Hậu quả khôn lường khi trẻ thể dục quá sức

17/10/2019 - 07:53

PNO - Tập thể dục và vận động nhiều là tốt nhưng nếu vượt quá giới hạn chịu đựng của bản thân thì lại trở thành con dao hai lưỡi.

Ngất vì thụt dầu, ngưng tim vì đá banh

Vấn đề này được PSG - TS Lê Thị Tuyết Lan, Phó chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam, cảnh báo. Bác sĩ Lan còn nhấn mạnh nhóm học sinh rất cần được lưu ý vì có đa số bệnh nhân đều không có biểu hiện bất thường nhưng triệu chứng bệnh tật chỉ bộc lộ lúc họ vận động gắng sức. 

Gần đây nhất là vụ việc xảy ra với một học sinh lớp Năm ở tỉnh Long An. Sau khi thụt dầu 100 cái trong giờ thể dục ở sân trường đã bị khó thở và ngất xỉu. Bác sĩ Lan cũng ghi nhận một nữ sinh vì thụt dầu quá sức mà bị tiêu cơ, từ đó sản sinh ra độc tố gây suy thận cấp. May mắn bệnh nhân này đã được chạy thận kịp thời, nhờ thế phục hồi và tránh được tử vong. 

Hau qua khon luong khi tre the duc qua suc
Nếu trẻ than mệt sau khi vận động nhiều hoặc các bài tập thể dục thì phụ huynh cần lưu ý và đưa trẻ đi kiểm tra sức khỏe - ảnh minh họa

Bác sĩ Diêu Hà Lam - Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện quận 2 - nhớ như in ca cấp cứu một nam sinh bị đột tử. Cậu bé ở tuổi thanh thiếu niên, tên N.V.Đ., cư trú tại quận 2, TP.HCM. Hôm đó Đ. chơi đá banh cùng bạn học ngay tại sân bóng gần bệnh viện. 

Kết thúc trận đấu, Đ. thấy mệt, khó thở và vẫn cố tự đi vào Khoa Cấp cứu của bệnh viện. Vừa tới nơi, cậu bé lăn đùng ra ngất, ê-kíp trực cấp cứu nháo nhào kiểm tra phát hiện bệnh nhân đã ngưng tim, ngưng thở, vội vàng làm hồi sức tim. 

May mắn, cậu bé xỉu ngay tại phòng cấp cứu nên được xử trí kịp thời. “Ca này sau khi hồi sức tim thành công chúng tôi đã chuyển lên bệnh viện tuyến trên điều trị tiếp. 

Đây không phải trường hợp duy nhất là học sinh, thanh niên sau khi thể dục thể thao phải đi cấp cứu vì đột quỵ ở bệnh viện chúng tôi nhưng tôi ấn tượng nhất vì cậu bé tự mình đi cấp cứu và ngưng tim vẫn may mắn thoát chết”, bác sĩ Lam chia sẻ.

Lưu ý khi trẻ than mệt

Một trường hợp khác là bé N.C.A., 4 tuổi, ngụ tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM, con gái chị P.H.V. Bé A. không hề có biểu hiện bất thường gì cho tới một hôm đi dã ngoại cùng lớp ở công viên. Sau khi chơi đuổi bắt, sinh hoạt các trò vận động cùng cả lớp, bé bỗng dưng tím tái khó thở. 

Hau qua khon luong khi tre the duc qua suc
Ảnh minh họa

Chị V. vội vàng đưa con vào Bệnh viện Nhi Đồng 2 khám mới biết con gái bị khởi phát cơn suyễn. Bác sĩ Trần Đắc Nguyên Anh - Phó khoa Nội 1, Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết ông hay gặp các phụ huynh đưa con tới khám do khởi phát cơn suyễn sau khi vận động với cường độ mạnh. Bác sĩ Đinh Tấn Phương - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi Đồng 1, cũng ghi nhận mỗi ngày đơn vị mình tiếp nhận ít nhất 2 - 3 trường hợp lên cơn khó thở, mệt mỏi, suyễn có liên quan tới vận động quá sức.

Bác sĩ Lê Thị Tuyết Lan giải thích khi trẻ chạy, tập thể dục, vận động nhiều với cường độ cao, bé sẽ có phản xạ há miệng để thở. Chính việc thở bằng miệng như vậy rất dễ dẫn tới tình trạng co thắt thanh âm (dây thanh đột ngột đóng lại) ngăn không cho không khí vào phổi.

Lúc này, muốn cấp cứu phải có chai thuốc xịt tác dụng làm giãn phế quản (vừa xịt vừa đưa đi bệnh viện). Não chỉ cần thiếu ô-xy 5 phút là tổn thương không hồi phục, mà các thầy cô cũng không thể có sẵn thuốc để cấp cứu. Bỗng dưng thấy một học sinh lăn đùng ra tím tái đương nhiên ai cũng ngớ ra, thậm chí dù lập tức đưa trẻ đi bệnh viện cũng không thể kịp trong 5 phút và điều gì xảy ra sau đó thì khó lường trước được.

Vậy cần làm gì để hạn chế bốn nguy cơ thập tử nhất sinh khi tập thể dục và vận động quá sức (nhồi máu cơ tim, xuất huyết não, tiêu cơ gây suy thận, co thắt dây thanh âm), đặc biệt đối với nhóm học sinh, người trẻ tuổi? Bác sĩ Lan khuyên, trước tiên là phụ huynh cần theo sát các than phiền về dấu hiệu cơ thể của con mình, đưa bé đi kiểm tra, test các chức năng tim mạch, hô hấp khi gắng sức nếu thấy cần thiết. 

Từ đó, có thể trao đổi với giáo viên thể dục, cùng với bác sĩ thiết kế những bài tập vừa sức hơn trong trường hợp con bạn bị các bệnh lý đặc biệt. Không chỉ thế, nếu phụ huynh muốn cho con học thêm các môn thể thao từ các trung tâm như gym, bơi lội, chạy... để tăng cường thể chất thì càng cần quan tâm xem cường độ tập luyện đó đã phù hợp với sức khỏe của con chưa. 

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI