Giáo viên than “đuối" khi vừa dạy trực tuyến, vừa ghi hình bài giảng

05/12/2021 - 11:17

PNO - Năm học mới bắt đầu trong điều kiện nhiều địa phương giãn cách xã hội nên phải chọn phương thức học trực tuyến để duy trì tiến độ học tập.

Vừa thiết kế bài giảng trực tuyến, vừa chấm bài cho học sinh, vừa hướng dẫn phụ huynh cho con làm bài tập, lại phải thực hiện ghi hình về những bài dạy của mình trong khi chưa từng được đào tạo kỹ năng dựng clip là những điều nhiều giáo viên đang phải trải qua khi dạy học online.

Theo đó, nhiều địa phương yêu cầu giáo viên phải thực hiện ghi hình bài dạy của mình, sau đó nộp về phòng giáo dục để tạo thành một kho học liệu chung, trong đó các giáo viên có thể tham khảo trong tổ chức bài dạy và nâng cao năng lực chuyên môn còn  phụ huynh khác có thể truy cập để hướng dẫn con học bài.

Việc xây dựng kho học liệu điện tử nhằm hỗ trợ giáo viên, phụ huynh, học sinh tham khảo trong khi dạy học trực tuyến được triển khai lâu nay gây ra cho giáo viên không ít khó khăn.

Giáo viên phải như “nhà dựng phim” chuyên nghiệp

Là một giáo viên thuộc thế hệ 7X trên địa bàn quận Tây Hồ, cô giáo N.T.L cho rằng việc ghi hình bài giảng quá vất vả nếu làm cá nhân và với một cô giáo không thông thạo công nghệ như cô thì không khác gì “lên trời”.

Ở trường tiểu học nơi cô L. công tác giáo viên sẽ làm clip về bài giảng của mình  theo phân môn, có thể tự chọn môn Lịch sử, Địa lý hay tập đọc đều được.

Khi thiết kế bài giảng, giáo viên phải chọn nội dung tiếp cận sinh động, hấp dẫn học sinh
Khi thiết kế bài giảng, giáo viên phải chọn nội dung tiếp cận sinh động, hấp dẫn học sinh

Cô giáo L. kể về quy trình làm một clip về bài giảng của mình rất phức tạp. Đầu tiên giáo viên xem trong tuần có bài nào tâm đắc, có nhiều nội dung có thể khai thác thì chọn bài học đó để làm clip.

Làm clip theo bài giảng thì giáo viên phải lên ý tưởng (soạn giáo án) cho các con khởi động sau đó là cho các con khám phá, luyện tập thực hành và cuối cùng là hoạt động kết nối.

Khi bắt tay vào làm clip thì với khâu khởi động, giáo viên phải nghĩ thông qua trò chơi, phim hoạt hình hay bài hát... làm sao tạo hứng thú lớn nhất cho các con. Sau khi chọn cách tiếp cận thì mới lên mạng và tìm dữ liệu.

Sau khi có dữ liệu thì bắt tay vào thiết kế powerpoint sao cho hiệu ứng bắt mắt, hấp dẫn với các con. Phần khám phá thì giáo viên có thể dựa theo tiến trình bài học, xây dựng nội dung khám phá trong bài tuy nhiên vẫn phải dùng các kỹ năng công nghệ thông tin để trình bày khoa học và phần thực hành và kết nối cũng tương tự là hướng đến bài học sáng tạo bằng việc sưu tầm thêm tư liệu.

“Khó nhất với những giáo viên “có tuổi” như tôi có lẽ là phần tìm tư liệu và lắp ghép sau đó chạy hiệu ứng, thu âm lời giảng và ghép vào video.

Mà gia đình tôi ở chung cư, nhiều khi trẻ con nhà hàng xóm chạy xe lắc ầm ầm, tiếng khóc lóc ầm ĩ cũng vang sang nhà tôi.

Có những lần làm clip bài giảng tôi phải thu âm đến 5 lần mới được vì những thứ âm thanh hỗn tạp... Đợt này, tôi đã chọn gần sáng để thu lời bài.

Giáo viên phải chuyên nghiệp như nhà làm phim khi phải tự thiết kế những clip dạy học sinh động
Giáo viên phải chuyên nghiệp như "nhà làm phim" khi phải tự thiết kế những clip dạy học sinh động

Tại trường Tiểu học Bình Hòa ngay khi được phân công làm clip về bài học nào, mỗi giáo viên phải soạn “kịch bản” trong đó bao gồm lời thoại, lời chuyển ý giữa các slide bài giảng để học sinh có thể hiểu một cách xuyên suốt cả clip bài giảng chứ không được tự chọn. Bên cạnh đó phải lựa chọn hình ảnh, video,… để thu hút sự chú ý và tránh nhàm chán khi học sinh xem clip.

Để làm một clip bài giảng thì việc tìm kiếm tư liệu sao cho tránh vi phạm bản quyền tác giả cũng khiến giáo viên mất không ít thời gian. Thầy Vũ Hoàng Sơn - giáo viên trường Tiểu học Bình Hòa (quận Bình Thạnh, TPHCM) kể để xây dựng được một clip hoàn chỉnh cả về nội dung, kiến thức chuyên môn và hình thức trình bày bắt buộc giáo viên phải biết cơ bản về dựng phim, cắt ghép hình ảnh, lồng tiếng,…

Để minh hoạ cho nội dung bài học, giáo viên thường phải lên mạng để tìm video. Khi gõ từ khoá, giáo viên sẽ thấy có hàng ngàn video nhưng không phải tuỳ tiện chèn vào nội dung bài học, giáo viên bắt buộc phải xem nhiều lần video đó, nghe kĩ từng chi tiết nhỏ các thuyết minh trong video xem có những từ ngữ, hình ảnh nào không phù hợp. Phải chọn video có nguồn gốc và của Đài truyền hình xuất bản để tránh những nội dung không đúng và chưa được kiểm duyệt.

“Sau khi tải về, để phục vụ cho nội dung của bài học chỉ cần một đoạn rất ngắn khoảng 2 – 3 phút. Đòi hỏi giáo viên phải biết sử dụng phần mềm cắt ghép một video có sẵn để chỉ lấy những đoạn phim cần thiết phục vụ chèn vào nội dung bài học. Nhiều giáo viên làm một cách rất hời hợt, chỉ xem hình ảnh hoặc nghe các đoạn thuyết minh một cách qua loa sẽ dễ dẫn đến những hậu quả khó lường cho chính giáo viên.

Bên cạnh đó, một số giáo viên chỉ biết tải về, cắt ghép video nhưng khi đưa vào bài giảng lại không ghi trích dẫn nguồn dẫn đến vi phạm bản quyền và có thể bị phạt hành chính”, đó chỉ là khâu tìm kiếm tài liệu để dựng clip bài giảng mà nhiều giáo viên như thầy Sơn phải làm.

Cũng như các giáo viên khác, thầy Sơn cũng thường chọn khung giờ sau 12g đêm, chọn phòng kín và bắt đầu thu âm. Trong quá trình thu âm chỉ cần có âm thanh của tiếng xe máy, tiếng em bé khóc, tiếng rao,… là giáo viên phải thực hiện lại từ đầu vì không có những phần mềm chuyên dụng để dựng phim, ghi âm.

“Sau khi ghi âm xong, GV sẽ phải ngồi nghe lại toàn bộ clip bài giảng, nếu có những chỗ thiếu hoặc thừa, nói thiếu từ, thừa chữ hoặc câu. Bắt buộc phải ghi âm lại đoạn đó và thực hiện công đoạn ghép nối video với nhau.

Để được một clip bài giảng hoàn chỉnh, mượt mà, không tạp âm, công sức của người giáo viên bỏ ra gấp nhiều lần so với mỗi khi giáo viên thực hiện bài giảng trực tiếp trên lớp”, thầy Sơn kể.

Giáo viên chưa được đào tạo dựng clip chuyên nghiệp

Có một điều mâu thuẫn là clip bài giảng đưa vào kho học liệu chung thì đòi hỏi phải chuyên nghiệp, sinh động, trong khi thực tế đa số giáo viên tại các trường công lập như cô L. lại chưa từng được tham gia lớp bồi dưỡng nào mang tính bài bản, đa số phải tự mày mò, nhờ sự hỗ trợ của đồng nghiệp.

Thầy Vũ Hoàng Sơn cho biết thầy không được hướng dẫn phải làm sao để có một clip đúng chuẩn và chất lượng nhưng lại nhận được yêu cầu dựng clip chuyên nghiệp trong khi nhiệm vụ của giáo viên là dạy học.

Thầy Sơn kể khi học online, học sinh đều được giáo viên giảng bài và chấm sửa bài đầy đủ giống như khi học trực tiếp trên lớp. Đôi lúc còn kĩ càng và chi tiết hơn so với khi học trên lớp.

Nhưng giáo viên tiểu học vẫn bị bắt buộc thực hiện các clip bài giảng theo phân phối của chương trình, không bỏ sót môn học, bài học nào mặc dù bài học đó đã được tất cả các giáo viên dạy online cho học sinh.

Giáo viên vừa dạy online, vừa phải chấm bài học sinh thông qua hình ảnh các em chụp gửi cho giáo viên. Mỗi học sinh lại có những hoàn cảnh khác nhau, không phải em nào cũng có điện thoại tốt để chụp lại bài cho giáo viên, có những em chụp bằng điện thoại cũ nên hình ảnh bị mờ, bị nhoè, giáo viên vẫn phải “căng mắt” để có thể chấm bài.

“Buổi tối, chúng tôi vẫn phải thức đến gần sáng để kịp thực hiện các clip và nộp theo đúng thời gian đã quy định. Giáo viên nào nộp trễ đều bị nêu tên nhắc nhở trong tổ khối. Clip thôi chưa đủ lại yêu cầu chuyên nghiệp như những kỹ thuật viên chuyên ngành truyền hình. Điều này đã gây nhiều áp lực tâm lý nặng nề đối với mỗi giáo viên. Việc thường xuyên phải thức tới 2-3g sáng để làm clip trong khi chưa biết hiệu quả đến đâu khiến chúng tôi thực sự kiệt sức”, thầy Sơn nói.

Đại Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI