Hầu đồng đang bị biến tướng và trục lợi

17/02/2016 - 19:03

PNO - Hầu đồng vốn là một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân, nhưng giờ đây nó đang bị biến dạng, bị trục lợi.

Hau dong dang bi bien tuong va truc loi
GS-TS Ngô Đức Thịnh

GS-TS Ngô Đức Thịnh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng, Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa Việt Nam, chia sẻ với phóng viên báo Phụ nữ về những biến dạng của nghi lễ hầu đồng.

* Trong một hội thảo quốc tế về hầu đồng, nhà nghiên cứu người Mỹ Frank Broschan từng nhận định rằng đây là một “kho tàng sống của di sản văn hóa Việt”. Ông có thể phân tích kỹ hơn về điều này?

- Đánh giá này rất đúng. Hầu đồng là một nghi lễ tổng hợp, tích hợp những giá trị văn hóa nghệ thuật được dân gian đúc kết từ bao đời nay, từ văn học, âm nhạc, rồi vũ đạo, mỹ thuật, kiến trúc, lễ hội dân gian và nghệ thuật trình diễn... Ở khía cạnh âm nhạc, hầu đồng đã sinh ra một loại hình nghệ thuật rất đặc biệt, đó là hát chầu văn.

Về vũ đạo, riêng nghiên cứu trong hầu đồng, đã có hàng chục điệu múa như múa kiếm, long đao, đi chợ, múa quạt, chèo thuyền, thêu hoa, dệt gấm... rất mềm mại, đề cao nữ tính. Nếu vào một bảo tàng bình thường, bạn có thể chiêm ngưỡng những bức tượng, quần áo, các nhân vật lịch sử bằng đồng, đá… Nhưng đây là một sinh hoạt sống, nhân vật sống, tất cả các sinh hoạt văn hóa đều sống động, người ta còn đối thoại với các vị thần linh; khi các vị giáng đồng, người ta có thể hỏi về cái này, cái khác. Đó là nơi tiếp cận giữa con người trần tục và thần thánh.

* Theo giáo sư, qua thời gian, hầu đồng hiện còn giữ được bao nhiêu phần trăm giá trị nguyên gốc?

- Về cơ bản thì nó vẫn như thế, nhưng biến dạng đi nhiều. Có hai loại biến dạng. Một là xã hội Việt Nam thay đổi, các hiện tượng văn hóa cũng phải cập nhật với xã hội hiện đại. Đó là sự biến đổi tự thân, không thể khác, vì đó là quy luật. Nhưng có một sự biến đổi khác. Vì mục tiêu này, vì mục tiêu kia, hoặc do không hiểu biết, nghi lễ hầu đồng ở nhiều nơi đã bị biến tướng, bị “vật chất hóa”.

Cái nguy hiểm nhất của đời sống tín ngưỡng Việt Nam bây giờ là đã bị trục lợi với nhiều hình thức, làm hỏng đời sống tín ngưỡng của chúng ta. Trước đây, khi nghi lễ chưa bị biến dạng nhiều, hầu đồng chỉ diễn ra ở quy mô “tùy tâm biện lễ”, “lòng thành thắp một nén nhang”. Còn hiện nay người ta quá coi trọng lễ vật, họ cho rằng càng nhiều lễ vật thì thần linh sẽ che chở, nên cái gì cũng phải to, phải nhiều.

Biến tướng chủ yếu là ở phương diện lợi dụng, trục lợi từ những người tham dự. Sự trục lợi này đã biến hầu đồng từ một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng thành mê tín dị đoan. Do biến dạng mà giới hầu đồng phân thành hai loại: đồng nhập (đồng mê) và “đồng đú” (đồng đua), trong đó đồng nhập là những người hầu đồng chuyên nghiệp, có căn cốt thực sự, còn "đồng đú" không có căn cốt nhưng hầu đồng để nhằm mục đích “vật chất hóa”. Đáng buồn là bây giờ “đồng đú” nhiều hơn đồng nhập.

* Ngoài lý do kinh tế, những căng thẳng trong xã hội cũng khiến hầu đồng phát triển hơn?

- Tốc độ phát triển chóng mặt tại các đô thị lớn dẫn tới trật tự xã hội bị đảo lộn, các quan hệ xã hội truyền thống bị phá vỡ, tạo tâm lý bức xúc, dồn nén trong đời sống văn hóa; niềm tin vào bản thân, vào cộng đồng bị giảm sút khiến người ta phải tìm kiếm chỗ dựa khác là niềm tin tâm linh từ các lực lượng siêu nhiên như trường hợp hầu đồng.

Dung Nhi (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI