Gói mì, cân gạo làm ấm lòng công nhân đang “cầm cự” giữa lán trại tạm bợ

16/08/2020 - 17:40

PNO - Việc mất khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại, hàng ngàn công nhân quê Nghệ An phải chật vật sống cảnh thiếu thốn trong các lán trại tạm bợ ở công trình chờ đợi ngày trở về quê nhà.

Hơn 2 tuần nay, anh Trương Văn Thành (trú tại huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) cùng tốp thợ lắp đặt cốp pha chỉ quanh quẩn xung quanh lán trại xập xệ ở quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) ngó nghiêng nhìn công trường xây dựng đang dở dang vì dịch. “Anh em đã vét sạch tiền túi để cầm cự bấy lâu nay rồi. Nay chỉ mong được về quê, dù phải cách ly 14 ngày bởi không biết tình hình dịch còn kéo dài đến bao giờ” - anh Thành rầu rĩ.

Các công nhân nhận hàng cứu trợ từ đồng hương
Các công nhân nhận hàng cứu trợ từ đồng hương

Sau Tết Nguyên đán, anh Thành cùng 20 người rời quê vào Đà Nẵng làm nghề lắp đặt cốp pha. Số tiền lương ít hàng tháng được nhóm thợ này gửi về quê nhà cho gia đình phần lớn, chỉ giữ lại chút ít chi tiêu cá nhân. Cuối tháng 7, công việc phải tạm dừng do dịch COVID-19 bùng phát trở lại ở Đà Nẵng, đồng nghĩa với không có thu nhập, trong khi không thể trở về quê khiến nhóm công nhân này lao đao.

“Chủ còn nợ chúng tôi 2 tháng lương, khó khăn quá anh em phải gọi điện hỏi nhưng chỉ nhận được câu trả lời "ít hôm nữa” - anh Thành nói và cho hay ngoài một số nhu yếu phẩm được “tiếp tế”, nhóm thợ của anh phải cầu cứu người thân gửi tiền “viện trợ” vào để gắng cầm cự trong thời gian qua.

Một số công nhân cho hay, phần lớn những người thợ xây dựng này ở theo nhóm, lâu nay vẫn thường ăn cơm ở quán. Thế nên trong các lán trại công nhân ở cũng chẳng mấy nơi sắm đồ nghề nấu ăn. Khi Đà Nẵng giãn cách xã hội, quán hàng đóng cửa, những công nhân bắt đầu phải tự xoay sở tìm cái ăn.

Cách đó không xa, một nhóm thợ 11 người quê huyện Yên Thành (Nghệ An) cũng đang phải sống cảnh chật vật trong lán trại tạm bợ cạnh một công trường xây dựng. “Cũng may là ít ngày trước có nhóm đồng hương đến hỗ trợ ít gạo, mì gói...” - anh Nguyễn Vĩnh Tuất (39 tuổi, trú tại xã Mỹ Thành, huyện Yên Thành) nói.

Nhóm đồng hương trước lúc lên đường cứu trợ
Nhóm đồng hương trước lúc lên đường cứu trợ
Công nhân xây dựng sống chật vật trong các lán trại
Công nhân xây dựng sống chật vật trong các lán trại

Nói lời cảm ơn, anh Tuất cùng nhóm thợ phân chia số nhu yếu phẩm trên ra, gắng “ăn dè” để phần. “Chỉ mong dịch sớm chấm dứt để ra mà làm việc thôi”, anh nói.

Bế cô con gái mới chào đời hơn 1 tháng, chị Trần Thị Tình (quê huyện Tân Kỳ, Nghệ An) nói: “Trong cái khó mình lại càng thấy tình người ấm áp hơn”. Chồng mất việc, rồi được cách ly tập trung khi vợ vừa sinh chẳng bao lâu khiến người mẹ 2 con này phải chật vật vừa chăm con, vừa phải tự mình xoay xở để lo miếng ăn cho gia đình.

“Mừng là mình cũng được nhiều người thương, người cho bao gạo, người cân thịt, bó rau nên cũng đỡ phải lo nhiều. Thời điểm này ai cũng khó khăn cả, nên mình tự nhủ phải cố gắng. Chỉ lo là ăn uống kham khổ quá lúc này không có sữa cho con thì tội thôi” - chị Tình nói.

Những ngày này, một “tiểu ban” được “Hội Sông Lam tại Đà Nẵng” lập vội với mục đích hỗ trợ những bà con, sinh viên cùng quê đang gặp khó khăn giữa tâm dịch cũng đang tất bật chạy đua với thời gian để tiếp tế nhu yếu phẩm.

Những tốp công nhân mắc kẹt tại Đà Nẵng nhận hàng tiếp tế
Những tốp công nhân mắc kẹt tại Đà Nẵng nhận hàng tiếp tế

Anh Nguyễn Đinh Nhàn - một thành viên hội đồng hương - cho biết, từ một vài lời đề nghị giúp đỡ do quá khó khăn ban đầu, nhóm đã quyết định kêu gọi sự ủng hộ của các nhà hảo tâm để giúp đỡ những người con quê Nghệ An, Hà Tĩnh mất việc đang mắc kẹt tại Đà Nẵng, đặc biệt là những công nhân đang sống cảnh chật vật ở những lán trại tạm bợ.

“Đường dây nóng” được lập, Facebook hội đồng hương nhanh chóng rơi vào cảnh quá tải. Những lời khẩn cầu “Ở đây có 20 người quê Yên Thành...” cũng xuất hiện ngày một nhiều. Ngay sau đó, các thành viên hội đồng hương hỏi thăm địa chỉ cụ thể rồi đưa hàng cứu trợ đến tận nơi.

Phần lớn các mặt hàng cứu trợ cũng được quyên góp từ những nhà hảo tâm xứ Nghệ. Từ những khoản tiền mặt, thậm chí những bao gạo, quả trứng, những thực phẩm tự tay làm ra mang đậm chất quê như nhút, dưa cà muối.... quyên góp được đều được các thành viên trong hội đồng hương phân chia, xếp lên xe sẵn sàng đi tiếp tế.

Sau 5 ngày nỗ lực, nhóm đã tới được 200 địa điểm, giúp gần 2.000 đồng hương, phần lớn là công nhân, thợ xây dựng đang thất nghiệp vì dịch.

Ngoài nhu yếu phẩm, nhóm cũng mua sắm thêm các loại nước xịt khuẩn khử trùng, khẩu trang để phát cho người lao động. “Càng đi, anh em lại càng muốn đi nhiều hơn bởi còn quá nhiều hoàn cảnh đang gặp khó khăn. Ấy thế mà cũng không ít trường hợp khi mình mang quà cứu trợ đến họ từ chối với lý do đã có đoàn khác hỗ trợ rồi, xin nhường quà lại cho hoàn cảnh khó khăn khác” - anh Nhàn nói.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI