Hầu đồng, bói toán lại vào mùa

17/02/2016 - 19:08

PNO - Đầu năm, hàng nghìn khách thập phương đã đến các đền chùa cầu may. Các tệ hầu đồng bói toán, mê tín dị đoan đua nhau mọc lên "móc túi" du khách.

Hau dong, boi toan lai vao mua
"Cô" Bảy xem bói bằng lá cây

TP. HCM: Hầu đồng lên ngôi

6g sáng 16/2, hàng trăm khách thập phương đã có mặt tại các bến đò Trường Thịnh, Hương Sơn, hợp tác xã Bình Mỹ… (P.Long Bình, Q.9) chờ lên đò sang chùa Phước Long nằm trên một cồn nhỏ giữa sông Sài Gòn. Khoảng hai giờ sau, lượng khách càng đông hơn.

Khoảng 10g, chùa Phước Long chật kín du khách. Không như những năm trước, xung quanh chùa không còn nhìn thấy các dịch vụ hầu đồng, bói toán. Tuy nhiên, dịch vụ này không giảm mà còn nhiều hơn khi len vào các con hẻm xung quanh. Theo một “cò” nơi đây, muốn được hầu đồng phải đăng ký trước để các “cô” xếp lượt.

Sau khi phóng viên (PV) thắp hương xong, bất ngờ một phụ nữ khoảng 50 tuổi vừa bước đến gần, vừa gọi lớn “Thần tài, thần tài”. Người phụ nữ tự giới thiệu: “Cô Hai nhìn thấy tài, lộc năm nay của con rất tốt, nhưng có lấy được không phải xem mới biết”. Vừa dứt lời, “cô” kéo PV ra phía sau một lùm cây gần đó. Tại đây, gần chục người đang túm tụm ngồi nghe “cô” Năm, “cô” Bảy phán… 

Cách chùa Phước Long khoảng 1km là chùa Hội Sơn. Khách đến không đông bằng chùa Phước Long, nhưng các “cô”, các “thầy” không ít hơn. PV vừa đến cổng chùa đã gặp ngay một thanh niên sấn tới chèo kéo: “Xem vận số không anh trai, năm nay có “cô” Bảy trên núi Bà Đen xuống kìa”. Thanh niên này kéo tay PV ra phía sau chùa. “Cô” Bảy ngồi khuất sau một gốc cây đang xem vận số cho một số người, bằng… lá cây.

Tại chùa Bà Châu Đốc 2 (H.Nhà Bè), các “cô”, các “thầy” hoạt động rầm rộ không kém, nhưng kín đáo hơn. Khách có nhu cầu sẽ được một số người dẫn đến gặp các “cô”, các “thầy”. Tại đây, PV được một phụ nữ dẫn đến gặp “cô” Hiền trong một ngõ nhỏ gần chùa. Để gặp “cô”, PV phải bước qua một cánh cổng luôn khép hờ.

“Cô” Hiền ngồi trong một căn phòng nhỏ, nhang khói nghi ngút. Vừa gặp, “cô” đề nghị PV đốt 15 cây nhang rồi quỳ lạy trước năm bàn thờ trong phòng không rõ thờ gì vì toàn chữ Tàu. PV vừa xong “thủ tục”, “cô” nói ngay: “Ở đây “cô” xem là phải “lên đồng” mới chính xác nên con đưa “cô” 50.000đ”. PV đưa 50.000đ. “Cô” cắt một nhúm nhỏ tóc của mình gói vào, để lên đĩa, đồng thời rí t thuốc phì phèo liên tục.

Sau khi xem tuổi, tướng số, đường làm ăn thông qua chỉ tay, cuối cùng, đến màn “lên đồng”. “Cô” ngồi im khoảng ba phút, bất ngờ nhảy bần bật lên. Cổ họng như nấc cục liên tục, “cô” chỉ tay vào mặt PV phán: “Ngươi, phải cúng cho ta”. “Cô” lặp đi, lặp lại ba lần rồi tỉnh lại hỏi, “cô” đã nói gì. PV thuật lại, “cô” thở dài: “Trước nhà con có rất nhiều người khuất mày, khuất mặt nhìn vào. Con lại không chịu cúng hoặc cúng không đúng cách họ không nhận được”.

PV tỏ ra lo lắng, “cô” trấn an: “Thôi được rồi, con đã đến với “cô” là có duyên, “cô” sẽ giúp. Nhưng đừng quên ơn “cô” nhé”. “Cô” đọc những lời cúng vái rất dài, đề nghị PV ghi lại. Đang đọc giữa chừng, “cô” dừng lại tỉnh rụi: “Cô làm hết lòng vì con đấy nhé. Ở đây, “cô” xem cho ai cũng thưởng cho “cô” từ 200.000đ - 300.000đ” - “cô” nói. “Cô” đọc tiếp, sau đó kết thúc, PV đưa “cô” 200.000đ, đồng thời lấy lại 50.000đ tiền cúng. Nhưng “cô” nhanh tay chộp lại ngay 50.000đ, khó chịu ra mặt: “Đây là tiền cúng, con lấy về xui chết, để “cô” mang đi… đốt giải hạn cho con”.

Hà Nội: Tiền lẻ rải khắp đền, chùa

Quyết liệt trước những tệ nạn nảy sinh trong mùa lễ hội được xem là công tác “khởi động” năm trật tự văn minh đô thị của Hà Nội. Ghi nhận của PV, tại nhiều khu vực đền, chùa, nạn “chặt chém” tại các bãi đỗ xe đã giảm hơn nhiều so với thường kỳ.

Tại phủ Tây Hồ, Quận đoàn Tây Hồ đã bố trí điểm trông giữ xe miễn phí với sức chứa hơn 10.000 xe mỗi ngày. Khu vực chùa Trấn Quốc, đền Quán Thánh (Tây Hồ) cũng tổ chức thu đúng giá là 3.000đ/xe máy và 30.000đ/ô tô. Còn tại đền thờ Bia Bà (Hà Đông), tuy các bãi giữ xe tư nhân liên tục chèo kéo du khách từ đầu làng nhưng mức giá cũng chỉ 5.000đ/xe máy…

Tuy nhiên, hiện tượng mê tín dị đoan, đỏ đen biến tướng vẫn tràn lan ở nhiều khu vực. Tại đền thờ Bia Bà, hàng chục quầy dịch vụ viết sớ mọc lên san sát từ cổng vào. Nhiều “thầy đồ” không chỉ viết chữ Nho mà còn kèm theo dịch vụ xem tướng, xem chỉ tay… để đoán vận hạn, duyên số. Nhiều tấm biển quảng cáo được đặt ngang nhiên trên mặt bàn, còn nhiều điểm “kín đáo” hơn thì vẽ hình bàn tay, kèm theo dòng chữ Nho, đủ để du khách nhận biết.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI