Giáo viên hạnh phúc mới lan toả giá trị tích cực cho học sinh

28/12/2022 - 18:21

PNO - Đó là nhận định chung của nhiều đại biểu tham dự tọa đàm “Xây dựng trường học hạnh phúc trong bối cảnh đổi mới giáo dục - Hành động từ nhu cầu của học sinh và giáo viên” do Trường đại học Sư phạm TPHCM tổ chức chiều 28/12.

Tọa đàm với sự tham gia của hơn 200 lãnh đạo, giáo viên, sinh viên
Tọa đàm thu hút hơn 200 lãnh đạo, giáo viên, sinh viên tham gia

Tiến sĩ Nguyễn Thị Xuân Yến - Phó trưởng Khoa Giáo dục tiểu học Trường đại học Sư phạm TPHCM - đặt câu hỏi: Đứng ở góc độ giáo viên, thầy cô cần thay đổi như thế nào để học sinh được hạnh phúc? Hay nói cách khác, 1 người thầy lý tưởng để thỏa mãn nhu cầu của học sinh hiện nay là như thế nào? Bà Nguyễn Thị Xuân Yến nêu lên các yêu cầu đó là: chuẩn mực, năng động, sáng tạo, nêu gương và lan tỏa.

Hiện nay, sự phát triển của thời đại công nghiệp 4.0 cùng với việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã đặt ra yêu cầu buộc giáo viên phải thay đổi. Các thầy cô phải thay đổi trước hết để chính mình cảm thấy hạnh phúc, mỗi thầy cô hạnh phúc thì cả lớp được hạnh phúc, 1 lớp học hạnh phúc sẽ lan tỏa để trở thành trường học hạnh phúc. Thay đổi trước hết bắt đầu từ các yếu tố bên trong để tạo ra tâm thế vững vàng và nhiệt huyết với học sinh. Từ đó xây dựng phong cách của chính mình và nâng cao vị thế người thầy để lưu giữ dấu ấn trong lòng học sinh.

Nghiên cứu sinh Giang Thiên Vũ - Khoa Tâm lý học của trường - lại nhìn nhận vấn đề trường học hạnh phúc ở góc độ học sinh, các em thực sự mong muốn điều gì để hạnh phúc khi đến trường? Qua khảo sát, có những em mong nhà trường giảm tải khối lượng bài tập, có em mong cô chủ nhiệm cười với lớp nhiều hơn, có em mong thầy cô ngừng so sánh thành tích học tập với các lớp mà thầy đã dạy...

Giáo sư Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm TPHCM chia sẻ tại tọa đàm
Giáo sư Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm TPHCM chia sẻ tại tọa đàm

Kết quả một nghiên cứu với 8.643 học sinh THCS và THPT trên địa bàn TPHCM về tình trạng sức khỏe tinh thần cho thấy thực trạng đáng lo ngại: 1.117 học sinh (tỉ lệ 12,92%) cảm thấy stress ở mức vừa, nặng và rất nặng; 1.952 học sinh (tỉ lệ 22,58%) có trạng thái lo âu ở mức vừa, nặng và rất nặng; 1.177 học sinh (tỉ lệ 13,62%) có biểu hiện trầm cảm ở mức vừa, nặng và rất nặng.

Nguyên nhân được chỉ ra gồm nhiều yếu tố như áp lực bài vở, các kỳ thi, nội dung và phương pháp học tập; áp lực từ gia đình và những tổn thương, sang chấn học sinh phải chịu đựng; áp lực từ bạn bè đồng trang lứa và sự so sánh của thầy cô, cha mẹ; không có thời gian rèn luyện kỹ năng và cảm xúc xã hội; chưa được quan tâm đời sống tinh thần và chăm sóc tinh thần.

Theo ông Giang Thiên Vũ, đang có thực tế là học sinh bị rơi vào trạng thái kiệt sức học tập khi áp lực bài vở quá lớn mà các em không có nơi lắng nghe, chia sẻ cũng như không có thời gian tái tạo năng lượng tích cực.

Ông Nguyễn Mạnh Liêu - Hiệu trưởng THPT Giá Rai (tỉnh Bạc Liêu) - cho rằng không có trường học hạnh phúc nếu thiếu đi sự quan tâm của thầy cô đối với học sinh. Vị hiệu trưởng này chia sẻ, khi còn là giáo viên, ông luôn tìm đến tận nhà từng học sinh để tìm hiểu hoàn cảnh các em. Có những em rất nghèo hoặc có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhưng không dám nói.

“Một trường hợp tôi chủ nhiệm cách đây khá lâu, năm 2007, ở trường các thầy cô đánh giá em rất thấp, tiếp thu chậm, thậm chí đề nghị cho em nghỉ học. Nhưng khi tôi đến nhà mới biết cha em bị nhiễm chất độc da cam, còn đứa em bị tàn tật. Sau đó, tôi gặp gỡ thầy cô trong trường để chia sẻ hoàn cảnh của em. Cùng với sự quan tâm của giáo viên, em từ một học sinh yếu đã nỗ lực đậu đại học, hiện đang là quản lý một công ty rất thành công. Nếu lúc đó, các thầy cô bỏ rơi em thì có lẽ cuộc đời em đã rẽ sang hướng khác” - ông Nguyễn Mạnh Liêu kể.

Giáo sư Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm TPHCM - trao đổi: “Các thầy cô hãy tự hỏi trong tháng này mình đã khen học trò chưa? Có đến gần và hỏi sao hôm nay cô thấy mắt con sáng quá, có điều gì vui muốn chia sẻ với cô không? Nếu không gần gũi học trò nghĩa là chúng ta đã bỏ quên một chức năng quan trọng của người thầy là đồng cảm, sẻ chia với các em, bỏ quên việc ghi dấu hình ảnh của chính mình trong trái tim học trò.

Trường học hạnh phúc khi các em được là chính mình, được sống đúng với tư duy, suy nghĩ của mình. Không thể có trường học hạnh phúc nếu trong trái tim từng người đều tổn thương và xả những tiêu cực cho người khác. Do đó, các thầy cô phải tự tìm niềm vui trong công việc, giáo viên phải hạnh phúc để lan tỏa những giá trị tích cực cho học sinh” .

P.Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI