Giáo dục ở đồng bằng sông Cửu Long: Nhiều thách thức về chuyển đổi số

18/03/2023 - 07:19

PNO - 10 năm gần đây, với sự nỗ lực chung của các cấp chính quyền, đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo… đã đưa giáo dục vùng đồng bằng sông Cửu Long thoát khỏi “vùng trũng”. Tuy vậy, công cuộc chuyển đổi số cũng đang đặt ra nhiều thách thức về nhân lực.

 

Thiếu máy móc, thiết bị và cả nhân lực đang là khó khăn lớn khi thực hiện chuyển đổi số đối với giáo dục  ở đồng bằng sông Cửu Long (trong ảnh: Học sinh Trường tiểu học B Vĩnh Hội Đông, huyện biên giới An Phú,  tỉnh An Giang đến trường) - ẢNH: HUỲNH TRỌNG
Thiếu máy móc, thiết bị và cả nhân lực đang là khó khăn lớn khi thực hiện chuyển đổi số đối với giáo dục ở đồng bằng sông Cửu Long (trong ảnh: Học sinh Trường tiểu học B Vĩnh Hội Đông, huyện biên giới An Phú, tỉnh An Giang đến trường) - Ảnh: Huỳnh Trọng

Nhiều chuyển biến 

Một thời gian dài, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được xem là “vùng trũng” về giáo dục nhưng những năm qua, giáo dục từ mầm non cho đến đại học đã có những chuyển biến tích cực. “Trong khoảng 10 năm gần đây, với sự nỗ lực chung của các cấp chính quyền địa phương, cùng đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo… đã đưa giáo dục vùng ĐBSCL phát triển và đạt được những kết quả quan trọng.

Qua thống kê của các tỉnh cho thấy, giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) vùng ĐBSCL đã thoát ra khỏi vùng trũng” - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhận định tại một hội nghị về giáo dục ở ĐBSCL hồi cuối tháng Hai vừa qua.

Cụ thể, hệ thống trường từ mầm non đến phổ thông ở các tỉnh ĐBSCL phát triển rộng khắp. Việc xóa các điểm trường lẻ, sáp nhập các cơ sở giáo dục có quy mô nhỏ tại các địa phương được thực hiện quyết liệt. Theo Bộ GD-ĐT, năm học 2010-2011, giáo dục mầm non ở vùng ĐBSCL có 1.687 cơ sở, 18.045 nhóm/lớp với 517.515 trẻ em. Đến năm học 2019-2020, giáo dục mầm non toàn vùng đã có 2.002 cơ sở (tăng 315), 20.543 nhóm/lớp (tăng 2.498 nhóm lớp) với 584.099 trẻ em (tăng 66.584 trẻ). 

Giáo dục phổ thông có sự điều chỉnh về số lượng cơ sở cho phù hợp với quy hoạch và định hướng của từng giai đoạn. Nếu như năm học 2010-2011, vùng ĐBSCL chỉ có 13 cơ sở giáo dục đại học, thì đến năm 2020 đã tăng lên đến 21; trong đó có 4 phân hiệu và 8 cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập. Các trường đại học trong khu vực hiện đang đào tạo trình độ từ đại học đến tiến sĩ. 

Tuy đã có chuyển biến tích cực nhưng theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, các tỉnh ĐBSCL vẫn còn khó khăn mà tới đây cần phải nỗ lực hơn nữa. Theo đó, các tỉnh cần có giải pháp tổng thể, nhất là nhanh chóng đầu tư kiên cố hóa trường lớp, đầu tư trang thiết bị phòng học bộ môn phục vụ chương trình mới, có phương án phù hợp trong sắp xếp điểm trường… 

Cũng theo Bộ GD-ĐT, mục tiêu phát triển giáo dục vùng ĐBSCL trong thời gian tới là phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Chuyển phát triển GD-ĐT từ chủ yếu theo số lượng sang chú trọng chất lượng và hiệu quả. Đổi mới hệ thống giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ và giữa các phương thức GD-ĐT. Thực hiện chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa GD-ĐT… 

Đề xuất giải pháp phát triển GD-ĐT ở ĐBSCL - ông Nguyễn Minh Luân - Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - cho rằng: “Trước tiên, cần tập trung nâng cao trình độ học vấn và kỹ năng lao động; gắn chiến lược phát triển nhân lực với kinh tế - xã hội. Tiếp tục khuyến khích lao động tự học; làm tốt công tác phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài và xây dựng xã hội học tập…”. 

Thiếu nhân lực chuyển đổi số 

Đặc biệt, ông Nguyễn Minh Luân cũng trăn trở khi nguồn nhân lực về công nghệ thông tin nhằm đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số ở các địa phương còn thiếu, không chỉ ở khu vực công, mà ngay cả khu vực tư nữa. Do đó, nhân lực số là vấn đề cần phải được tính toán sớm và có giải pháp mạnh mẽ để đầu tư bài bản. 

Thực tế, ngành giáo dục các tỉnh ĐBSCL đang nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi số. Sở GD-ĐT TP Cần Thơ cho hay, hiện tất cả cơ sở giáo dục từ tiểu học đến THPT trên địa bàn thành phố đã sử dụng phần mềm quản lý học sinh SMAS. Ngành giáo dục còn ứng dụng các phần mềm quản lý trường mầm non, phần mềm đánh giá khẩu phần ăn dinh dưỡng cho trẻ, phần mềm xếp thời khóa biểu… Ngoài ra còn trang bị hàng chục phòng họp trực tuyến tại Sở GD-ÐT, một số phòng GD-ĐT và trường THPT.

Ông Châu Tuấn Hồng - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sóc Trăng - cũng thông tin: “Năm học vừa qua, chúng tôi tổ chức cho thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh lớp Mười bằng hình thức trực tuyến. Ngoài ra, ở các cơ sở giáo dục trên địa bàn cũng đã lựa chọn giải pháp phần mềm dạy học trực tuyến phù hợp điều kiện thực tế và áp dụng khi học sinh không thể đến trường”. 

Tuy vậy, ông Châu Tuấn Hồng cho hay, bên cạnh thuận lợi thì việc chuyển đổi số cũng gặp những khó khăn. Đây là lĩnh vực mới nên một số nơi còn lúng túng. Ngoài ra, nguồn nhân lực về công nghệ thông tin tại các cơ sở giáo dục chưa đảm bảo, nhất là ở các trường tiểu học và mầm non. 

Từ thực tế cơ sở, ông Mai Văn Hùng - Hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS Vĩnh Bình Bắc (huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang) - chia sẻ: “Cái khó của các trường học ở nông thôn hiện nay là không có cán bộ chuyên trách về chuyển đổi số. Vì vậy, nhà trường phải ứng phó bằng cách thấy thầy cô nào có hiểu biết về công nghệ thông tin thì khuyến khích kiêm nhiệm, hỗ trợ các giáo viên soạn giáo án trên máy tính, đảm nhận luôn trang web của nhà trường… Dù công việc khá nhiều, nhưng không có bất cứ chi phí hỗ trợ nào; thậm chí máy tính xách tay và máy ảnh cũng phải tự trang bị bằng tiền cá nhân”. 

Hiện nếu trường nào có giáo viên am hiểu về công nghệ thông tin thì hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào giảng dạy khá tốt. Ngược lại những trường không có giáo viên am tường công nghệ thông tin hoặc không “đam mê” thì sẽ rất khó khăn, bởi không có biên chế và không có chính sách cho cán bộ làm nhiệm vụ chuyển đổi số. Đây là trở ngại chung của bài toán về nhân lực số mà tới đây các tỉnh ĐBSCL cần tập trung giải quyết. 

 Huỳnh Trọng - Tân An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI