêu, biết ơn và khát vọng sống tốt hơn. Bởi lẽ, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là lãnh tụ của một dân tộc mà còn là tinh hoa của tâm hồn Việt Nam. Hình ảnh Người trên sân khấu, màn ảnh không chỉ để tưởng niệm mà còn để soi sáng, đồng hành cùng mỗi chúng ta trong hành trình hướng đến sự tử tế, trách nhiệm và lòng yêu nước.

Hoa Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI