Hạ nhiệt ngày nóng với mỳ lạnh

01/04/2017 - 20:51

PNO - Mỳ thường được thưởng thức nóng, nhưng có một loại lại được dùng lạnh, rất thích hợp với thời tiết oi bức.

Là món ăn mùa hè nên thành phần của mì lạnh có nhiều nguyên liệu thanh nhẹ giúp giải nhiệt, như đậu, giá, rau củ, rong biển… 

Như tên gọi, mì được dùng lạnh, có khi là trộn với xốt lạnh, dùng kèm nước xúp lạnh hoặc thêm đá vào mỳ… tạo cảm giác mát lạnh cho người thưởng thức. Thế giới mỳ lạnh cũng rất đa dạng, gồm đủ loại mỳ nước, mỳ khô, với nhiều nguyên liệu rau củ, thịt, trứng, tuy khác nhau về hương vị và cách chế biến nhưng đều có chung vị thanh nhẹ, dễ tiêu, thích hợp cho thực đơn ngày nóng. 

Ha nhiet ngay nong voi  my lanh
 

Nói đến mỳ lạnh, người ta sẽ nghĩ ngay đến ẩm thực Hàn Quốc. Không chỉ có kim chi hay bánh gạo cay, đất nước này còn rất nổi tiếng với những món mì thanh mát, hấp dẫn cả về hương lẫn sắc. Có nhiều loại mì, được biết đến nhiều nhất là mì sợi nhỏ làm từ bột sắn dây, kiều mạch (hoặc tinh bột khoai tây, khoai lang…) với hai loại nước dùng lạnh và xốt trộn cay. 

Nước dùng được hầm chủ yếu từ thịt/xương bò cùng nhiều gia vị, khi phục vụ trong tô có thể thêm đá lạnh vào. Nguyên liệu dùng kèm mì khá đơn giản, thường gồm vài lát thịt (heo, bò), trứng luộc, dưa leo, củ cải thái nhỏ, giá đỗ, lê ngâm đường. Mì có vị thanh, ăn rất mát. 

Ha nhiet ngay nong voi  my lanh
 

Những người thích vị thanh đạm có thể chọn mỳ chay với nước dùng đậu nành, sợi mì thơm ngon được làm từ bột mỳ, ăn kèm dưa leo. Trong tiết trời oi bức ngày hè thì mì sữa đậu nành này là món ăn vừa thanh mát vừa bổ dưỡng. 

Ngoài ra còn có “lẩu mỳ” - món mỳ lạnh với rất nhiều rau củ, được kết hợp hài hòa tạo nên màu sắc tươi mát. Tuy chỉ có rau và trứng luộc cùng nước xốt nhưng cũng đủ vị chua, cay, ngọt nên không kém phần hấp dẫn.

Mỳ lạnh cũng là một trong những nét đặc sắc của ẩm thực Nhật Bản vào mùa hè. Mỳ thường không dùng với nước xúp mà sợi mỳ được ướp lạnh, hoặc khi dọn lên đĩa sẽ cho đá lạnh lên, chấm nước xốt. Somen, udon, soba… đều có thể dùng cho mì lạnh, trong đó phổ biến nhất là somen. 

Đây là loại mỳ sợi mỏng, dài, được làm từ bột mỳ. Somen mùa hè có cách chế biến khá đơn giản, mỳ chỉ luộc, chấm xốt có vị nhẹ, thường được nấu từ nước tương, cá ngừ khô, rong biển, rượu cùng gia vị, khi dùng thêm chút hành lá, gừng, mè vào. Tùy khẩu vị có thể ăn kèm với tôm, thịt heo, nấm, trứng, thanh cua…  

Ha nhiet ngay nong voi  my lanh
 

Bên cạnh somen dùng trên đĩa hay tô, còn một cách thưởng thức khác rất độc đáo là thả trôi trong ống tre. Vào mùa hè, một số nhà hàng sẽ phục vụ món nagashi somen này. Mỳ được cho vào máng tre dài, trong ống là nước sạch mát lạnh, khi mỳ chảy qua, thực khách dùng đũa gắp nhúng vào nước chấm đã chuẩn bị sẵn. Để hấp dẫn hơn, nhiều nơi còn thiết kế máng tre có tầm nhìn hướng ra thác nước mát mẻ, mang đến cảm giác sảng khoái cho thực khách.

Không phải là mỳ lạnh nhưng ở Nhật cũng có một món mì rất nổi tiếng do được đựng trong chén nước đá trong suốt, hấp dẫn thị giác. “Chén” được tạo ra từ những khối đá lớn cắt khéo, sau đó đổ nước nóng vào thành vết lõm rồi cho mỳ vào.

Dĩ nhiên, một khi đã cầu kỳ trong hình thức thì hương vị của món mỳ cũng rất ngon, vậy nên không có gì ngạc nhiên khi đây là món ăn đặc biệt hấp dẫn thực khách trong 
mùa hè.

Ở Sài Gòn, muốn thưởng thức mỳ lạnh, có thể ghé các nhà hàng món Nhật, Hàn Quốc. Một số nơi mỳ lạnh có thể phục vụ quanh năm, nhưng vài nơi chỉ mùa hè mới thêm vào thực đơn, nhất là với món mì trượt ống tre. 

Dành cho người bận rộn còn có mì gói cay lạnh, cách nấu cũng như mì trộn khô, ngon nhờ ngâm nước đá lạnh sau khi trụng mì. Sài Gòn là xứ nóng nên mùa hè sẽ có rất nhiều món giải nhiệt mát lạnh, tuy nhiên nếu muốn tìm một món vừa thanh mát vừa bổ dưỡng, lại lạ vị thì mì lạnh là lựa chọn thích hợp.

Mỹ Thuật

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI