Hiểm họa từ thuốc “kích” cho trẻ ăn ngon miệng

02/05/2025 - 06:00

PNO - Lo lắng về tình trạng biếng ăn và mong muốn con phát triển khỏe mạnh khiến không ít phụ huynh tìm mua các sản phẩm “kích” ăn được quảng cáo tràn lan trên mạng. Tuy nhiên, việc uống thuốc không rõ nguồn gốc và chưa có chỉ định của bác sĩ tiềm ẩn nguy cơ khôn lường.

Thuốc chứa chất cấm

Mấy tháng nay, bé trai P.M.H. - 3 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TPHCM - ngủ không sâu giấc, không tăng cân. Lo con thiếu chất, người mẹ đã cho con uống bổ sung sắt, kẽm theo lời chỉ dẫn trên mạng và mua đủ loại thuốc được quảng cáo giúp bé ăn ngon miệng. Thế nhưng, bé H. ngày càng uể oải, không chịu chơi, hay bứt rứt và quấy khóc.

Thuốc trị biếng ăn được phụ huynh mua trên mạng không rõ nguồn gốc, được chia sẵn vào từng bịch - ẢNH: N.K.
Thuốc trị biếng ăn được phụ huynh mua trên mạng không rõ nguồn gốc, được chia sẵn vào từng bịch - ẢNH: N.K.

Thấy con xanh xao, người mẹ xót ruột và đưa đến khám tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh. Sau khi khám và làm các xét nghiệm, bác sĩ Trần Minh Tiến (Khoa Nhi của bệnh viện) phát hiện bé bị thiếu máu, thiếu sắt và suy dinh dưỡng khi chỉ nặng 10,5kg.

Điều đáng nói là gia đình đã cho trẻ uống nhiều loại thực phẩm chức năng quảng cáo trên mạng mà không mang lại hiệu quả nào. Việc tự ý bổ sung sắt và kẽm còn thực hiện sai cách. Bác sĩ Trần Minh Tiến đã hướng dẫn phụ huynh bổ sung sắt đúng liều lượng, cho bé uống sắt và kẽm cách nhau 1 buổi, bởi việc uống đồng thời sẽ làm giảm hấp thu của cả hai.

Bác sĩ yêu cầu phụ huynh ngừng ngay việc dùng sản phẩm hỗ trợ không rõ nguồn gốc, bắt đầu cho trẻ ăn uống khoa học và giảm lượng sữa tươi (bé đang uống khoảng 1 lít/ngày) xuống dưới nửa lít/ngày. Sau 1 tháng kiên trì, bé H. đã ăn uống ngon miệng hơn, da hồng hào, ngủ sâu giấc và không còn quấy khóc.

Bé trai Đ.V.T. - 4 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai - cũng biếng ăn và phải nhập viện do bị tiêu chảy nhiều lần khiến cơ thể mất nước, rối loạn điện giải. Nguyên nhân là do cha mẹ đã tự ý cho bé uống men vi sinh mua trên mạng với hy vọng cải thiện tiêu hóa và tình trạng biếng ăn. Tuy nhiên, sau vài ngày, bé bị tiêu lỏng liên tục, sụt cân và mệt mỏi.

Bác sĩ Trần Minh Tiến phân tích: việc uống men vi sinh không rõ nguồn gốc có thể gây ra tác động tiêu cực đến hệ tiêu hóa non nớt của trẻ, dẫn đến rối loạn hệ vi khuẩn đường ruột, tác dụng phụ từ chất phụ gia, hoặc phản ứng bất lợi từ hệ miễn dịch của trẻ.

Bác sĩ Đoàn Trịnh Nhã Khanh (Hội Nhi khoa Việt Nam) cũng thường xuyên tiếp nhận những trẻ gặp vấn đề sức khỏe do cha mẹ tự ý cho dùng thuốc kích thích ăn uống. Bé trai V.V.D. - 6 tuổi, ở tỉnh Bình Phước - được cha mẹ cho uống loại thuốc giúp ăn ngon không rõ nguồn gốc trên mạng, gồm 4 loại không nhãn mác bỏ chung từng túi và uống mỗi ngày 1 lần.

Sau 1 tháng, gia đình thấy bé ăn ngon và có tăng cân nhưng khuôn mặt tròn lên bất thường, quanh cổ xuất hiện những vệt da sậm màu. Mẹ đưa bé đi khám sau 1 năm dùng loại thuốc này, bác sĩ Nhã Khanh chẩn đoán trẻ mắc hội chứng Cushing do lạm dụng corticoid kéo dài.

Ngoài ra, còn có nhiều trường hợp trẻ sử dụng si rô ăn ngon miệng mà khi kiểm tra thành phần phát hiện chứa cyproheptadin - một chất gây buồn ngủ, khô miệng, mệt mỏi và ảnh hưởng đến trí tuệ nếu dùng kéo dài, hiện đã bị cấm sử dụng cho trẻ em.

Phải tìm ra nguyên nhân biếng ăn

Bé V.V.D. có gai đen ở cổ,  mặt tròn lên, biểu hiện  của hội chứng Cushing  do lạm dụng corticoid kéo dài - ẢNH: N.K.
Bé V.V.D. có gai đen ở cổ, mặt tròn lên, biểu hiện của hội chứng Cushing do lạm dụng corticoid kéo dài - ẢNH: N.K.

Bác sĩ Trần Minh Tiến lưu ý biếng ăn ở trẻ là tình trạng thường gặp, đặc biệt trong giai đoạn trẻ mọc răng, sau tiêm ngừa… Nếu trẻ vẫn chơi ngoan, ngủ tốt và tăng trưởng đều theo biểu đồ, thì có thể chỉ là biếng ăn sinh lý thoáng qua, không đáng lo ngại. Tuy nhiên, phụ huynh cần chú ý nếu tình trạng biếng ăn kéo dài trên 2 tuần kèm theo các dấu hiệu như sụt cân, chậm tăng cân rõ rệt, mệt mỏi, ít vận động, ngủ kém, cáu gắt, rối loạn tiêu hóa kéo dài, da xanh xao, dễ ốm vặt. Khi đó cần đưa trẻ đến cơ sở y tế khám ngay. Bác sĩ cũng nhấn mạnh không nên ép trẻ ăn quá nhiều trong 1 bữa, khiến trẻ sợ hãi và biếng ăn hơn. Thậm chí dẫn đến các phản ứng tiêu cực như la hét, ói hoặc giấu thức ăn. Thay vào đó, nên chia nhỏ bữa ăn và trang trí món ăn bắt mắt để kích thích trẻ ăn ngon miệng.

Bác sĩ Nhã Khanh cũng chỉ ra biếng ăn ở trẻ xuất phát từ nhiều nguyên nhân, bao gồm yếu tố tâm lý (bị ép ăn, la mắng, bữa ăn không vui vẻ), thể chất (đang bệnh, thiếu vi chất), hoặc thói quen xấu (ăn vặt trước bữa, lệ thuộc thiết bị điện tử, ăn uống sai giờ, lạm dụng sữa). Điều quan trọng là phải tìm ra nguyên nhân biếng ăn, chứ không phải ép trẻ ăn bằng mọi giá. Phụ huynh cần lưu ý về việc hiện diện của các chất độc hại như cyproheptadin và corticoid trong nhiều loại si rô ăn ngon không rõ nguồn gốc.

Corticoid không chỉ kích thích thèm ăn một cách nguy hiểm mà còn gây ra tác dụng phụ, gồm tăng cân giả, tích lũy mỡ bất thường và ảnh hưởng nghiêm trọng đến trục dưới đồi - tuyến yên - thượng thận, có thể dẫn đến suy thượng thận cấp, thậm chí tử vong nếu ngừng thuốc đột ngột.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI