Hành trình dựng nghiệp của một “ông vua”

26/05/2024 - 06:32

PNO - Từ một lò bánh mì đơn sơ trong con hẻm nhỏ tại quận 11 (TPHCM), ông Kao Siêu Lực đã gầy dựng nên Đức Phát - thương hiệu bánh ngọt quen thuộc với nhiều người dân Sài Gòn. Để rồi khi trở về vạch xuất phát, bằng tình yêu với nghề bánh, ông một lần nữa thành công với ABC Bakery.

Trên thế giới, số người thành công, vấp ngã rồi tái khởi và tiếp tục thành công như Kao Siêu Lực không nhiều. Vậy nên, từ lâu, tinh thần vượt khó và sự nhạy bén của ông đã truyền cảm hứng đến rất nhiều doanh nhân, đặc biệt là thế hệ doanh nhân trẻ. Cuốn sách Từ một câu chuyện khó khăn đến ABC Bakery - thương hiệu Việt vươn ra thế giới (tác giả Mỹ Huyền chấp bút) phần nào phác họa được chân dung “dám nghĩ dám làm” của doanh nhân Kao Siêu Lực và những điểm cốt lõi tạo nên thành công của thương hiệu Đức Phát xưa, ABC Bakery nay.


Đã có nhiều bài viết lẫn phỏng vấn về ông, về bí quyết tạo dựng thương hiệu có vị trí vững chắc trong ngành bánh Việt Nam. Tuy nhiên, đức tính đáng quý nhất ở ông Lực chính là sự khiêm tốn, ý chí kiên định và tư duy cởi mở, không chỉ với nghề bánh mà còn với các mối quan hệ xung quanh. Ở ông hội tụ cả hai yếu tố, mê nghề, hiểu nghề và đủ tỉnh táo để gắn bó thay vì sa đà.

Sách gồm 5 chương, từ thời điểm ông Lực đến Việt Nam cho đến giai đoạn chuyển giao công việc kinh doanh cho thế hệ sau. Xuyên suốt quyển sách, người đọc có thể cảm nhận được tình yêu của người đàn ông này với nghề làm bánh và triết lý kinh doanh sẻ chia - điều giúp ABC Bakery trụ vững đến hôm nay. Bài học về sự kiên trì, không ngại đổi mới, chấp nhận rủi ro và tinh thần liều lĩnh được kể lại đầy chân thực, giản dị như tính cách ông.

Ông Lực cho biết, khi làm quyển sách này, ông chẳng có tham vọng gì lớn lao, chỉ là khi đã đi một quãng dài, ở tuổi 70, ông muốn nhìn lại. Cuốn sách còn là cách ông “gửi lại thế hệ sau bài học đã đi qua. Biết đâu, người sau sẽ có hành trình trơn tru, đỡ vất vả hơn mình trước kia”. Qua cuốn sách, ông nhắn nhủ với thế hệ thanh niên khởi nghiệp rằng không có gì là dễ dàng. Điều quan trọng là không đầu hàng khó khăn. Đối với bản thân, phải có niềm tin, không được từ bỏ khi gặp những điều không thuận lợi.

Thoạt đầu, khi nghe tên quyển sách, tôi đinh ninh đó sẽ là hồi ký của ông Lực. Thế nhưng, lần giở từng trang sách, trọng tâm nằm ở chương 3 và cũng là mối quan tâm lớn nhất của người cha - được đặt ở các con. Làm sao để con chịu nhận “món quà” là cơ nghiệp thế hệ trước đã vất vả gầy dựng? Nhiều người bảo, ông Lực may mắn khi cả 3 người con đều trở về nối nghiệp dù cơ hội của họ tại xứ người luôn rộng mở. Điều này đúng nhưng chưa đủ. Bởi ông không trói buộc các con bằng trách nhiệm, bằng tình cảm gia đình mà mời con bằng tư duy của một người tin yêu tài năng của thế hệ trẻ. Ở khía cạnh này, cuốn sách quả thật rất đáng để suy ngẫm trong việc rèn dạy và giáo dục con cái cũng như thể hiện sự tôn trọng quyết định của con.

Phan Lê

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEgocnhinvi /strCate=gocnhin

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEdungquenhovi /strCate=dungquenho
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEthoisuvi /strCate=thoisu