Hai người phụ nữ đam mê công việc và khát vọng vươn lên

31/12/2021 - 10:00

PNO - Hai người phụ nữ, mỗi người một số phận khác nhau, nhưng các chị có điểm chung là niềm đam mê công việc và khát vọng vươn lên.

1. Xưởng làm nhang của chị Nguyễn Cát Bụi Thúy nằm ở góc đường Mai Bá Hương - Thích Thiện Hòa, thuộc ấp 2, xã Lê Minh Xuân, H.Bình Chánh. Mấy tuần nay, không khí làm việc tại đây chộn rộn và gấp gáp hơn thường ngày, máy móc chạy hết công suất, thương nhân cũng tấp nập ra vào nhận hàng để chuẩn bị cho dịp tết Nguyên đán đang cận kề.

Tôi theo chân chị Bụi Thúy từ xưởng máy qua khu nhào bột, ra sân phơi, đóng gói, giao hàng, chỗ nào người phụ nữ 45 tuổi ấy cũng tất bật xốc vác, miệng nói, tay làm không ngơi nghỉ. Bên cạnh 30 nhân công đứng máy trực tiếp tại xưởng, chị còn giao nguyên liệu cho 60 - 70 hộ gia đình trong ấp làm gia công tại nhà, mỗi ngày cho ra 3.000 - 4.000 thiên nhang (1 thiên = 1.000 cây nhang).

Xưa kia bà con ấp 2 chủ yếu đi chặt mía, làm cỏ thuê. Sau này có nghề nhang cũng đỡ. Thu nhập một ngày của nhân công dao động từ 170.000 - 250.000 đồng. Nghề không phân biệt tuổi tác, bất kể già trẻ, lớn bé gì đều làm được, miễn là kiên trì, chịu khó”, chị Bụi Thúy chia sẻ.

Tranh thủ ngày nắng đẹp, chị Bụi Thúy phơi tăm nhang ngoài sân
Tranh thủ ngày nắng đẹp, chị Bụi Thúy phơi tăm nhang ngoài sân

Ngày còn nhỏ, Bụi Thúy sống ở H.Đức Hòa, tỉnh Long An. Mẹ chị làm nghề se nhang nuôi ba đứa con. Chưa hết lớp Sáu, Bụi Thúy bỏ học đi làm thuê. Chị tình thiệt: “Thấy mẹ se nhang cực quá, tôi nhủ rằng sẽ không theo nghề ấy. Vậy mà run rủi, lại bén duyên với nhang ở Lê Minh Xuân. Tôi đi se nhang thuê, toàn bộ công đoạn bằng tay, chỉ quay vòng 8 - 9 thiên mỗi ngày, được trả 20.000 - 30.000 đồng. Sẵn có đất ông bà nội để lại ở ấp 2 này, tôi quyết định tự làm xưởng. Lúc đầu cũng chật vật, phải se nhang bằng tay, việc phơi nhang hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết, nên hư hại rất nhiều”. 

Sau nhiều năm chắt chiu, mười năm trở lại đây, chị Bụi Thúy đã mạnh dạn đầu tư máy làm nhang và các loại máy quạt, máy hút ẩm, máy sấy nhang. Ban đầu, chưa có kinh nghiệm vận hành máy nên sản phẩm hoặc bị hư, hoặc không đẹp, bị khách trả lại hàng nhiều. Nhưng qua nhiều lần mày mò rút tỉa kinh nghiệm, đến nay nhang từ cơ sở của chị làm ra cung cấp quanh năm cho thị trường cả nước.

Không chỉ có lao động tại chỗ, chị còn nhận nhiều lao động từ các tỉnh Kiên Giang, Sóc Trăng vào làm, xây phòng cho họ ở lại. Khi đã thạo nghề, nhiều người muốn tách ra làm riêng tại nhà, chị cũng sẵn sàng tạo điều kiện cung cấp nguyên liệu và hỗ trợ máy móc. Bà Trần Thị Nở, 67 tuổi, ở ấp 2, xã Lê Minh Xuân, thổ lộ: “Tôi làm cho cô Thúy đã 13 năm, giờ già yếu rồi chỉ lo khâu bó nhang, mỗi ngày được 150.000 đồng. Suốt những tháng dịch hoành hành, cô Thúy thường gửi gạo, rau củ, thịt cá cho tôi. Mà chẳng riêng gì tôi đâu, cô giúp nhiều người lắm, ai cần sửa nhà, lo học phí, tập sách cho con hay vốn làm ăn, tiền chữa bệnh, cô đều hỗ trợ”.  

2. Sáng sớm ngày cận Chạp, vợ chồng chị Nguyễn Thị Bích Huyền (46 tuổi) và anh Võ Thành Vũ (49 tuổi), chủ vườn mai giảo Vũ Huyền, ở khu phố 2, P.Tam Phú, TP.Thủ Đức, đã lui cui ngoài vườn mai để ngắt lá, dọn cỏ, tưới nước. Vườn mai của vợ chồng họ hiện có 400 gốc mai cổ thụ, đường kính gốc 20cm trở lên. Ngoài công nhà họ còn thuê hai nhân công làm quanh năm, 10 người làm thời vụ, 30 người phụ việc chăm cây, tuốt lá từ đầu tháng Chạp.

Chị Bích Huyền cho biết, nghề trồng mai là của chồng chị. Sau khi cưới nhau, anh xin ba chị cho đổ đất lấp ao để lấy chỗ trồng mai. Ban đầu, chỉ trồng vài gốc mai ghép loại nhỏ. Chắt chiu một thời gian họ mới có vốn mua thêm nhiều gốc mai. Thiếu kinh nghiệm chăm bón, tưới nước, nên một thời gian dài, số gốc mai họ mua về trồng chết hơn phân nửa. Để có thêm tiền trang trải cuộc sống, bên cạnh công việc quản lý trang thiết bị dạy học tại một trường đại học, chị Bích Huyền còn nhận làm thêm rất nhiều việc khác.

“Thú thật, nhiều lúc tôi cũng nản, muốn buông xuôi, nhưng ba tôi cứ động viên: làm nông phải kiên trì, chịu khó, riêng trồng mai còn cần thêm chút “lì” nữa. Chồng tôi thì thương mai, anh mày mò làm quên ăn, quên ngủ. Riết rồi tôi cũng lây cái tình yêu đó” - chị tâm sự. 

Chị Bích Huyền chăm sóc những chậu mai cổ thụ trong vườn
Chị Bích Huyền chăm sóc những chậu mai cổ thụ trong vườn

Hơn mười năm trước, Hội Nông dân phường hướng dẫn thủ tục giúp vợ chồng chị Bích Huyền vay 200 triệu đồng vốn ngân hàng, sau đó lên 500 triệu đồng, rồi 2,5 tỷ đồng để đầu tư nhiều hơn cho khu vườn. Trong khi chồng lặn lội xuống các tỉnh miền Tây như Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp tìm mua gốc mai, “săn” các loại chậu đẹp thì chị Bích Huyền cũng nghỉ việc ở trường để dồn tâm sức gầy dựng khu vườn trở thành điểm đến ấn tượng của thương hiệu mai giảo Thủ Đức.

“Mai nhà tôi là dạng bonsai, mỗi hoa có từ 8 - 12 cánh và rất nhiều hoa, cành được tạo hình. Lúc trước, mai chủ yếu đem bán trên vỉa hè đường Kha Vạn Cân, nhưng từ năm 2020, vợ chồng tôi thuê thêm mặt bằng trên đường Thành Thái để bán. Dù chỉ có 400 chậu, nhưng đều là mai cổ thụ, giá bán mỗi chậu dao động từ 100 triệu đồng đến 4 tỷ đồng, nếu thuê thì bằng 10% giá bán đứt. Trung bình, mỗi dịp tết, chúng tôi cho thuê 80% số chậu mai trong vườn. Chúng tôi đang hướng đến phân khúc chơi mai của các doanh nhân, doanh nghiệp trong nước và thị trường Campuchia”, chị Bích Huyền thông tin. 

Chị tâm sự, đã có lúc chị chán nản cây mai, nhưng rốt cuộc chính loài hoa này đã mang tới kinh tế ổn định cho gia đình. Cũng nhờ mai mà chị có thể ủng hộ chương trình xây tặng mái ấm tình thương của Hội Phụ nữ và nhiều hoạt động xã hội của Hội Nông dân. Điều chị mong mỏi lúc này là ngày càng có nhiều chương trình gặp gỡ, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm giữa những người trồng mai, đồng thời Nhà nước tạo điều kiện về thủ tục để cây mai được xuất ra nước ngoài thuận tiện. 

Chị Bụi Thúy là một trong 20 gương “Nông dân tiêu biểu TP.HCM năm 2021”, còn chị Bích Huyền nằm trong nhóm 32 cá nhân, đơn vị có sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu TP.HCM năm 2020. Chương trình tôn vinh vừa được Hội Nông dân TP.HCM tổ chức trong tháng 12/2021. 

Mẫn Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI