Hành trình “nối chữ” cho học trò nghèo của những thầy giáo “tay ngang”

24/03/2022 - 10:27

PNO - Những lớp học được ra đời từ tình thương và sự đồng cảm vẫn ngày ngày nối dài con đường học hành cho bao đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn…

Giữ gìn những viên ngọc quý

Vốn mồ côi cha và có tuổi thơ cơ cực nên khi nhìn thấy những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn, không được học hành đàng hoàng, anh Huỳnh Quang Khải (32 tuổi, ngụ tại quận 12, TPHCM , hiện sống bằng nghề kinh doanh xe bánh mì) đã đồng cảm và quyết định lập nên lớp tình thương Ngọc Việt năm 2010 tại phường Hiệp Thành, quận 12. Năm 2018, nhận thấy điều kiện học tập của các em còn nhiều thiếu thốn, anh và vợ đã quyết định bán toàn bộ số vàng cưới của cả hai rồi cải tạo lại cơ sở vật chất để việc dạy và học hiệu quả hơn. Đến nay, lớp đã duy trì được 12 năm.

“Ngày còn trẻ, tôi mưu sinh đủ nghề. Trong một lần đi hát ở phòng trà, một nhạc sĩ bảo tên Quang Khải không được đẹp nên đặt cho tôi cái tên mới là Việt Khải. Đến khi mở lớp, tôi quyết định đặt tên là Ngọc Việt, nghĩa là bất kỳ đứa trẻ nào bước vào lớp học này đều sẽ là những viên ngọc quý giá”, anh Khải lý giải về cái tên Ngọc Việt. 

Cuối tháng 12/2021, sau sáu tháng “lặng như tờ” vì đại dịch, Ngọc Việt hoạt động trở lại. Niềm vui hiện hữu nhưng nỗi buồn cũng tràn trề trong anh khi hơn 80% học sinh đã nghỉ học, rời TPHCM theo ba mẹ về quê tìm con đường sinh nhai khác. “Bàn ghế vẫn còn đó mà hình bóng tụi nhỏ thì không, chẳng biết tương lai tụi nó rồi sẽ đi về đâu”, người thầy giáo nghẹn ngào. Sau vài tháng mở cửa, số học sinh hiện tại của lớp đã gần 30 em, chủ yếu trong độ tuổi từ 7 đến 18 và học từ lớp 1 đến lớp 5. 

Có một điều đặc biệt ở lớp tình thương của anh Khải khiến ai đến đây đều không khỏi chạnh lòng, đó là ngoài bàn ghế, sách vở, truyện tranh thì trên nóc tủ, một hàng mì gói, cháo gói đủ loại được xếp ngay ngắn. Dù giờ học chính thức là 18 giờ 30 phút nhưng đều đặn 17 giờ mỗi ngày, các em sẽ đến lớp để ăn tối cùng nhau, xong thì dọn dẹp, rửa bát rồi bắt đầu học. Ngoài ra, anh còn tổ chức test COVID-19 hằng tuần, tặng nhu yếu phẩm, tổ chức những chuyến đi chơi để học trò không còn thấy mình thua thiệt hay kém may mắn. 

“Có lần, tôi thăm một học sinh là F0 thì biết được em không có thuốc uống, phải ăn mì tôm vì ba mẹ đi làm cả ngày. Tôi xót xa không gì bằng, phải chạy đi gửi tiền để hàng xóm nấu cơm cho bé. Về nhà, tôi bị phụ huynh mắng vì để người ta nghĩ họ không lo cho con, nhưng sự thật là như vậy mà”, anh kể. Có lẽ, anh không đơn thuần xây dựng lớp học tình thương mà là đang xây dựng một gia đình thực thụ. Em Lê Thị Ngọc Ngoan (13 tuổi, lớp 3) tâm sự: “Em rất thích học với thầy vì thầy vui tính và thương học trò. Hồi tụi em bị nhiễm COVID-19, thầy khóc quá trời, rồi tụi em cũng khóc theo. Em sẽ học ở đây tới khi nào thầy ngưng dạy mới thôi”. 

Anh Khải cho biết khó khăn lớn nhất anh gặp phải từ khi bắt đầu dạy học cho đến nay chính là gia đình các em. “Có người không muốn con họ học nhiều, chỉ cần không mù chữ có thể đi kiếm tiền được rồi, một vòng luẩn quẩn cứ nối từ đời này sang đời khác mà chẳng biết khi nào mới dừng được”, anh xót xa nói. 

Một lớp học của anh Vương Kiến Nguyên ở Đồng Nai
Một lớp học của anh Vương Kiến Nguyên ở Đồng Nai

Thầy đi tìm trò

Khác với lớp học của anh Khải, lớp học của anh Vương Kiến Nguyên (36 tuổi, ngụ tại Long An, hiện sống bằng nghề vẽ tranh) xuất hiện ở nhiều nơi từ TPHCM , Đông Nam bộ và cả Đồng bằng sông Cửu Long. 
Anh Nguyên cho biết năm anh 19 tuổi thì ba mất. Từ đó, anh thường xuyên lui tới những mái ấm, trại trẻ mồ côi để tìm sự đồng cảm. Anh nghĩ đến khi trưởng thành, mình sẽ giúp bọn trẻ bằng cách cho chúng tiền, quà bánh. Nhưng rồi, anh nhận ra mình sai khi phát hiện thứ bọn trẻ thiếu chính là kiến thức.

Đến khi tốt nghiệp đại học và có việc làm, anh đã quyết định dành một phần thu nhập làm chi phí xăng xe, mua dụng cụ rồi bắt đầu hành trình “nối chữ” của mình. “Khi ấy, chỉ có mẹ và vài người bạn ủng hộ tôi, còn tất cả đều kêu là phí công, dạy đến bao giờ mới đủ. Nhưng tôi không nghĩ vậy. Ít ra, tôi vẫn đủ khả năng dạy các em kiến thức, biết chữ và biết tính toán để có cuộc sống tốt hơn”, anh bộc bạch.

Thay vì chỉ dạy tại một địa điểm như chùa, mái ấm, anh Nguyên còn dạy cho những đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không thể theo một lớp học nhất định. Đó có thể là một đứa bé phải theo bà nhặt ve chai, một đứa bé ăn xin vào buổi tối, một đám nhóc vùng sâu, vùng xa không có điều kiện đến trường… nhưng hết thảy chúng đều khát khao con chữ.

Mỗi ngày, thầy giáo trẻ sẽ tự mình đi xe máy đến những nơi khác nhau để dạy chữ, dạy cả lối tư duy tích cực và sẽ quay lại hằng tuần. Anh có một quyển sổ nhỏ, ngoài ghi chú lịch trình còn ghi những thứ mà học sinh thiếu hay thích để lần sau quay lại sẽ mang theo. Có những lần đi miền Tây và phải dạy cùng lúc nhiều nhóm học sinh, lúc về anh dường như kiệt sức. Nhưng khi nhớ lại hình ảnh các em sẵn sàng bỏ dở bữa ăn, cuộc chơi để chạy đến ôm thầy, anh chẳng còn thấy mệt mỏi. “Có những đêm tôi còn mơ thấy bọn trẻ. Chúng chính là động lực để tôi không dừng lại dù một ngày”, người thầy hạnh phúc nói.

Trước khi đợt dịch COVID-19 thứ tư bùng phát,  anh Nguyên đã kịp chuẩn bị nhiều điện thoại thông minh mua giá rẻ cho những trường hợp đặc biệt thiếu thốn. Suốt mùa dịch, anh vẫn dạy online dù hiệu quả kém hơn so với dạy trực tiếp. Bởi anh biết, chỉ cần dừng lại một khoảng thời gian ngắn, các em sẽ rất khó để trở lại và tiếp tục. Trong quá trình dạy học, anh vẫn luôn cố gắng phát hiện năng khiếu của từng em để hướng các em đến một công việc ổn định, có thể nuôi sống bản thân và gia đình, nhất là những bạn có năng khiếu hội họa vì anh vốn là thợ vẽ tranh.

Sau gần 15 năm gắn bó với công việc “nối chữ”, anh Nguyên vẫn chưa từng nghĩ đến chuyện dừng lại. Dù việc đó khá cực nhọc nhưng trong anh luôn có tình yêu thương và lòng tin tưởng. 

 Trang Thư

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI