Hải sản ngoại ồ ạt vào chợ, siêu thị

14/04/2017 - 08:41

PNO - Mặc dù chất lượng không sánh bằng hải sản nội nhưng do tâm lý sính ngoại, cho rằng hải sản ngoại nhập an toàn hơn nên hải sản ngoại vẫn thu hút khách.

Hiện các loại hải sản ngoại như cá, nghêu, sò, ốc… xuất hiện ngày càng nhiều tại các chợ, cửa hàng trên địa bàn TP.HCM. 

Sính ngoại vì an toàn?

Tại các chợ truyền thống như Hòa Bình (Q.5), Xóm Chiếu (Q.4), Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình), lượng HS ngoại như cá thu Nhật, mực lá Đài Loan, cá nục bông Nhật, cá cam Nhật… chiếm số lượng không nhỏ. 

Hai san ngoai o at vao cho, sieu thi
Hải sản ngoại được nhập và bán nhiều tại các chợ, siêu thị - Ảnh: Thanh Hoa

Đang lựa mớ cá cam Nhật tại chợ Hòa Bình, chị Bích (Q.10) thẳng thắn thừa nhận, gia đình chị thích ăn cá ngoại hơn cá nội. “Cá cam nội và ngoại đều đồng giá 60.000đ/kg, trong khi đó cá nội sống trong vùng biển bị ô nhiễm, còn cá ngoại được quản lý nghiêm ngặt nên yên tâm hơn” - chị Bích nói. 

Không riêng gì chị Bích, tại các chợ truyền thống không khó để bắt gặp nhiều bà nội trợ chọn hải sản ngoại. “Trước đây người tiêu dùng chuộng cá nội vì ngon. Kể từ khi biển miền Trung bị ô nhiễm, không ít người chuyển sang ăn cá ngoại vì giá tương đương cá nội nhưng lại an toàn” - một tiểu thương chợ Hòa Bình nói. 

Tại chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình), vào khu hải sản sẽ nghe tiểu thương mời mua hải sản Thái Lan, Campuchia như sò, nghêu, ốc… Giá các loại ốc ngoại này cũng tương đồng với ốc nội, chẳng hạn sò huyết giá 80.000 - 120.000đ/kg, nghêu giá 20.000 - 35.000đ/kg.

Một tiểu thương chợ này cho biết, trước đây người dân thấy lạ nên mua ăn thử, ngày nay do tâm lý sính ngoại, giá lại rẻ ngang ngửa, thậm chí thấp hơn hàng Việt nên vẫn có chỗ đứng trên thị trường.

Được biết các loại ốc này không nhập khẩu theo đường chính ngạch, chủ yếu mua sỉ từ các ngư dân vùng biên giới biển Kiên Giang, Cà Mau rồi đưa vào nội địa tiêu thụ nên không biết có đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hay không. 

Nắm bắt được nhu cầu, nhiều hộ nông dân tại miền Tây cũng đầu tư nuôi nghêu, sò, ốc Thái Lan. Nhưng theo đánh giá của người tiêu dùng, có thể do điều kiện, thổ nhưỡng, môi trường nước khác nhau mà hải sản nhập từ Thái ăn không ngọt bằng hải sản của Thái được nuôi tại Việt Nam.

Tuy nhiên, theo các tiểu thương, cũng có thực trạng người bán trà trộn hải sản của Trung Quốc rồi tự phong hàng Thái Lan để bán được hàng. Người mua hoàn toàn mù tịt thông tin vì không có đặc điểm nào để nhận dạng giữa hàng Thái, Việt, Trung Quốc. Có chăng là hải sản của Trung Quốc có kích thước lớn hơn nhưng người bán cũng có thể lập lờ cho rằng đó là hải sản loại nhất nên có con lớn. 

Không chỉ hải sản ngoại có giá thành rẻ mới thu hút khách, mà các loại hải sản ngoại “độc, lạ”, giá bạc triệu cũng được người tiêu dùng chọn. Cửa hàng Hiếu hải sản (Q.Bình Thạnh) có nhiều khách tìm đến mua ốc vòi voi (còn gọi là tu hài) Canada.

Theo chủ cửa hàng, đây là loại trai lớn nhất thế giới, được phong làm thượng phẩm vì có giá trị dinh dưỡng, hương vị đặc biệt (hơn hẳn sò huyết, bào ngư). Loại nhỏ nhất nặng 0,8kg, loại nặng nhất đến 2kg. Tại Việt Nam cũng có ốc vòi voi nhưng kích thước nhỏ hơn nhiều, thịt không chắc, ngọt bằng loại nhập khẩu.

Mặc dù có giá thành khá đắt, 1 triệu đến 1,9 triệu đồng/kg nhưng vẫn được khách hàng sang trọng ưa thích. Vào những ngày cuối tuần, sản phẩm luôn trong tình trạng cháy hàng. Ngoài ra, một số loại ốc giá tầm trung từ 250.000 - 500.000đ/kg như vẹm xanh Newzeland, hàu sữa Pháp cũng rất hút khách.

Ngoài tu hài Canada, tôm hùm Canada cũng đang là đặc sản được nhiều người mua về dùng thử. Giá cả trên các trang mạng hải sản cũng khá mềm từ 950.000 - 1.200.000đ/kg, với mức giá này, tính ra tôm hùm Canada vẫn rẻ hơn các loại tôm hùm trong nước. 

Chỉ lo hàng tiểu ngạch

Chị Phạm Thị Kim Ánh - chủ cửa hàng chuyên bán đặc sản, thủy sản miền Trung (Q.10) cho biết, từ sau sự cố Formosa và những thông tin về dự án thép Cà Ná mà một số loại hải sản nhập khẩu được khách hàng yêu cầu. Cửa hàng chị đang thăm dò thị trường nên chưa nhập hàng chính thức, tuy nhiên một số loại như cá tuyết (nhập từ Nga) với giá bán lẻ 430.000đ/kg được khách hàng ưa chuộng.

Hai san ngoai o at vao cho, sieu thi
 

Một số loại khác như cá mút (nhập từ Hàn Quốc), tôm Bắc Cực, cá đỏ (nhập từ Na Uy)…với giá từ 400.000đ/kg trở lên cũng được khách nhà hàng, quán nhậu ưa chuộng. 

“Thực tế, thị trường có rất nhiều nơi bán thủy hải sản nhập khẩu và giá cả cũng chênh nhau tùy vào phí thuê mặt bằng, nhân công, thuế… Tuy nhiên, những cửa hàng nhỏ thì ít được khách tin tưởng hơn. Do đó, để khách tin tưởng,  quy trình nhập khẩu thủy hải sản phải tuân theo quy định của Nhà nước, các lô hải sản về đến Việt Nam phải có giấy hải quan nhập khẩu, giấy kiểm tra chất lượng, đủ điều kiện mới mang ra bán”, chị Ánh cho biết. 

Tương tự, ông Nguyễn Văn Thanh (Q.Bình Tân) - chủ một DN nhập khẩu thủy hải sản cho biết, về quy tắc mặt hàng đông lạnh khi nhập về phải được kiểm dịch và công bố đạt tiêu chuẩn ATVSTP. Cơ quan chức năng sau khi kiểm tra, mất từ bốn-sáu ngày sẽ cho kết quả đạt hay không, nếu đạt thì DN nhập về, không thì thôi. Khi về đến cảng, DN làm thủ tục kiểm dịch tiếp, xong xuôi thì bán ra thị trường. 

Đại diện Ban quản lý chợ Bình Điền thông tin thêm, trong 1.200 tấn thủy hải sản về chợ mỗi đêm thì có khoảng 150 tấn thủy hải sản nhập khẩu, trong đó cá nục bông (Nhật Bản) loại 1 về 32 tấn/đêm, loại 2 về 21 tấn/đêm; thu đao Đài Loan về 35 tấn/đêm; đầu cá hồi Na Uy về 30 tấn/đêm; mực ống Đài Loan về 20 tấn/đêm; cá cam Nhật về 10 tấn/đêm.

“Với tất cả các loại hải sản nhập khẩu đều phải có giấy tờ như giấy kiểm dịch, hạn sử dụng, chứng nhận ATVSTP đầy đủ thì mới được vào chợ”, đại diện chợ Bình Điền cho biết.  

Ông Trần Đình Vĩnh - Chủ tịch Hiệp hội Thủy hải sản TP.HCM, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản TP.HCM cho biết, chỉ lo sợ hàng thủy hải sản nhập theo đường tiểu ngạch, nhập lậu chứ thủy hải sản nhập khẩu theo đường chính ngạch đều được kiểm tra rất nghiêm ngặt.

Sau khi về đến chợ đầu mối, thủy hải sản được trữ lạnh đúng theo tiêu chuẩn, ví dụ tại chợ Bình Điền có kho trữ lạnh theo tiêu chuẩn Nhật Bản nhằm cải thiện việc bảo quản hàng tươi sống. Nếu chủ vựa nào sai phạm thì ngoài bị xử phạt theo quy định còn phạt bổ sung như cúp điện, cúp nước, treo vựa hoặc thanh lý hợp đồng. 

Cũng theo ông Vĩnh, trong năm 2016 Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản TP.HCM có lấy nhiều mẫu thủy hải sản nhập khẩu để kiểm tra chất lượng nhưng không phát hiện sai phạm nào. 

Thanh Hoa - Thu Hồng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI