Giúp chị em giảm nghèo bền vững

23/09/2016 - 16:46

PNO - Bên cạnh việc hỗ trợ vốn, Hội còn xây dựng các tổ, nhóm liên kết ngành nghề để chị em giúp nhau làm kinh tế.

Trao vốn, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, cấp học bổng, xây dựng các tổ hợp tác, làm cầu nối mở các cửa hàng liên kết… là hàng loạt giải pháp của hội LHPN các cấp ở TP.HCM để hỗ trợ phụ nữ (PN) làm kinh tế, giúp chị em thoát nghèo và không tái nghèo.

Niềm vui có nghề

Chị Đoàn Thị Kim Phương, tiểu thương chợ hoa Hồ Thị Kỷ kể: “Trước đây, những người kinh doanh hoa tươi ở chợ này không biết cắm hoa, nhưng từ ba năm nay, mọi sự đã khác”.

Chị Phương là một trong 30 thành viên Câu lạc bộ (CLB) PN kinh doanh hoa tươi, chợ hoa Hồ Thị Kỷ (P.1, Q.10). Cùng với các thành viên CLB, chị Phương đã tốt nghiệp lớp sơ cấp nghề cắm hoa do Hội LHPN Q.10 phối hợp với Trung tâm Giới thiệu việc làm Hội LHPN TP.HCM và Trường trung cấp nghề Lê Thị Riêng tổ chức.

Chị Dương Ngọc Thủy, ngụ ở 57/73 Hồ Thị Kỷ kể: “Trước giờ tôi làm nội trợ, thời gian rỗi, tôi đi phụ việc cho các shop hoa, kiếm thêm thu nhập, công việc toàn lặt lá, cắt cành, bó bông… Giờ được học nghề, biết cắm hoa, trang trí hoa nghệ thuật, thu nhập cao hơn”.

Câu chuyện của các thành viên CLB PN kinh doanh hoa tươi khiến chúng tôi nhớ đến lần ghé lớp nghề kỹ thuật làm móng của Hội LHPN Q.Tân Bình cách đây hơn một năm. Giữa trưa hè, bất chấp không khí nóng như thiêu đốt bên ngoài, bên trong lớp học, ba mươi học viên ai nấy đều chăm chú vào những chiếc móng bé xinh.

Chị Huỳnh Thị Thanh Hương, SN 1994, ngụ ở P.13, Q.Tân Bình, học viên của lớp, tâm sự: “Rất nhiều lần tôi muốn đi học một nghề gì đó liên quan đến làm đẹp để khi có điều kiện thì mở tiệm. Nhưng lớp học phù hợp với mong muốn của mình thì vừa quá xa, lại quá đắt. May mà có lớp học này”.

Sau Đại hội đại biểu PN TP.HCM lần thứ IX, Trung tâm Giới thiệu việc làm của Hội LHPN TP.HCM (số 8 Ngô Thời Nhiệm, Q.3) đã phối hợp với Hội LHPN các quận huyện đưa các lớp nghề về cơ sở. Từ năm 2011 đến nay, nhiều lớp dạy nghề đã được mở tại các huyện Cần Giờ, Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi và nhiều quận.

Khá hơn nhờ nguồn vốn hội 

Chị Phạm Thị Mai Thảo (SN 1977, nhà ở ấp 2, xã Long Thới, H.Nhà Bè, TP.HCM) lớn lên trong xóm lao động nghèo; học hết lớp 9, Thảo phải nghỉ học để phụ giúp mẹ chăm lo các em. Chiếc máy may cũ là phương tiện mưu sinh của cả gia đình. Hàng ngày, mẹ Thảo nhận hàng về may gia công áo thun nên Thảo trở thành thợ may lúc nào không hay.

Giup chi em giam ngheo ben vung
Các thành viên CLB PN kinh doanh hoa tươi cùng trao đổi về nghề nghiệp

Thấy vợ mê may vá, ông xã chị Thảo chắt góp mua được chiếc xe máy cũ tặng vợ khởi nghiệp. Được người quen giới thiệu chỗ nhận hàng, chị Thảo bắt đầu lấy các mặt hàng áo thun, áo kiểu về nhà gia công. Biết được xưởng may ở quận 8 giao hàng đến tận nhà, chị bắt đầu hợp tác. Vẫn may gia công mặt hàng áo thun, áo kiểu, nhưng “mối” này có thêm vài mẫu túi xách.

Hàng nhận ngày càng nhiều nên chị Thảo quyết định mở xưởng, nhận đào tạo thợ, nhưng “tiền đâu” vẫn là mối băn khoăn lớn. Biết được nguyện vọng của chị, Hội PN xã đã bảo lãnh cho chị vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, đề xuất hai suất vay vốn từ báo Phụ Nữ TP.HCM.

Với số vốn 30 triệu đồng, chị Thảo đầu tư thêm máy may, dụng cụ để mở rộng quy mô. Tháng 5/2015, tổ hợp may túi xách của chị Thảo ra đời. Hơn nửa năm qua, tổ dần đi vào hoạt động ổn định, hiện có bảy nhân công, đa phần là nữ thanh niên cùng xã. Dù quy mô xưởng còn khiêm tốn, nhưng hàng nhận về đều nên thu nhập của nhân công ổn định.

Hiện nay, thợ được trả ba triệu đồng/người/tháng, bao cơm; nếu tăng ca thì được thêm tiền ngoài giờ. Trải qua nhiều khó khăn, chị Thảo tâm sự: “Có được như hôm nay là nhờ vào sự giúp đỡ, quan tâm của Hội PN xã”.

Là một PN khuyết tật, chị Hứa Thị Kiều Hạnh (SN 1961, ở chung cư Ấn Quang, P.9, Q.10) chưa bao giờ dám mơ một ngày nào đó làm chủ xưởng may gia công, nhưng Hội đã làm thay đổi cuộc đời chị.

Chị Hạnh tâm sự: “Nhờ các chị cán bộ Hội giúp vốn, tận tình chỉ dạy nghề, tìm việc, tạo học bổng cho các con tôi, cuộc sống của tôi hôm nay tuy chưa hết khó khăn, nhưng thật sự đó là cuộc đổi đời”.

Tiếp sức chị em bằng nhiều nguồn lực

Đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ vốn, giới thiệu việc làm, nâng chất lượng cuộc sống cho PN là những công việc mà Hội LHPN TP.HCM luôn đầu tư và cũng là lĩnh vực được Trung ương Hội LHPN Việt Nam cũng như lãnh đạo TP.HCM đánh giá cao.

Trong đó, có thể kể đến vai trò không nhỏ của Quỹ Hỗ trợ PN phát triển kinh tế (CWED) thuộc Hội LHPN TP.HCM. Như cái tên của mình, trong quá trình hình thành và phát triển, CWED đã tập trung các hoạt động hỗ trợ PN phát triển kinh tế, đóng góp tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của TP.HCM.

Tính đến 30/6/2016, nguồn quỹ CWED là 47 tỷ đồng, đồng thời nỗ lực, chủ động, tranh thủ các nguồn vốn khác, đến nay, tổng dư nợ mà CWED đang quản lý là hơn 79 tỷ đồng với hơn 10.000 thành viên vay vốn…

Bên cạnh việc hỗ trợ vốn, Hội còn xây dựng các tổ, nhóm liên kết ngành nghề để chị em giúp nhau làm kinh tế. Sự đa dạng của các loại hình tổ, nhóm ngành nghề, tổ hợp tác đã giúp hội viên, PN có điều kiện tương trợ, giúp đỡ nhau cùng phát triển kinh tế, từng bước nâng cao mức sống.

Đến nay, các cấp Hội đã thành lập được 394 tổ nhóm ngành nghề với 7.391 thành viên. Để giúp PN làm kinh tế hiệu quả, đồng thời góp phần thực hiện chương trình bình ổn thị trường, Hội đã phối hợp với Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Sài Gòn Co.op) triển khai hệ thống cửa hàng liên kết giữa Hội PN - Co.op tại 24 quận, huyện của thành phố, đến nay đã xây dựng được 78 cửa hàng và sẽ tiếp tục mở thêm nhiều cửa hàng tương tự.

Ngoài ra, với mong muốn quảng bá những sản phẩm do PN sáng tạo trong quá trình sản xuất, kinh doanh, Hội duy trì việc tổ chức “Ngày hội PN sáng tạo” hai năm một lần. Có thể nói, thông qua nhiều hình thức, Hội PN luôn là một điểm tựa vững chắc và đáng tin cậy đối với hội viên, PN, nhất là PN nghèo trong phát triển kinh tế gia đình.

Chi - Phương - Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI