Hàng tết chưa rục rịch, thị trường đìu hiu

04/01/2019 - 06:56

PNO - Nguyên nhân có thể là do sức mua yếu, doanh nghiệp ngại bỏ vốn đầu tư sản phẩm riêng mùa tết.

Chỉ còn một tháng nữa sẽ đến tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, nhưng ở TP.HCM, hàng hóa về chợ, siêu thị hiện chưa có gì mới. Những năm trước, sức mua các tháng cận tết thường tăng 50% so với bình thường, nhưng hiện sức mua chưa có dấu hiệu tăng. 

Thị trường năm nay “ngộ” 

Tại các chợ sỉ như Bình Tây (Q.6), chợ An Đông (Q.5), chợ Tân Bình (Q.Tân Bình), hàng hóa phục vụ tết vẫn chưa phong phú, không khí mua sắm cũng không chộn rộn hơn ngày thường. Chị Thanh Thảo - tiểu thương ngành hàng bách hóa và bánh kẹo ở chợ Bình Tây - cho biết, năm nay, rất ít doanh nghiệp Việt đầu tư mẫu mã bao bì, sản phẩm mới phục vụ tết, nên hàng hóa về chợ không có gì khác lạ.

Hang tet chua ruc rich, thi truong diu hiu
Dự kiến khách mua sắm tại siêu thị sẽ cao hơn năm ngoái do có nhiều chương trình khuyến mãi

Nguyên nhân có thể là do sức mua yếu, doanh nghiệp ngại bỏ vốn đầu tư sản phẩm riêng mùa tết. Hơn nữa, bánh kẹo ngoại về chợ quá nhiều, đủ thương hiệu của Đức, Pháp, Đan Mạch, Thái Lan, Hàn Quốc, Indonesia… nên người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn. 

Các vựa hàng sỉ đi các tỉnh miền Tây cũng kêu trời vì thị trường quá ảm đạm. Bà Lê Thị Tâm - chủ cơ sở bánh kẹo Thu Tâm trên đường Lê Tấn Kế, Q.6 - nói, chưa năm nào thị trường “ngộ” như năm nay. Mọi năm, thời điểm này, các nhà phân phối từ các tỉnh miền Tây lên lấy hàng rất đông, nhưng năm nay, họ “trốn” đâu mất tăm.

“Thời điểm này năm ngoái, tôi bán được 5 tấn kẹo bắp, nhưng năm nay, tôi chỉ mới bán được vài trăm ký vì không cửa hàng, đại lý nào đặt” - anh Hoài Linh, chủ cơ sở phân phối bánh kẹo Hoài Linh (Q.6), cho biết. 

Tại các siêu thị Lotte Mart, Co.opmart, Big C, hàng hóa vẫn chưa có gì mới ngoài một số giỏ quà tặng trang trí tại các sảnh và sức mua vẫn chưa có gì đột biến. Theo dự đoán, sức mua năm nay tại siêu thị có thể tăng nhẹ so với mọi năm vì tung nhiều chương trình khuyến mãi sâu đến 70 - 80%.

Ông Đoàn Diệp Bình - Trưởng phòng Truyền thông và Thương hiệu Lotte Mart Việt Nam - cho biết, dự đoán sức mua dịp tết Kỷ Hợi tăng trưởng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước nên siêu thị đã đặt hàng và dự trữ tăng hơn 30%. Về giá cả, siêu thị đã trao đổi với nhà cung cấp nhằm hạn chế việc tăng giá mùa tết.

“Từ nay đến tết, siêu thị chuẩn bị hơn ba chương trình khuyến mãi áp dụng cho các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, đồ gia dụng, thực phẩm tết, đồ trang trí tết” - ông Bình nói. 

Giá tăng, thu nhập thấp kéo giảm sức mua 

Nhiều doanh nghiệp gồng mình giữ giá nhưng hiện phải thông báo tăng 10 - 20% do ảnh hưởng của việc tăng giá điện, xăng dầu, thuế bảo vệ môi trường… trong thời gian qua. Chẳng hạn, sau 7 năm ổn định giá, Công ty TNHH Sản xuất mỹ phẩm Lan Hảo đã phải thông báo tăng giá 10%; các doanh nghiệp bánh kẹo Thái Dương, Phúc Hạnh cũng thông báo tăng 30.000 đồng/thùng 10kg. Tại các chợ, những mặt hàng thiết yếu như gạo, trứng, đường, sữa, nước mắm, bánh, kẹo hiện đều tăng giá.

Theo tiến sĩ Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - cho biết, việc tăng nhiều loại thuế, phí đột ngột, vô tội vạ gây áp lực tăng giá bán lẻ trong nước, dẫn đến sức mua thấp, từ đó giảm năng lực cạnh tranh, khiến doanh nghiệp nội đang mất dần thị trường vào tay doanh nghiệp ngoại. Những vấn đề này đang uy hiếp chỉ số lạm phát của nền kinh tế, khiến thu nhập thực tế của người dân giảm sút.

“Trong năm 2018, có tới 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) được thực hiện, nhiều dòng thuế nhập khẩu về 0% nên hàng hóa nước ngoài giá rẻ đang tràn vào nước ta ngày càng nhiều. Doanh nghiệp Việt đang đứng trước nguy cơ mất thị trường nội địa vào tay hàng ngoại nhập giá rẻ. Giá nhiều thứ tăng, giá thành sản phẩm tăng kéo theo giá bán tăng, sức mua mặt hàng trong nước giảm xuống” - tiến sĩ Lê Đăng Doanh phân tích. 

Ông Lý Thành Sinh - Giám đốc Công ty May thêu Minh Long Hưng - thông tin thêm, thu nhập của người lao động ngày càng thấp dẫn đến sức mua giảm. Không chỉ sức mua hàng hóa đặc trưng mùa tết thấp mà còn xảy ra trên tất cả các loại hang hóa. Bên cạnh đó, niềm tin của người tiêu dùng vào hàng Việt cũng ngày càng sụt giảm do doanh nghiệp Việt vẫn còn làm ăn chụp giật, không đạt được độ uy tín cao về chất lượng, mẫu mã, giá cả so với hàng ngoại.

“Các loại thuế, phí ảnh hưởng nặng đến doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp duy trì được chất lượng, mẫu mã sản phẩm thì người tiêu dùng sẽ đồng cảm, không quay lưng. Nhưng đa phần doanh nghiệp Việt không giữ được tính ổn định, tăng giá liên tục hoặc giữ giá ổn định nhưng chất lượng sản phẩm ngày càng kém. Thu nhập ngày càng khó khăn nên tâm lý người dân sẽ mua sản phẩm đáng đồng tiền bát gạo, tức bỏ tiền thì phải mua sản phẩm đạt chất lượng và hàng ngoại luôn đáp ứng được tiêu chí này” - ông Sinh nhận định. 

Theo Sở Công thương TP.HCM, lượng hàng chuẩn bị cho tết Kỷ Hợi từ các doanh nghiệp tăng 13,2 - 16,9% so kế hoạch được giao và tăng 23 - 36% so kết quả thực hiện vào dịp tết Mậu Tuất 2018. Hiện ở ba chợ đầu mối, lượng hàng hóa nhập về bình quân trên 9.000 tấn/ngày, chủ yếu là rau củ quả, thịt gia súc, thủy hải sản, chiếm khoảng 60 - 70% thị trường. Dự kiến, vào thời điểm cận tết, lượng hàng về chợ tăng khoảng 80% so với ngày thường, lên đến 15.000 - 16.000 tấn/ngày. Các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi ở TP.HCM cũng đã xây dựng kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ tết với số lượng tăng từ 2 - 3 lần so với tháng thường. Dự báo, sẽ không có hiện tượng thiếu hàng hay tăng giá đột biến. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI