Hậu phương ấm áp của "hậu phương cho tuyến đầu chống dịch"

11/06/2021 - 07:00

PNO - “Những ngày này, gia đình đã trở thành nguồn sức mạnh. Khi phụ nữ chúng tôi làm “hậu phương” cho tuyến đầu chống dịch thì gia đình là “hậu phương” của chúng tôi”.

"Thuận vợ, thuận chồng" cùng vượt qua ngày khó

Chị Huỳnh Thị Bảo Trân - Chi hội phó Chi hội Phụ nữ ấp 1, xã Hiệp Phước, H.Nhà Bè - có chồng là Nguyễn Minh Thân làm phụ hồ. Vợ chồng họ có hai con nhỏ đang học lớp Sáu và lớp Ba. Kinh tế dù còn nhiều khó khăn, nhưng nhờ dè sẻn trong chi tiêu nên cuộc sống gia đình cũng tạm ổn. Rồi dịch COVID-19 đến, anh Thân thất nghiệp, một mình chị Trân loay hoay với cơm, áo, gạo, tiền. Có lúc vợ chồng cũng lời qua tiếng lại, nhưng lại nghĩ: còn biết bao người khó hơn mình, nên anh chị lại nhắc nhau câu “thuận vợ, thuận chồng” để cùng vượt qua ngày khó.

Cái khó nối tiếp cái khó hơn khi ấp 1, xã Hiệp Phước, nơi gia đình họ ở, có một khu vực bị phong tỏa. Đã thất nghiệp lại thêm giãn cách xã hội, việc tìm một công việc tạm thời để có thu nhập là hết sức khó khăn. Chị Trân thấy lòng như lửa đốt. Nhưng khi mọi nguồn lực xã hội được vận động để chăm lo cho người dân trong các khu cách ly, chị Trân không muốn vì cái khó của gia đình mà mình trở thành người ngoài cuộc. Vậy là chị tham gia bếp ăn phục vụ người dân trong khu cách ly. Với 80 suất ăn, chị phải mang bao công việc về nhà. Thế nhưng khi nhận nguyên liệu từ Hội Phụ nữ xã, thấy bữa ăn có vẻ eo hẹp, chị Trân đã đi vận động thêm 10kg thịt và bỏ thêm 500.000 đồng mua trứng, rau để suất ăn được đầy đặn và đủ chất hơn. “Mình không dám nói với chồng, sợ đang thất nghiệp, tâm lý bức bối, mà lại còn bày biện ra… nên lẳng lặng làm một mình”, chị Trân kể.

Chồng và con trở thành "trợ thủ" đắc lực của chị Bảo Trân trong những ngày chị bận rộn tham gia chống dịch

Ngược lại với lo lắng của chị, sau vẻ ngạc nhiên ban đầu, anh Thân không những không cằn nhằn mà còn chủ động phụ vợ đi chợ, nấu nướng và chở các suất ăn đi phục vụ. Hai đứa trẻ trong đợt nghỉ hè, thấy ba mẹ bận rộn làm hậu phương chống dịch, cũng tình nguyện làm chân sai vặt của mẹ…

Không chỉ nấu cơm, chị Trân còn thường xuyên pha các loại thức uống để hỗ trợ lực lượng trực tại khu cách ly. Và từ lúc nào không hay, chồng đã trở thành một shipper chuyên nghiệp cho chị. Những ngày chị bận rộn chuyện “bao đồng”, anh Thân thay chị lo chuyện nhà, coi ngó và chăm sóc con. Sự hỗ trợ của anh và hai đứa trẻ đã góp phần giúp chị Trân hoàn thành nhiệm vụ. 

Với anh Thân, trong những ngày qua anh cảm thấy mình “có ích” hơn khi không phải ra vào với tâm trạng “vô tích sự”. Hai con cũng học cách tự chăm sóc, phục vụ bản thân khi mẹ lăn xả ngoài 
xã hội.

Gia đình, bạn bè luôn bên cạnh

Không còn ăn vận váy đầm và giày cao gót đến công sở như hằng ngày, trong những ngày chống dịch, chị em phụ nữ Q.Gò Vấp thay bằng quần lửng, dép lê. Văn phòng của Hội trở thành nhà kho với gạo, đồ ăn đóng hộp, dầu ăn, đường, mắm, muối… Thời gian làm việc của chị em cũng tăng từ 8 lên 12 tiếng, không có thứ Bảy và Chủ nhật. Diễn biến dịch bệnh bất ngờ, số con hẻm bị phong tỏa tăng mỗi ngày. Không ít chị em tham gia chống dịch rồi trở thành F1, F2 phải thực hiện cách ly. Nhật ký tham gia chống dịch của chị em là chuỗi ngày dài làm công tác tuyên truyền, vận động, đi chợ, nấu cơm, đưa cơm phục vụ lực lượng đang làm nhiệm vụ ở các chốt chặn, kiểm soát dịch bệnh…

Chị Lê Thị Vịnh (bên trái) cùng phụ nữ Q.Gò Vấp tham gia trực chiến chống dịch
Chị Lê Thị Vịnh (bên trái) cùng phụ nữ Q.Gò Vấp tham gia trực chiến chống dịch

Đã hơn mười ngày trôi qua từ ngày Q.Gò Vấp thực hiện giãn cách xã hội, chị Lê Thị Vịnh - Ủy viên Thường vụ Hội LHPN Q.Gò Vấp - luôn có mặt để đồng hành chống dịch. Ngay từ những ngày đầu, chị đã liên lạc với những người bạn, các mạnh thường quân để hỗ trợ tức thời cho người dân khu vực bị phong tỏa. Thầy Phan Hồ Hải - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Công Trứ - chở ngay đến 520kg rau củ quả, 2.400 hộp cá hộp, 2.000 khẩu trang y tế, 100 phần quà cho lao động nhập cư. Những ngày tiếp theo, tin nhắn điện thoại reo liên tục. “Chúng tôi nhận được rất nhiều tin nhắn động viên, hỗ trợ từ các gia đình, bạn bè và cả người lạ. Tôi trân quý tất cả những tấm lòng” - chị Vịnh nói. 

Chị cho biết thêm: “Những ngày này, gia đình đã trở thành nguồn sức mạnh. Khi phụ nữ chúng tôi làm “hậu phương” cho tuyến đầu chống dịch thì gia đình là “hậu phương” của chúng tôi”. Mỗi ngày, chị Vịnh rời khỏi nhà từ 6g và tối mịt mới trở về. 23g, trên đường về nhà, chị nhận điện thoại báo xe chở lương thực chuẩn bị đến chốt, chị lại quay xe trở lại. Mọi chuyện trong nhà, từ đi chợ, nấu cơm, giặt giũ… đều do chồng và con trai quán xuyến. Thế nhưng, chồng con không phàn nàn mà ngược lại còn luôn động viên chị giữ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ.

Sức mạnh “hậu phương”

Chị Phạm Huỳnh Anh Thư - Chủ tịch Hội LHPN P.13, Q.3 - kể: “Khi P.13 có một điểm phong tỏa tạm thời. Từ 17g đến 2g sáng hôm sau, chị có mặt cùng các lực lượng vận động hơn 200 hộ dân tham gia lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 ngay trong đêm”. Ngay lúc công việc áp lực nhất, chị nhận được sự quan tâm, động viên từ chồng rằng phải cẩn trọng, giữ gìn sức khỏe, và đừng lo chuyện nhà vì hai đứa con năm và sáu tuổi đã có ông bà trông giữ giúp. Trong ba ngày thực hiện phong tỏa tạm thời, chị Thư đảm nhận nhiệm vụ đi chợ, phân chia thực phẩm giúp bà con bên cạnh sự đồng hành của các dì, các chị ở chi tổ Hội.  

Chiều tối 8/6, chị Nguyễn Thị Thủy - Chi hội phó Chi hội Phụ nữ ấp Tam Đông 3, xã Thới Tam Thôn, H.Hóc Môn - chuẩn bị ngâm nếp để nấu 200 phần xôi tặng những người lao động khó khăn. Vào cuối tháng Năm, một phần tổ 122 và tổ 123, ấp Tam Đông 3 với khoảng 110 hộ dân, 400 nhân khẩu thực hiện cách ly. Tự thấy mình không thể đứng ngoài cuộc, chị Thủy đã túc trực tại chốt phong tỏa để hỗ trợ các lực lượng làm nhiệm vụ, hỗ trợ bà con trong khu cách ly, sắp xếp thực phẩm thiết yếu để tiếp tế cho từng gia đình. Nhiệt tình và khéo ăn nói, chị Thủy cùng ban nhân dân ấp vận động nhu yếu phẩm và cung cấp thực phẩm tươi sống cho bà con khu vực cách ly phòng dịch với tổng kinh phí khoảng 65 triệu đồng. 

Phụ nữ xã Xuân Thới Sơn nấu cơm và chuẩn bị món tráng miệng chi viện cho khu cách ly
Phụ nữ xã Xuân Thới Sơn nấu cơm và chuẩn bị món tráng miệng chi viện cho khu cách ly

Vợ chồng chị Thủy có hai con đã lớn, một đang trong quân ngũ và một tham gia dân quân xã. Anh Thảo, chồng chị Thủy, cho biết: “Kinh tế gia đình không khá giả, chỉ có mình tôi là lao động chính, nhưng vợ làm điều đúng thì tôi ở phía sau ủng hộ”. Vì chị Thủy suốt ngày ở ngoài điểm cách ly nên anh Thảo xin làm việc tại nhà để giúp vợ lo toan trong ngoài và cũng để đảm bảo an toàn sức khỏe cho đồng nghiệp. Cứ vài tiếng anh lại gọi điện hỏi thăm tình hình, nhắc chị cơm nước, nón mũ giữ gìn sức khỏe. 

Tại xã Xuân Thới Sơn, H.Hóc Môn, đến thời điểm hiện tại tình hình khá ổn định, nhưng với tính chủ động chị Nguyễn Thị Hồng Quyên - Chủ tịch Hội LHPN xã - vẫn gửi hai con nhỏ cho mẹ và bà ngoại để cùng chị em trong chi hội nấu cơm phục vụ các điểm cách ly bên xã Xuân Thới Thượng giáp ranh. Mỗi ngày, hai bếp ăn của các chi hội nấu 200 suất ăn. Chồng chị, trong thời gian làm việc tại nhà, cũng tình nguyện làm người vận chuyển. Chị Quyên còn vận động 100 phần quà hỗ trợ phụ nữ khó khăn, đảm nhận công việc giám sát tình hình đời sống, sinh hoạt của bà con, vận động bà con nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. 

Phòng, chống dịch bệnh là nhiệm vụ cấp bách và chị em phụ nữ không thể đứng ngoài cuộc. Với sự chu đáo, đảm đang, các chị đang làm rất tốt nhiệm vụ “hậu phương” cho tuyến đầu. Nhưng để họ “xốc vác” với bao chuyện “hậu phương” cho tuyến đầu thì “hậu phương” của họ là chồng, là con, là gia đình, bạn bè cũng đóng góp một phần đáng kể. 

Song An - Khánh Lâm

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI