Đề xuất cơ chế đặc thù phát triển đô thị thông minh và giải pháp đột phá cho Đồng bằng sông Cửu Long

29/01/2021 - 19:57

PNO - Các đại biểu từ các tỉnh, thành phố đã mang đến Đại hội Đảng XIII rất nhiều kiến nghị, giải pháp phát triển đất nước nhanh, bền vững vì sự phát triển con người.

Cơ chế đặc thù để xây dựng đô thị thông minh

Nói về "Phát triển kinh tế tri thức, kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn từ TPHCM”, đại biểu Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TPHCM đề nghị cần đánh giá đúng thực trạng, xác định rõ quan điểm phát triển kinh tế tri thức, chỉ rõ mô hình, mục tiêu, khâu đột phá và định hướng phát triển kinh tế tri thức, đồng thời tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung đề ra.

Cần xác định và triển khai lộ trình, bước đi và giải pháp thích hợp, xác định rõ những khâu, bước đột phá, không dàn trải; trước mắt ưu tiên phát triển kinh tế tri thức tại các ngành ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, các đô thị lớn, vùng kinh tế trọng điểm để tạo nền tảng, lan tỏa đến các ngành, địa phương khác.

Ngoài ra, cần nhấn mạnh khâu phân tích, tổng hợp kết quả đạt được định kỳ hàng năm để đánh giá rút kinh nghiệm, điều chỉnh kịp thời các định hướng, giải pháp phù hợp xu hướng phát triển kinh tế toàn cầu.

Các đai biểu trong phiên thảo luận Văn kiện Đại hôi
Các đại biểu trong phiên thảo luận Văn kiện Đại hội 

Đại biểu Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội trăn trở: “Hà Nội vừa được Quốc hội đồng ý về cơ chế thí điểm quản lý hành chính theo mô hình chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính đặc thù, tăng cường tính chủ động, nâng cao năng lực giải trình của chính quyền trong xử lý công việc. Thành phố cũng có quy mô dân số lớn, lực lượng lao động chất lượng cao... Tuy nhiên, nhiều vấn đề phức tạp, vướng mắc nảy sinh trong quá trình phát triển chưa được giải quyết căn cơ. Năng lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan, cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu; Thủ đô luôn phải đối mặt với các nguy cơ lây nhiễm COVID-19 rất cao...”.

Cần cơ chế kết nối TPHCM với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long

Theo Văn kiện trình Đại hội, trong nhiệm kỳ tới, Đảng xác định sẽ nghiên cứu phân vùng phù hợp, nâng cao chất lượng quy hoạch vùng theo hướng tích hợp, đa ngành; khai thác tốt hơn và phát huy tốt nhất các lợi thế của mỗi vùng về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, vị trí địa kinh tế - chính trị, nguồn nhân lực và tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng để tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới. Hoàn thiện thể chế và hệ thống pháp lý về vùng; nghiên cứu hệ thống luật pháp quy định về chính quyền địa phương phù hợp. Nghiên cứu, ban hành quy chế phối hợp điều hành các vùng, liên vùng; xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển vùng, liên kết vùng...

Ông nói, bên cạnh các “bất cập” trên, ĐBSCL lại đang rơi vào thách thức mới đó là bị tác động lớn của biến đổi khí hậu. Như vậy, các lợi thế về điều kiện tự nhiên của vùng sẽ thay đổi, ngành nông nghiệp được dự báo sẽ bị tác động nhiều nhất, hệ thống sản xuất và thế mạnh của ngành nông nghiệp phải được điều chỉnh tương thích với tác động của biến đổi khí hậu và kịp thời có giải pháp thích ứng để phát triển bền vững.

Đại biểu Lê Quang Mạnh, Bí thư Thành ủy Cần Thơ cho rằng: "Nông nghiệp của ĐBSCL liên tục đóng góp vai trò khá quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của vùng và cả nước, nhiều lần thực hiện được vai trò là trụ đỡ khi nền kinh tế gặp khó khăn. 

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay thì nông nghiệp ĐBSCL đang đối mặt với rất nhiều thách thức, khó khăn, dẫn đến tỷ trọng đóng góp của ĐBSCL vào GDP cả nước ngày càng suy giảm, từ 27% (năm 1990) xuống còn 18% (năm 2020). An ninh lương thực và thực phẩm đòi hỏi ngành nông nghiệp phát triển theo định hướng tăng năng suất và sản lượng; do vậy, chậm chuyển dịch sang các ngành có hiệu quả kinh tế cao hơn. Bên cạnh đó, các chính sách cho phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, sản xuất theo hướng chất lượng và bền vững… nhất là chính sách cho người sản xuất còn nhiều bất cập, thậm chí làm cho ĐBSCL bị rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan”.

Đại biểu Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương cần xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển toàn diện cơ sở hạ tầng cho vùng ĐBSCL như: hạ tầng thủy lợi - cấp nước, giao thông - logistics, năng lượng, hạ tầng số... Đặc biệt, đề nghị có cơ chế đầu tư phát triển tuyến động lực ven biển nối TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng ĐBSCL (qua Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang), phát triển hành lang kinh tế ven biển, gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh và thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Diễm Chi

 

 
TIN MỚI