Gửi trao yêu thương đến những mảnh đời khốn khó

06/04/2022 - 06:35

PNO - Bất chấp những cơn mưa bất thường gây ngập lụt cho những vùng trũng ở TP.Huế, những trái tim thiện nguyện của nhóm An sinh xã hội, Hội LHPN Q.6, TP.HCM đã đến để san sẻ yêu thương với trẻ em và người già xứ Huế.

Đón đoàn trong cơn mưa chiều ngày 1/4, ni sư Thích nữ Liên Tu, trụ trì chùa Tịnh Đức (xã Thủy Xuân) cho biết, hai năm qua do ảnh hưởng của đại dịch nên hoạt động nuôi dưỡng các cụ già neo đơn tại chùa gặp muôn vàn khó khăn. Ngoài việc tu tập, các ni cùng quý cô trong chùa phải tận tâm chăm sóc các cụ để vừa đảm bảo đủ dinh dưỡng trong từng bữa ăn, vừa hạn chế trình trạng lây nhiễm COVID-19. Công việc còn khó khăn thêm bội phần khi chùa có 22 cụ tuổi đã ngót nghét 100, việc ăn ở, đi lại hết sức hạn chế. Có những đêm mưa gió, trở trời, các cô phải thay phiên nhau chăm các cụ. Nhiều trường hợp già yếu, qua đời, các sư phải lo việc tang lễ phúng viếng như chính người thân. “Năm rồi TP.HCM có đại dịch, ai cũng vất vả để giữ sức khỏe, vậy mà dịch mới chỉ tạm lắng là mọi người đã thu xếp ra thăm chùa. Sư cảm ơn tấm lòng của người thành phố và mong mọi người tâm luôn bình an, có sức khỏe để tiếp tục hành trình thiện nguyện, tạo phúc cho những cuộc đời còn kém may mắn” - ni sư Liên Tu cảm động.

Đoàn tặng quà cho trẻ em  mồ côi ở Huế
Đoàn tặng quà cho trẻ em mồ côi ở Huế

Đến từng phòng thăm hỏi và trao quà cho các cụ, đoàn bất ngờ khi nhìn thấy nơi ở của các cụ được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp. Bắt tay cảm ơn từng người trong đoàn, cụ Nguyễn Thị Hoa kể lại cuộc đời của mình với bao nỗi vất vả gian truân: sinh ra ở phố cổ Bao Vinh (P.Hương Vinh, TP.Huế), mồ côi cha mẹ, nên từ nhỏ cụ đã phiêu bạt đi ăn xin khắp chốn. Mười năm gần đây, cụ Hoa được các sư đưa về nuôi dưỡng tại trung tâm thuộc chùa. “Ở đây mệ tìm được niềm vui những ngày cuối đời. Vừa có cơm chay ăn ngày ba bữa, vừa được các sư cô chăm sóc tận mình. Cảm ơn các cô chú đã tặng quà. 800.000 mệ giữ lại để hôm nào đau ốm sẽ gửi các sư cô mua thêm thuốc”.

Đến thăm Mái ấm tình thương ở chùa Đức Sơn (xã Thủy Bằng), nơi nuôi dạy và chăm sóc 117 trẻ mồ côi, em nhỏ nhất mới một tháng tuổi, đoàn được ni sư Thích Minh Tú giới thiệu về lịch sử ra đời của mái ấm. Từ khi ra đời, hơn 20 năm qua, các sư cô của chùa, đã thực hiện nhiều chuyến công tác từ thiện cho bà con nghèo ở vùng sâu vùng xa, đón nhận và nuôi dưỡng trẻ mồ côi sơ sinh không ai chăm sóc. Ngoài ra, trung tâm còn đang cưu mang tám em nhỏ bại não và liệt tứ chi. Có những cháu mới sinh chưa đến một tuần tuổi, được người thân đem bỏ trước cổng chùa, các sư đã đón vào nuôi nấng. Ngoài các em nhỏ, chùa còn có mười em đang theo học các trường đại học trên toàn quốc. Nhiều em được các ni sư mang về chùa nuôi từ nhỏ nay đã lập gia đình và ở bên ngoài. Đối với ni sư Minh Tú, lo lắng chu toàn về vật chất cho trẻ mồ côi hay tàn tật là chuyện cần thiết, nhưng quan trọng hơn vẫn là dạy cho các em tình yêu thương và ý thức về cội nguồn. Bà thường dạy các em những bài học về sự cố gắng, tình yêu thương và niềm vui sống. Bà cũng dành nhiều công sức để lập ra gần 100 lớp học miễn phí cho trẻ em nghèo ở các xã của thị xã Hương Thủy được cắp sách đến trường, trong đó đã có gần 100 em đã bước vào đời và trở thành những công dân có ích, 50 em có nghề nghiệp ổn định, tự nuôi sống bản thân. 

Để các sư có thêm điều kiện chăm lo cho các cháu nhỏ trên chặng đường dài, đoàn đã gửi tặng 30 triệu đồng tiền mặt, 50 thùng mì, quà bánh cùng nhiều truyện tranh cho cách em. Ni sư Minh Tú vui sướng: “Mấy hôm nay đang lo nghĩ về khoản chi cho mấy đứa lớn luyện thi đại học, rồi tiền đổ xăng chiếc xe đưa đón trẻ đi học hằng ngày. Giờ thì sư tính được rồi”.
Rời chùa Đức Sơn, chúng tôi đến chùa Pháp Hoa (xã Phú Thượng) để trao những phần quà cuối cùng cho người khuyết tật và khiếm thị. 
Chị Lương Thanh Trúc - Chủ tịch Hội LHPN Q.6 - cảm ơn sự kết nối và hỗ trợ hết lòng của phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM ở miền Trung để nhóm An sinh xã hội được thăm hỏi, chia sẻ khó khăn với đồng bào. Chị nói, đợt thiện nguyện này các thành viên trong nhóm cùng nhau quyên góp được tổng cộng 90 triệu đồng tiền mặt cùng nhiều quà tặng như sách vở, mì tôm, bánh kẹo… Trong thời gian tới, nhóm sẽ đến với bà con Tây Nguyên, những người dân vùng sâu, vùng xa đang còn nhiều khó khăn trong cuộc sống hằng ngày. 

Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI