Giọt máu châu báu, giọt máu an toàn

18/06/2021 - 07:23

PNO - Bước vào đợt giãn cách vì COVID-19 chưa lâu, ngày 3/6, UBND TPHCM đã khẩn cấp kêu gọi hiến máu nhân đạo. Việc hạn chế tập trung đông người đã khiến nhiều đơn vị tổ chức tiếp nhận máu liên tục hủy chương trình, dẫn đến số lượng máu dự trữ ở ngân hàng máu giảm sâu.

 

Bệnh viện Truyền máu huyết học TPHCM kêu gọi người dân hiến máu cứu người - Ảnh: BVCC
Bệnh viện Truyền máu huyết học TPHCM kêu gọi người dân hiến máu cứu người - Ảnh: BVCC

Tính đến ngày 27/5, lượng máu trong kho dự trữ chỉ còn khoảng 5.000 túi, ngưỡng thấp nhất trong chín tháng qua. Lượng máu này chỉ đủ cấp phát cho hơn 130 bệnh viện ở TPHCM trong năm ngày.

Sau lời kêu gọi của UBND TPHCM và thông tin được nhiều báo đài cùng truyền tải, người dân đã trực tiếp đến hiến máu tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học TPHCM (118 Hồng Bàng, P.12, Q.5) và Trung tâm Hiến máu nhân đạo TPHCM (106 Thiên Phước, P.9, Q.Tân Bình). Dù đang trong đợt dịch căng thẳng nhưng sau chưa đầy 20 ngày, lượng máu dự trữ hiện đã hoàn toàn bảo đảm, theo báo cáo mới nhất từ Hội Chữ thập đỏ TPHCM. 

Câu chuyện chỉ trong vòng hai tuần thôi mà kho dự trữ máu của thành phố từ chỗ cạn kiệt đã được đong đầy một lần nữa cho thấy tính hào hiệp, tấm lòng nhân ái thương người như thể thương thân của người 
dân TPHCM. 

Trong thực tế, nhiều năm qua, tại TPHCM đã hình thành nhiều CLB hiến máu tình nguyện để khi cần là sẵn sàng cho đi giọt máu của mình dù trong đêm khuya để cứu người. Mới đây, dòng kêu cầu ngắn ngủi của chị Trương Thị Hà (Q.7, TPHCM) vào cuối tháng 5/2021 đã được các thành viên câu lạc bộ Máu hiếm TPHCM đáp ứng trong phút chốc: “Cần gấp sự giúp đỡ của người có nhóm máu BRH - để cứu sản phụ sắp sinh tại Bệnh viện Sản Nhi TP.Vinh, Nghệ An”. “Miền Trung cần B - kìa” - các thành viên câu lạc bộ í ới gọi nhau. Ngay lập tức gia đình sản phụ đã liên hệ được với hai sinh viên ở TP.Vinh có cùng nhóm máu và sẵn sàng vào bệnh viện ngay trong đêm để cứu người.

“Vừa nghe tin, bạn nữ tên Diệu Linh chạy vào bệnh viện xin hiến máu ngay nhưng do Linh không đủ cân nặng nên bệnh viện không dám lấy máu. Kỳ diệu thay, ngay lúc đó, chị dâu tôi cũng sinh em bé và mẹ tròn con vuông. Em bé nặng 3,5kg. Gia đình tôi vô cùng biết ơn câu lạc bộ Máu hiếm ở Sài Gòn và bạn sinh viên vô cùng nhiệt huyết ở Vinh” - chị Hà chia sẻ về món quà ân tình đã nhân đôi hạnh phúc cho cả nhà suốt ba tuần qua.

Trước đó, ngày 18/5, bất chấp dịch bệnh, nhiều người đã đến Phòng Cấp cứu của Viện Tim TPHCM xin được hiến máu để cứu bệnh nhi L.H.V., giúp cuộc phẫu thuật thành công và bé V. nhanh chóng hồi phục sức khỏe. Họ chính là những anh hùng. Sự hiện diện ngay trong đêm bên cạnh sản phụ đang cần máu hiếm của nữ sinh viên Diệu Linh cũng chính là hành động anh hùng.

Năm 2004, Tổ chức Y tế thế giới, Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế chọn ngày 14/6 hằng năm làm ngày Thế giới hiến máu. Từ đó, mỗi năm, có khoảng 108 triệu lượt người hiến máu trên toàn cầu. 

Năm 2000, Chính phủ Việt Nam phê duyệt chương trình quốc gia khuyến khích hiến máu tình nguyện, ban hành quyết định lấy ngày 7/4 hằng năm là ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện. Hằng năm, số đơn vị máu hiến không ngừng tăng lên. Tuy nhiên, trước đó rất lâu, người dân Việt Nam đã luôn coi hiến máu là một nhu cầu hành thiện và vẫn thường rủ nhau đi “cho máu”. Người lớn tuổi vẫn thường dạy bảo con cháu: “Cứu một mạng người hơn xây bảy tháp chùa”. Chỉ cần dành 15 phút cho việc hiến máu, người ta có thể cứu được người đang cần máu.
Cũng đừng quên, nhu cầu hành thiện không thể tách rời trách nhiệm cần có trong nghĩa cử hiến máu.

Giữa bối cảnh dịch bệnh, chủ đề ngày Thế giới hiến máu ở mọi quốc gia đều gắn liền với thông điệp “an toàn - không ngại COVID-19”. Điều này nhắc nhở chúng ta không những phải an toàn để phòng, chống lây nhiễm virus mà cần có lối sống lành mạnh, có sức khỏe tốt để “vật phẩm” mà chúng ta hiến tặng luôn đảm bảo an toàn. Theo anh Nguyễn Anh Minh - Chủ nhiệm câu lạc bộ Máu hiếm TPHCM - đối với các trường hợp máu hiếm hoặc những ca khó như mổ tim, khâu sàng lọc trước khi lấy máu của người hiến cực kỳ nghiêm ngặt. Chỉ cần một “tì vết” trên cơ thể, như dấu xăm mình, cũng là một vấn đề gây trở ngại cho chất lượng máu.

Trên thực tế, tất cả máu hiến phải luôn được sàng lọc HIV, viêm gan B, viêm gan C và giang mai trước khi truyền cho người bệnh. Chiến dịch hiến máu toàn cầu năm 2021 đặt trọng tâm vào vai trò của người trẻ trong việc bảo đảm nguồn cung cấp máu an toàn. Tại nhiều quốc gia, họ đã đi đầu trong các hoạt động và sáng kiến nhằm đạt được mục tiêu đó. Thanh niên Việt Nam cũng không ngoại lệ. 

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI